Cô giáo trẻ nhiệt huyết
Một buổi trưa cuối tuần, ngang qua ngôi nhà sàn ở làng Greo Sek, xã Dun, huyện Chư Sê, tỉnh Gia Lai, chúng tôi nghe văng vẳng những tiếng tập đọc chữ.
Thật đặc biệt, trong căn phòng nhỏ, trên bục giảng là cô giáo trạc tuổi đôi mươi còn học sinh là những người lớn tuổi, có người tóc đã bạc. Những học sinh đặc biệt ngồi phía dưới đồng thanh đánh vần từng chữ cái theo khẩu lệnh của cô giáo trẻ. Thấy có khách lạ, cô giáo trẻ ra hiệu cho lớp học nghỉ giải lao.
Trò chuyện với chúng tôi, cô giáo giới thiệu mình tên là Rơ Lan Vy, SN 1996, trú tại làng Greo Sek, xã Dun, hiện là giáo viên của Trường mầm non song ngữ ETC Gems Chư Sê.
Cô Vy cho biết, ngày xưa bố của cô không có điều kiện đến trường nên ông không biết chữ. Do đó, ông luôn cảm thấy mặc cảm với bản thân, xấu hổ trước bạn bè nên ông mong muốn con gái dạy cho cái chữ.
Trong quá trình dạy cho bố, cô giáo Vy biết nhiều người làng cũng muốn được học để xóa mù chữ nhưng không có điều kiện. Trong một lần tham gia sinh hoạt với Chi Đoàn làng Greo Sek, thấy suy nghĩ của mình trùng với ý tưởng của nhiều đoàn viên nên cô Vy đề nghị mở lớp và sẽ đảm nhận việc dạy chữ cho mọi người.
Từ đó, lớp học xóa mù chữ của cô ra đời được nhiều người trong làng tìm đến với mong muốn biết đọc, biết viết.
Cô Vy phấn khởi: “Từ ngày lớp học này ra đời, có nhiều người trong làng tưởng chừng như cả đời này sống trong “bóng tối”, nhưng hiện tại nhiều người ra đường đã đọc được chữ trên các biển thông báo, viết thành thạo. Đó là điều khiến em có thêm động lực để duy trì lớp học này”.
Trò chuyện với chúng tôi, bà Rơ Lan Phá (SN 1968) mừng rở khoe: “Nhờ có vô Vy tận tình chỉ dạy, giờ mình đã biết đọc, biết viết thành thạo! Mình vui lắm”.
Bà Phá chia sẻ, hồi nhỏ, do điều kiện gia đình khó khăn, bà chỉ học đến lớp 2 rồi nghỉ. Lúc đó, bà chưa ý thức được tầm quan trọng của việc học. Sau này lớn lên, bà nhận thấy chuyện không biết chữ là rất thiệt thòi. Nhất là những khi đến nơi công cộng, có bảng thông báo mà bản thân không biết đọc, không làm theo được, đôi khi còn bị nhắc nhở, bà thấy xấu hổ.
“Vì thế, khi nghe cháu Vy mở lớp dạy chữ, mình đăng ký học ngay. Sau 2,5 tháng đều đặn đến lớp, mình đã quen mặt chữ. Mình già rồi, tiếp thu chậm và hay quên bài nhưng tự nhủ lòng phải cố gắng, rảnh lúc nào là học lúc đó”, bà Phá vui mừng.
Anh Kpuih Toàn (SN 1987) tâm sự: “Lúc nhỏ, hai vợ chồng đều không được học hành tới nơi tới chốn. Mấy chục năm qua, gánh nặng cơm áo khiến chúng tôi quên hết mặt chữ. Giờ thì đang cố gắng học lại, để còn động viên con cháu noi theo, đừng bỏ học giữa chừng rồi ân hận”.
Gieo con chữ cho người già
Theo cô Vy, trước nguyện vọng của đông đảo người dân trong làng, được sự chấp thuận, ủng hộ của chính quyền, giữa tháng 6/2022, lớp xóa mù chữ được mở với khoảng 20 người có độ tuổi từ 15 đến 55 theo học.
Địa điểm học là tại Nhà văn hóa của xã, bảng và bàn ghế thì mượn của một trường học. Hôm nào ở Nhà văn hóa có họp thì đoàn xã mượn tạm phòng học để việc học tập không bị gián đoạn.
"Mấy tuần đầu, mình dạy cả tuần, thời gian từ 20h đến 21h30 mỗi ngày. Sau này, do bận công việc nên một tuần mình chỉ dạy được 3 buổi. Điều phấn khởi là dù lớn tuổi nhưng các cô chú, anh chị học viên rất ham học, tích cực đến lớp, học hành nghiêm túc”, cô gái trẻ người Jrai bộc bạch.
“Trong xã vẫn còn nhiều người không biết chữ. Đa phần là do lúc nhỏ có đi học nhưng rồi bỏ giữa chừng. Sau đó, bà con lo làm lụng kiếm sống nên không có thời gian theo học trở lại, dẫn đến quên mặt chữ. Vì vậy, với nhiều người, chỉ cần học lại một thời gian là có thể đọc thông, viết thạo.
Bên cạnh đó, lớp học cũng đã tiếp thêm cho mọi người niềm vui khi được đến trường cũng như sự tự tin khi ra ngoài xã hội. Mình và các đoàn viên Chi Đoàn làng Greo Sek rất phấn khởi khi đã làm được việc có ý nghĩa giúp bà con”, cô Vy phấn khởi nói.
Tuy vậy, cô vẫn không giấu được nỗi ưu tư khi nhắc đến việc lớp học phải tạm ngưng. “Lớp mở được chừng 2,5 tháng thì tạm dừng. Nguyên nhân là năm học mới 2022-2023 đã đến, phải trả bàn ghế cho nhà trường. Cùng với đó, nhiều học viên phải đi miền Nam làm ăn.
Nhiều người đề nghị mình tiếp tục mở lớp dạy tại nhà. Bản thân mình cũng đã tính đến phương án này nhưng nhà chật và không có tiền mua bàn ghế, bảng. Cách cuối cùng là cứ đến dịp hè, mình phối hợp với Đoàn xã mở lớp. Có điều, với cách này, hiệu quả xóa mù chữ không cao, do khoảng thời gian nghỉ học quá dài”, cô Vy tâm sự.
Anh Nguyễn Đức Trịnh, Bí thư Đoàn xã Dun cho biết: “Qua 26 buổi học trong quãng thời gian chừng 2,5 tháng, một số người dân đã có thể đọc thông thạo, số còn lại đã biết đọc và ký tên mình, những câu chỉ dẫn ngắn, làm được phép tính đơn giản. Vì lý do khách quan nên lớp xóa mù chữ đang tạm ngưng. Chúng tôi đang bàn bạc với cô giáo Rơ Lan Vy tìm ra phương án thích hợp nhất, nhằm duy trì lớp học và xin ý kiến của cấp trên để tiếp tục triển khai”.