Lựa chọn tên nào cho các tỉnh sau sáp nhập?

Lựa chọn tên nào cho các tỉnh sau sáp nhập?

Lê Mạnh Quốc

Lê Mạnh Quốc

Thứ 2, 24/02/2025 07:57

PGS.TS Bùi Hoài Sơn cho rằng sau khi sáp nhập các tỉnh, việc khôi phục lại các tên gọi cũ của các tỉnh, thành đã từng tồn tại như Hà Nam Ninh, Hải Hưng, Bắc Thái, Phú Khánh… là một ý tưởng đáng cân nhắc.

Tại Kết luận số 126 ban hành ngày 14/2, Bộ Chính trị, Ban Bí thư giao Đảng ủy Chính phủ chủ trì, phối hợp với Ban Tổ chức Trung ương, Đảng ủy Quốc hội, các cấp ủy, tổ chức đảng có liên quan nghiên cứu định hướng sáp nhập một số đơn vị hành chính cấp tỉnh.

Dù mới chỉ ở bước nghiên cứu song vấn đề trên đang thu hút sự quan tâm lớn của dư luận, nhất là câu chuyện những tỉnh nào sẽ sáp nhập với nhau và tên gọi của tỉnh mới sẽ được đặt thế nào. Người Đưa Tin (NĐT) đã có cuộc trao đổi với ĐBQH - PGS.TS Bùi Hoài Sơn - Thành viên Ủy ban Văn hóa - Xã hội của Quốc hội về vấn đề này. 

Những tiêu chí cần cân nhắc khi sáp nhập

NĐT: Thưa ông, vừa qua, Bộ Chính trị, Ban Bí thư có yêu cầu nghiên cứu định hướng sáp nhập một số đơn vị hành chính cấp tỉnh. Đánh giá về vấn đề này, theo ông, chúng ta cần căn cứ vào những tiêu chí nào để sáp nhập các tỉnh lại với nhau, nhất là nhìn vào khía cạnh văn hóa – xã hội – dân cư?

PGS.TS Bùi Hoài Sơn: Tôi cho rằng, việc sáp nhập các đơn vị hành chính cấp tỉnh cần được thực hiện trên cơ sở khoa học, thận trọng và phù hợp với thực tiễn phát triển của đất nước. Đây không chỉ là câu chuyện về địa giới hành chính, mà sâu xa hơn là bài toán tối ưu hóa bộ máy, tạo động lực phát triển mạnh mẽ hơn cho từng địa phương và cả nước. 

Để việc sáp nhập đạt hiệu quả, chúng ta cần dựa trên một số tiêu chí quan trọng, trong đó đặc biệt phải xem xét đến yếu tố văn hóa, xã hội và dân cư.

Lựa chọn tên nào cho các tỉnh sau sáp nhập?- Ảnh 1.

PGS.TS Bùi Hoài Sơn.

Trước hết, cần đánh giá về sự tương đồng văn hóa giữa các tỉnh. Việt Nam là một quốc gia có bản sắc văn hóa đa dạng, mỗi vùng miền đều có phong tục, tập quán, nếp sống riêng. Nếu việc sáp nhập không dựa trên sự tương đồng về văn hóa, có thể dẫn đến những khó khăn trong quản lý, điều hành và tạo ra sự thiếu gắn kết trong cộng đồng dân cư. Do đó, những địa phương có nền tảng văn hóa gần gũi, có sự giao thoa tự nhiên trong đời sống xã hội sẽ là những lựa chọn phù hợp hơn để sáp nhập.

Những địa phương có nền tảng văn hóa gần gũi, có sự giao thoa tự nhiên trong đời sống xã hội sẽ là những lựa chọn phù hợp hơn để sáp nhập."

Yếu tố dân cư cũng là một khía cạnh quan trọng. Mật độ dân số, phân bố dân cư và đặc điểm sinh sống của người dân sẽ ảnh hưởng lớn đến việc tổ chức, quản lý hành chính sau sáp nhập. Nếu hai tỉnh có sự chênh lệch quá lớn về quy mô dân số, điều kiện sống hoặc trình độ phát triển, việc điều phối nguồn lực có thể gặp nhiều thách thức. Do đó, cần tính toán kỹ lưỡng để đảm bảo rằng sau sáp nhập, chính quyền có thể hoạt động hiệu quả, đáp ứng tốt nhu cầu của người dân.

Bên cạnh đó, sự phát triển kinh tế - xã hội của các địa phương cần được cân nhắc. Việc sáp nhập phải tạo ra sự cộng hưởng, thúc đẩy sự phát triển chung, chứ không phải chỉ là bài toán cắt giảm hành chính. 

