PV: Những bài thơ trong SGK luôn là những ký ức không thể nào quên với các em học sinh. Chắc hẳn việc lựa chọn để đưa vào SGK cũng phải có nguyên tắc riêng?
Nhà thơ Nguyễn Hữu Quý: Lâu nay chúng ta vẫn nói "trẻ em là tương lai của đất nước". Và, mặc nhiên chúng ta nên dành những gì tốt đẹp nhất cho các em, kể cả các tác phẩm đưa vào sách giáo khoa. Những bài thơ trong trẻo, đẹp đẽ, hồn nhiên có trong sách giáo khoa để lại dấu ấn cực kỳ lâu dài trong ký ức ta.
Tôi vẫn nhớ như in những vần thơ mà mình được học thời cấp 1 như: Cứ mỗi độ thu sang/ Hoa cúc lại nở vàng/ Ngoài vườn hương thơm ngát/ Ong bướm bay rộn ràng/ Em cắp sách tới trường/ Nắng thu rải trên đường/ Trời trong xanh gió mát/ Đẹp thay lúc thu sang.
Tôi nghĩ rằng mình yêu bài thơ ấy chắc cũng giống các cháu thiếu nhi yêu những bài thơ hay được học trong sách giáo khoa sau này như Hạt gạo làng ta của Trần Đăng Khoa; Hương rừng của Minh Chính; Quê hương của Đỗ Trung Quân; Lũy tre của Nguyễn Công Dương; Làm anh của Phan Thị Thanh Nhàn…
Theo tôi, đấy là những bài thơ hay về ý tứ, cấu trúc mạch lạc, có nhiều hình ảnh đẹp, giàu tính nhạc và rất trong sáng, hồn nhiên phù hợp với tâm hồn thiếu nhi.
Hay như bài thơ Mèo con đi học của P.Vô - rôn-cô có trong sách giáo khoa lớp 1 đọc lên rất thú vị bởi câu chuyện ngộ nghĩnh đầy tính giáo dục của nó: Mèo con buồn bực/ Mai phải đến trường/ Bèn kiếm cớ luôn:/ -Cái đuôi tôi ốm./ Cừu mới be toáng:/ -Tôi sẽ chữa lành/ Nhưng muốn cho nhanh/ Cắt đuôi khỏi hết!/ -Cắt đuôi? Ấy chết…!/ Tôi đi học thôi
PV: Dư luận đang có nhiều ý kiến về bài thơ Bắt nạt được tuyển chọn vào cho học sinh lớp học lớp 6 sách Ngữ văn (Bộ Kết nối tri thức với cuộc sống.- Nhà xuất bản Giáo dục Việt Nam). Ý kiến của ông về việc bài thơ được chọn trong SGK?
Nhà thơ Nguyễn Hữu Quý: Bài Bắt nạt đang làm dậy sóng dư luận mạng xã hội hiện nay. Thực tình khi đọc nhiều lần bài Bắt nạt tôi quá ngạc nhiên và băn khoăn. Từ đầu đến cuối chỉ là một sự kể lể lộn xộn, dài dòng theo cách cái nọ xỏ cái kia vô cùng tùy tiện. Tôi thấy hình ảnh thơ rất ít và chẳng có chút lấp lánh nào hết. Mà với thơ, viết cho đối tượng nào cũng rất cần thi ảnh. Thi ảnh làm nên ánh sáng của thơ.
Một ví dụ nhỏ, vì sao trong bài Mẹ ốm của Trần Đăng Khoa người ta vẫn nhớ nhiều tới chi tiết này: Cả đời đi gió đi sương / Bây giờ mẹ lại làn giường tập đi. Hình ảnh người mẹ lần giường tập đi trong đôi mắt của cậu bé Khoa và có lẽ của rất nhiều người nữa nói được bao nhiêu điều.
Điều nữa, trong khi học sinh ta phần lớn là ở nông thôn, vùng núi thì cái hình ảnh nhảy híp - hóp và mù - tạt có mang tính phổ quát thông dụng chưa. Lại mất công cô thầy giải thích híp - hóp, mù - tạt là gì. Theo tôi, Bắt nạt không phải là bài thơ giản dị mà là bài thơ dễ dãi, cố làm ra vẻ hồn nhiên và vô cùng cẩu thả về ngôn từ. Thơ cho trẻ em cần sự nhẹ nhàng, hồn nhiên, tinh tế mà đây thì không như thế.
