Cắt tận nơi vẫn… giả
Qua một đầu mối, PV tiếp cận được người tên Nam chuyên buôn bán lông đuôi voi ở quận Phú Nhuận, TP.HCM. Gặp PV tại một quán cà phê trên đường Phan Xích Long (quận Phú Nhuận, TP.HCM), Nam cho biết: “Lông đuôi voi đang được nhiều người ưa chuộng. Theo phong tục của người Tây Nguyên, lông đuôi voi vừa mang lại may mắn vừa tránh bị bệnh tật như cảm cúm, trúng gió cho người sở hữu. Đồng thời, nó còn là biểu tượng của tình yêu, lòng thuỷ chung son sắt”.
Nam cầm mấy sợi lông đuôi voi và quảng cáo: “Em cam kết lông này 100% của voi Tây Nguyên. Em sẽ hoàn tiền đầy đủ nếu anh phát hiện nó là hàng giả. Em có người quen nuôi voi ở Tây Nguyên. Họ cần tiền nên mới bán, chứ không có nhiều đâu. Lông đuôi voi anh mua trên thị trường chưa chắc là thật, mà nếu thật thì cũng là voi ở khu vực khác, chứ không phải voi Tây Nguyên”.
Dứt lời, Nam báo giá cho mỗi sợi lông là 350.000 đồng. “Giá này là mềm rồi anh, người ta còn bán tới 400.000 – 500.000 đồng/sợi. Anh cứ lấy thử một vài sợi trước đi, đem về cho người nào biết về lông voi người ta nhìn. Nếu hàng thật, anh mua ủng hộ cho em thêm. Em không gạt (lừa - PV) anh đâu”.
Tương tự, PV tiếp xúc với một số đầu mối khác và những người này cũng khẳng định, lông đuôi voi có thể xua đuổi tà ma, mang lại may mắn, sức khoẻ và thành công. Người tên Thành, bán lông đuôi voi ở quận Gò Vấp, TP.HCM ra giá cho PV: “Nếu anh lấy lông đen, giá là 400.000 đồng/sợi, còn lông trắng 500.000 đồng/sợi”.
Thành nói tiếp: “Lông trắng mới quý hiếm và linh hiển gấp trăm lần so với lông đen. Anh xem đi, lông đuôi voi trắng óng và đẹp chưa, quan niệm của người Tây Nguyên là lông trắng mới quý và tốt. Loại này cực hiếm nha anh. Dù anh có mua tận nơi, người ta cắt cho anh thì đó cũng là hàng giả”.
PV ngạc nhiên, Thành lý giải: “Người mua quá nhiều mà lông đuôi voi thì ít nên nài voi mua lông ngựa, lông trâu về dán keo vào đuôi voi thật. Sau đó, họ cắt bán tại chỗ cho người mua, có ai ngờ là lông giả?! Hàng của em bao anh 100% luôn. Nếu không đúng, anh cứ đánh chửi thoải mái và em sẽ trả lại tiền cho anh”.
Thêu dệt bán kiếm lời
Anh Nguyễn Hoàng Phát, một hướng dẫn viên du lịch cho biết: “Mới đây, tôi có dẫn đoàn khách nước ngoài lên Buôn Đôn (tỉnh Đắk Lắk) và họ có đi cưỡi voi. Sau đó, nài voi kêu tôi hỏi các vị khách kia có mua lông đuôi voi hay không, giá bán là 300.000 đồng/lông. Tôi ngạc nhiên, hỏi lại nài voi, mua lông đuôi voi để làm gì, anh này giải thích là để cho may mắn và phòng trừ bệnh tật”.
“Sau đó, tôi có tìm hiểu và biết được người ta dựa vào một truyền thuyết hay một câu chuyện cổ tích với rất nhiều dị bản để bán lông đuôi voi. Một trong số đó, tôi có nghe được câu chuyện về một đôi trai gái người dân tộc yêu nhau say đắm. Tuy nhiên, họ không thể đến được với nhau do hai làng cấm cản. Chàng trai đau khổ, cầu xin thần Voi giúp đỡ. Thần tặng chàng một chiếc nhẫn làm bằng lông đuôi voi để làm tín vật. Nhờ vào món quà của thần Voi, chàng trai và cô gái đã đến được với nhau, thành vợ chồng sống hạnh phúc”, anh Phát kể thêm.
Ngoài lông voi Đắk Lắk, nhiều người còn quảng cáo bán lông đuôi voi của Lào, Thái Lan, Campuchia… “Lông đuôi voi của Thái Lan hàng đẹp cực và mang lại may mắn, hạnh phúc, phòng trừ các loại bệnh tật hết sức hiệu quả. Giá bán rẻ lắm anh, chỉ 300.000 đồng/sợi”, người tên Thái, bán lông đuôi voi ở quận 3, TP.HCM giới thiệu.
Thái tỏ ra ấp úng khi so sánh hai loại lông Thái-Việt: “Cơ bản là giống nhau, lông đuôi voi Thái nhỏ hơn chút nhưng nó lại cực kỳ linh. Em có người bạn sống ở bên đó, hai thằng hợp tác đưa lông về đây bán để kiếm thêm chút tiền. Do vậy, anh cần bao nhiêu lông cũng có, số lượng nhiều thì em sẽ giảm giá cho anh”.
Tuy nhiên, một số người tỏ ra rành về chuyện lông đuôi voi cho biết, hiện có đến 90% trên thị trường là lông voi giả, chủ yếu là lông trâu, ngựa, heo đội lốt. “Nhiều người mua về mới biết mình bị lừa, do đó là lông trâu, ngựa, thậm chí cả heo. Những con heo, đặc biệt là “heo rừng” (heo nuôi thả) có lông dài, đen, cứng… như lông đuôi voi, được các đối tượng mua về bán với mác là lông đuôi voi. Thực tế, lông trâu, ngựa, heo chả ai mua làm gì, thậm chí cho người ta còn không lấy nhưng lại bán cho người không biết với giá 300.000 đồng/lông”, anh Nguyễn Văn Bảo, một hướng dẫn viên du lịch ở quận 1, TP.HCM cho biết.
Xem voi như người, lấy gì mà bán lông |
TS. Nguyễn Văn Trí, giảng viên trường đại học Văn hoá TP.HCM cho biết: “Thực tế, trong văn hoá của người dân tộc Tây Nguyên nói chung, đặc biệt là những người thuần được và nuôi voi không hề có ý tưởng làm hại, làm đau con voi, dù việc đó có mang lại nhiều tiền cho họ. Bởi, người ta xem voi như là người, thậm chí khi voi chết, chủ voi hay nài voi còn chôn cất cẩn thận, đồng thời làm mộ cho nó. Việc người này người nọ mua lông, ngà voi… thực chất chỉ làm cho các loài động vật đi đến tuyệt chủng mà thôi, chứ không có tác dụng như kỳ vọng”. |
Thanh Tùng