Các tỉnh có cơ cấu kinh tế tương đồng, có thể hỗ trợ lẫn nhau trong chiến lược phát triển dài hạn, sẽ có khả năng phát huy tốt hơn những lợi thế sau khi hợp nhất. Đồng thời, cũng cần tính đến sự hài hòa trong việc phân bổ ngân sách, đầu tư công để không tạo ra sự mất cân đối giữa các khu vực.

Tôi tin rằng, nếu việc sáp nhập được thực hiện trên những tiêu chí hợp lý, không chỉ giúp tinh gọn bộ máy quản lý, tiết kiệm ngân sách mà còn mở ra cơ hội phát triển mới cho từng địa phương. Quan trọng nhất, phải đảm bảo được sự đồng thuận của người dân, vì chính họ mới là những người chịu ảnh hưởng trực tiếp từ những thay đổi này. 

Một chiến lược sáp nhập hợp lý, có tầm nhìn, sẽ giúp các địa phương tận dụng tối đa lợi thế của mình, góp phần đưa đất nước vươn lên mạnh mẽ trong kỷ nguyên mới – kỷ nguyên vươn mình của dân tộc.

Lựa chọn tên gọi mới thế nào?

NĐT: Khi sáp nhập các tỉnh, thành phố, việc lựa chọn tên gọi cho đơn vị hành chính mới sẽ là một vấn đề cần giải quyết? Lấy lại tên cũ của một tỉnh, thành cũ trước đó hay tạo ra một tên gọi mới? Theo ông, làm thế nào để lựa chọn tên gọi mới đảm bảo tính kế thừa và phù hợp với giai đoạn phát triển mới? Làm sao để tên gọi mới nhưng không làm xóa sổ tên địa danh gắn với lịch sử, văn hóa địa phương?

PGS.TS Bùi Hoài Sơn: Việc lựa chọn tên gọi cho đơn vị hành chính mới sau khi sáp nhập các tỉnh, thành phố không chỉ là một vấn đề kỹ thuật, mà còn mang ý nghĩa văn hóa, lịch sử và bản sắc địa phương sâu sắc. 

Một cái tên không chỉ đơn thuần là danh xưng hành chính, mà còn gắn liền với ký ức tập thể, niềm tự hào của người dân, cũng như thể hiện tinh thần kế thừa và phát triển trong giai đoạn mới.

Tôi nghĩ rằng, có hai hướng chính trong việc đặt tên cho các đơn vị hành chính mới. Một là khôi phục lại tên gọi của một tỉnh, thành đã từng tồn tại trong lịch sử, như một cách tôn vinh và bảo tồn giá trị văn hóa, lịch sử địa phương. Nhiều địa danh cũ mang trong mình những câu chuyện, những dấu ấn quan trọng trong quá trình hình thành và phát triển của vùng đất, nếu được sử dụng lại sẽ giúp người dân có sự kết nối với quá khứ, tạo nên niềm tự hào và sự gắn kết trong cộng đồng.

Tuy nhiên, trong nhiều trường hợp, việc tạo ra một tên gọi mới cũng là một lựa chọn hợp lý, đặc biệt khi việc sáp nhập là sự kết hợp của nhiều đơn vị có bản sắc khác nhau. Một cái tên mới mang tính đại diện rộng hơn, không nghiêng về một địa phương cụ thể, sẽ giúp tạo ra sự đồng thuận, tránh cảm giác thiên vị giữa các vùng. Quan trọng là tên gọi đó phải mang ý nghĩa tích cực, phản ánh được đặc trưng địa lý, lịch sử, văn hóa của cả khu vực được sáp nhập, đồng thời phù hợp với xu hướng phát triển trong thời đại mới.

Lựa chọn tên nào cho các tỉnh sau sáp nhập?- Ảnh 2.

Một góc Tp.Ninh Bình (tỉnh Ninh Bình) nhìn từ trên cao.

Để đảm bảo tính kế thừa và tránh làm mất đi dấu ấn của các địa danh cũ, chúng ta có thể áp dụng nhiều giải pháp linh hoạt. 

Chẳng hạn, nếu một tên mới được chọn, thì các địa danh lịch sử có thể được giữ lại trong các tên gọi hành chính cấp huyện, cấp xã, hoặc trở thành những danh xưng gắn với các công trình, khu đô thị, khu du lịch, trường học, di tích,... Điều này sẽ giúp duy trì sự kết nối giữa quá khứ và hiện tại, không làm "biến mất" những giá trị lịch sử quan trọng.

Việc đặt tên cho một đơn vị hành chính mới không chỉ cần sự cân nhắc thận trọng từ các cơ quan quản lý, mà còn cần sự tham gia, đóng góp ý kiến từ chính người dân địa phương. 