Nhẹ nhàng là đây ư: Đừng bắt nạt người lớn/ Đừng bắt nạt trẻ con/ Đừng bắt nạt nước khác/ Trên khắp trái đất tròn? Hồn nhiên là đây ư: Bắt nạt là xấu lắm/ Đừng bắt nạt, bạn ơi/ Bất cứ ai trên đời/ Đều không cần bắt nạt?…Tinh tế là đây ư: Bạn nào bắt nạt bạn/ Cứ đưa bài thơ này/ Bảo đến cần bắt nạt/ Thì đến gặp tớ ngay// Cứ đến bắt nạt tớ/ Bị bắt nạt quen rồi/ Vẫn không thích bắt nạt/ Vì bắt nạt rất hôi?
Qua mạng xã hội, báo đài, tôi biết nhiều ý kiến chê bài Bắt nạt và tỏ thái độ không đồng tình với việc đưa nó vào sách giáo khoa của môn Ngữ Văn. Thiết nghĩ, bộ GDĐT nên xem xét và sớm có ý kiến về trường hợp này. Đừng để nó “bắt nạt” thầy cô, học sinh và cả chúng tôi nữa, những người rất quan tâm đến tương lai con em chúng ta.
PV: Theo ông, dư luận đang phản ứng về khâu thẩm định SGK hay phản ứng về bài thơ Bắt nạt?
Nhà thơ Nguyễn Hữu Quý: Có lẽ cả hai nhưng chủ yếu là phản ứng về việc thẩm định, tuyển chọn SGK. Vì nếu như tác phẩm in đâu đó ngoài SGK chắc người ta không quan tâm lắm đâu dù nó có dở. Bây giờ thơ dở hơi bị nhiều, có thêm một bài thơ dở nữa cũng chẳng sao. Chẳng ảnh hưởng gì đến hòa bình thế giới cả. Nhưng khi nó được chọn lựa để đưa vào SGK thì thành một chuyện khác. Vì theo quan niệm của nhiều người những tác phẩm đưa vào SGK phải là xuất sắc. Ít nhất nó phải tốt về nội dung khá về nghệ thuật. Tác phẩm ấy phải tạo được những rung động đẹp đẽ cho các em.
Nhưng theo tôi, như đã trình bày ở trên Bắt nạt không đạt được yêu cầu đó nên nó vấp phải sự phản ứng quyết liệt của dư luận rộng rãi. Tôi không nói tất cả nhưng số người phản đối việc đưa bài thơ đó vào SGK là rất nhiều đủ các thành phần trong đó có không ít nhà văn, nhà thơ, nhà báo, nhà giáo… Hiện tượng phê phán bài thơ Bắt nạt của anh ấy vừa qua không phải là hội chứng đám đông. Mà là một sự bất bình và phẫn nộ thực sự. Tôi xin nhắc lại Bắt nạt không hội tụ trong nó sự hồn nhiên, trong trẻo nào cả.
Bài thơ không có sai phạm gì nhưng nó không xứng đáng để đưa vào sách giáo khoa vì nó dở. Trong đánh giá của tôi, đây là một cách diễn ngôn thơ không ra thơ, vè không ra vè, hết sức dễ dãi và lười biếng. Lười biếng trong tìm cấu tứ, lười biếng trong sáng tạo hình ảnh, lười biếng trong chọn lọc ngôn ngữ. Ai đó có tụng ca rằng đây là sản phẩm của thi ca hậu hiện đại thì mặc họ.
PV: Được biết ông đã gửi bức thư ngỏ cho Bộ trưởng bộ GDĐT, với kỳ vọng sẽ được lắng nghe, thấu hiểu và có hướng giải quyết thấu đáo, ông có hy vọng gì không?
Nhà thơ Nguyễn Hữu Quý: Tôi tin vào sự thành thật, thẳng thắn của tôi cũng như tin vào những điều tốt đẹp được nghe về Bộ trưởng bộ GDĐT Nguyễn Kim Sơn. Nhà phê bình văn học, nhà thơ Lê Thành Nghị, nguyên Phó Tổng biên tập tạp chí Văn nghệ quân đội nói với tôi rằng: Bộ trưởng vốn là “dân văn” đấy, rất cầu thị và biết lắng nghe. Tôi tin điều tôi giải bày sớm muộn sẽ đến được với “Tư lệnh” ngành Giáo dục nước nhà. Và tin ông sẽ đọc điều tôi giải bày một cách kỹ càng và thấu đáo. Tôi vẫn chờ hồi đáp của Bộ trưởng, thật đấy. Chờ và hy vọng…
PV: Cảm ơn nhà thơ về cuộc trao đổi thẳng thắn này. Chúc ông mạnh khỏe an lành và có những sáng tác mới.
Công Luân