Một cái tên mang tính biểu tượng, vừa có sự kế thừa, vừa mở ra một tầm nhìn mới cho sự phát triển, sẽ là cầu nối vững chắc giữa truyền thống và tương lai, góp phần tạo dựng bản sắc riêng cho mỗi địa phương trong giai đoạn phát triển mới.

NĐT: Trong dư luận, nhiều ý kiến cho rằng nên sử dụng các tên gọi cũ của nhiều tỉnh thành đã từng tồn tại như Hà Nam Ninh, Hải Hưng, Bắc Thái,….Quan điểm của ông về ý kiến này như thế nào?

PGS.TS Bùi Hoài Sơn: Tôi cho rằng, việc khôi phục lại các tên gọi cũ của các tỉnh, thành đã từng tồn tại như Hà Nam Ninh, Hải Hưng, Bắc Thái, Phú Khánh… là một ý tưởng đáng cân nhắc, bởi những địa danh này không chỉ mang giá trị lịch sử mà còn gắn bó mật thiết với ký ức của nhiều thế hệ người dân. 

Khi nhắc đến những cái tên này, người ta không chỉ nhớ về một đơn vị hành chính mà còn gợi lên những dấu ấn văn hóa, những đặc trưng vùng miền đã từng tồn tại, tạo nên sự gắn kết cộng đồng và niềm tự hào địa phương.

Việc sử dụng lại tên cũ có thể là một giải pháp giúp quá trình sáp nhập trở nên dễ dàng hơn về mặt tâm lý và xã hội. Người dân của các địa phương đã từng chung một đơn vị hành chính trong quá khứ sẽ có sự quen thuộc nhất định, tạo điều kiện thuận lợi cho quá trình hợp nhất và điều hành sau này. 

Ngoài ra, việc này cũng giúp tránh những tranh luận không cần thiết về tên gọi mới, bởi đây là những danh xưng đã được lịch sử ghi nhận và có độ chấp nhận cao trong cộng đồng.

Tuy nhiên, không phải mọi trường hợp đều có thể hoặc nên áp dụng cách làm này. Một số tỉnh sau khi tách ra đã có những sự thay đổi lớn về diện mạo, kinh tế, xã hội, bản sắc vùng miền. Nếu chỉ đơn thuần sử dụng lại tên cũ mà không cân nhắc đến sự thay đổi của thực tế, có thể sẽ không còn phù hợp với tình hình phát triển hiện tại. Trong những trường hợp đó, việc tìm kiếm một tên gọi mới, mang tính bao quát và phản ánh đúng đặc điểm của vùng đất sau sáp nhập, sẽ là lựa chọn hợp lý.

Lựa chọn tên nào cho các tỉnh sau sáp nhập?- Ảnh 3.

Việc sáp nhập được thực hiện trên những tiêu chí hợp lý, không chỉ giúp tinh gọn bộ máy quản lý, tiết kiệm ngân sách mà còn mở ra cơ hội phát triển mới cho từng địa phương.

Quan trọng nhất vẫn là lắng nghe ý kiến của người dân và các chuyên gia trước khi quyết định đặt tên cho đơn vị hành chính mới. 

Nếu một địa danh cũ có thể khơi dậy niềm tự hào, sự gắn kết và phù hợp với bối cảnh hiện tại, thì việc sử dụng lại là một hướng đi tốt. Nhưng nếu cần một danh xưng mới để phản ánh đúng bản sắc, sự phát triển của khu vực, thì cũng cần cân nhắc kỹ lưỡng để đảm bảo tên gọi đó vừa mang tính kế thừa, vừa mở ra một tầm nhìn mới cho tương lai.

NĐT: Trên thực tế việc sáp nhập một số xã, phường hoặc huyện trong thời gian qua cho thấy vì mỗi đơn vị hành chính có tính đặc trưng riêng nên khi đặt tên cho đơn vị hành chính mới sau sáp nhập, ai cũng muốn giữ lại tên của mình. Dẫn đến việc, tên gọi mới được hình thành từ việc lấy 2 từ của 2 đơn vị hành chính cũ ghép lại với nhau. Theo ông, liệu phương án này có tối ưu hay không?

PGS.TS Bùi Hoài Sơn: Tôi nghĩ rằng, phương án ghép hai từ của hai đơn vị hành chính cũ để tạo thành tên gọi mới là một cách làm mang tính dung hòa, nhưng chưa hẳn là tối ưu. Bởi lẽ, mỗi địa danh đều mang trong mình một bề dày lịch sử, văn hóa và bản sắc riêng, khi chỉ lấy một phần tên để ghép với địa danh khác, vô hình trung có thể làm mất đi ý nghĩa trọn vẹn và làm phai nhạt bản sắc của từng vùng.

Tuy nhiên, cách đặt tên ghép thường tạo ra những địa danh mới nghe có phần gượng gạo, thiếu sự tự nhiên và khó có sự liên kết với đặc trưng lịch sử – văn hóa của khu vực. 

Hơn nữa, một số tên ghép có thể dài dòng, khó đọc, khó nhớ, thậm chí có những trường hợp còn gây tranh luận trong dư luận khi người dân cảm thấy phần tên của địa phương mình bị cắt giảm, không được thể hiện đầy đủ. Điều này có thể ảnh hưởng đến tâm lý cộng đồng và làm giảm sự đồng thuận trong quá trình sáp nhập.

Thay vì áp dụng cách ghép tên một cách cơ học, chúng ta cần cân nhắc những tiêu chí quan trọng hơn trong việc đặt tên, chẳng hạn như yếu tố lịch sử, địa lý, văn hóa hoặc một biểu tượng chung mang tính đại diện cho cả khu vực. 

Nếu một trong hai địa danh cũ có ý nghĩa đặc biệt hoặc đã in sâu trong tâm thức người dân, việc giữ nguyên tên đó có thể là một lựa chọn hợp lý. Hoặc cũng có thể nghiên cứu một tên gọi mới, vừa phản ánh được đặc trưng của vùng đất sau sáp nhập, vừa đảm bảo yếu tố kế thừa, tránh những tranh cãi không đáng có.

Một cái tên không chỉ là danh xưng hành chính, mà còn là biểu tượng cho sự gắn kết, niềm tự hào và tinh thần phát triển của cả một cộng đồng. Vì vậy, cần có cách tiếp cận linh hoạt, sáng tạo hơn, thay vì chỉ đơn thuần ghép chữ từ các địa danh cũ.

Lựa chọn tên nào cho các tỉnh sau sáp nhập?- Ảnh 4.PGS.TS Bùi Hoài Sơn
Một cái tên không chỉ là danh xưng hành chính, mà còn là biểu tượng cho sự gắn kết, niềm tự hào và tinh thần phát triển của cả một cộng đồng"

Phải có sự đồng thuận của cộng đồng

NĐT: Ông đánh giá như thế nào về sự cần thiết trong tham vấn cộng đồng, các bên liên quan khi đề xuất và quyết định tên gọi mới?

PGS.TS Bùi Hoài Sơn: Việc tham vấn cộng đồng và các bên liên quan khi đề xuất và quyết định tên gọi mới là vô cùng cần thiết. Như tôi đã nói, một địa danh không chỉ là một danh xưng hành chính đơn thuần mà còn gắn liền với lịch sử, văn hóa, bản sắc của cả một vùng đất và con người nơi đó. 

Vì vậy, quyết định về tên gọi mới không thể là một quá trình áp đặt từ trên xuống, mà cần có sự tham gia của chính những người dân sinh sống tại đó, những chuyên gia về lịch sử, văn hóa, ngôn ngữ, cũng như các cơ quan quản lý liên quan.

Khi một tên gọi mới được đưa ra dựa trên sự đồng thuận rộng rãi, nó sẽ tạo ra sự gắn kết trong cộng đồng, giúp người dân cảm thấy tự hào và có trách nhiệm với vùng đất của mình. Ngược lại, nếu việc đặt tên chỉ dựa trên quyết định hành chính mà không có sự tham khảo ý kiến từ người dân, rất dễ dẫn đến những tranh luận, thậm chí phản ứng tiêu cực, gây khó khăn trong quá trình triển khai các chính sách sau này.

Có nhiều cách để thực hiện tham vấn một cách hiệu quả. Chính quyền có thể tổ chức các cuộc khảo sát, trưng cầu ý kiến qua hội thảo, diễn đàn hoặc thậm chí thông qua các kênh truyền thông số. Việc này không chỉ giúp thu thập được những góc nhìn đa chiều, mà còn giúp người dân cảm thấy họ được tôn trọng và có tiếng nói trong các quyết định quan trọng liên quan đến địa phương của mình.

Như vậy, tôi cho rằng, một cái tên không chỉ là một danh xưng, mà còn là biểu tượng của sự đoàn kết, niềm tự hào và tinh thần phát triển của địa phương. Vì vậy, việc tham vấn cộng đồng và các bên liên quan không chỉ là một bước cần thiết mà còn là một yếu tố then chốt để đảm bảo tính hợp lý, bền vững và sức sống lâu dài cho một địa danh mới.

NĐT: Xin cảm ơn ông về những chia sẻ hết sức sâu sắc. 

Cảm ơn bạn đã quan tâm đến nội dung trên. Hãy tặng sao để tiếp thêm động lực cho tác giả có những bài viết hay hơn nữa.
Đã tặng: 0 star
Tặng sao cho tác giả
Hữu ích
5 star
Hấp dẫn
10 star
Đặc sắc
15 star
Tuyệt vời
20 star

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bình luận không đăng nhập

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.