Tội phạm lợi dụng không gian mạng để lừa đảo ngày càng phức tạp
Thời gian qua, tình hình tội phạm lợi dụng không gian mạng, sử dụng công nghệ cao để lừa đảo chiếm đoạt tài sản tiếp tục diễn biến phức tạp. Các đối tượng liên tục thay đổi các phương thức, thủ đoạn, sử dụng các công nghệ mới để tấn công, xâm nhập, lừa đảo với quy mô hoạt động có tổ chức, xuyên quốc gia gây thiệt hại lớn về tài sản cho người dân và ảnh hưởng xấu đến tình hình trật tự, an toàn xã hội.
Mới đây nhất, vào tháng 7/2024, Phòng Cảnh sát hình sự Công an tỉnh Thừa Thiên Huế đã điều tra làm rõ, bắt giữ 7 đối tượng có hành vi sử dụng mạng viễn thông thực hiện hành vi chiếm đoạt tài sản.
Cụ thể, qua điều tra, theo dõi, ngày 08/7/2024, lực lượng công an khám xét phòng 711 khu C2 chung cư Vicoland (phường Xuân Phú, Tp.Huế), bắt giữ 6 đối tượng: Trần Nhật Sang (SN 2004); Trần Nhật Quang (SN 2005); Võ Tá Thịnh (SN 2004); Đỗ Phú Sỹ (SN 2004); Đỗ Phú Sang (SN 2005); La Gia Anh (SN 2004, nữ, cùng ngụ Tp.Huế). Công an thu giữ 2 bộ máy tính để bàn, 5 điện thoại và các tài liệu, hàng nghìn trang mạng… liên quan đến hành vi phạm tội của các đối tượng.
Tiếp tục khám xét phòng 409 khu E chung cư Xuân Phú (phường Xuân Phú), lực lượng công an bắt giữ đối tượng Phan Nguyễn Phước Duy (SN 2004, ngụ Tp.Huế), thu giữ 1 bộ máy tính để bàn, 1 điện thoại và các gói nilon chứa ma tuý tổng hợp gồm: 10 viên nén màu hồng, 5 gói viền đỏ và 2 gói viền xanh với tổng trọng lượng gần 11g.
Theo điều tra, từ tháng 01/2024 đến nay, 7 đối tượng thuê 2 căn hộ trên để ở và làm “đại bản doanh” hoạt động phạm tội. Các đối tượng mua sắm máy móc, trang thiết bị, hạ tầng internet, sử dụng máy tính, mạng viễn thông, mạng internet thực hiện hành vi chiếm đoạt tài sản của người khác.
Thủ đoạn của các đối tượng là chiếm quyền đăng nhập tài khoản Facebook của người sử dụng sau đó nhắn tin cho bạn bè, người thân của bị hại để mượn tiền (gửi qua số tài khoản) rồi chiếm đoạt.
Trong khoảng thời gian trên, đã có hơn 200 bị hại trên cả nước bị 7 đối tượng này lừa đảo, chiếm đoạt với số tiền mỗi người từ 1 triệu đồng đến 30 triệu đồng. Theo thống kê sơ bộ, các đối tượng trên chiếm đoạt hơn 3 tỷ đồng.
Trước đó, vào tháng 3/2024, Phòng Cảnh sát hình sự Công an tỉnh Thừa Thiên-Huế cũng đã bắt giữ đối tượng Lê Ngọc Quý (SN 2006, trú ở phường Thuận Lộc, Tp.Huế) để làm rõ hành vi lừa đảo chiếm đoạt tài sản qua mạng internet.
Theo hồ sơ công an, để thực hiện hành vi lừa đảo chiếm đoạt tài sản, Lê Ngọc Quý đã tạo lập và sử dụng nhiều tài khoản Facebook đăng tải bài viết về cho vay tiền online. Các bài viết này quảng cáo cho vay tiền với thủ tục đơn giản, giải ngân nhanh.
Khi người có nhu cầu vay tiền liên hệ, Quý yêu cầu đóng các khoản phí rồi chiếm đoạt khoản tiền này.
Cơ quan công an xác định, trong thời gian từ tháng 1/2023 đến thời điểm bị bắt giữ, Lê Ngọc Quý đã lừa đảo 162 nạn nhân ở nhiều địa phương trên toàn quốc, chiếm đoạt tổng số tiền hơn 500 triệu đồng.
Hàng trăm người dân bị lừa với đủ chiêu trò
Thông tin từ Công an tỉnh Thừa Thiên-Huế, chỉ tính riêng 6 tháng đầu năm 2024, Công an tỉnh đã tiếp nhận hơn 400 đơn trình báo của người dân bị lừa đảo qua mạng. Theo đó, qua nghiên cứu, phân tích, Công an tỉnh Thừa Thiên-Huế có thể thấy hoạt động của các đối tượng tội phạm rất chuyên nghiệp, có tổ chức, phân công vai trò cụ thể, xây dựng kịch bản chi tiết cho từng giai đoạn phạm tội. Các đối tượng cầm đầu thường là người nước ngoài, trú chân tại địa bàn các nước láng giềng lừa đảo, ép buộc, lôi kéo, dụ dỗ đưa người Việt Nam ra nước ngoài thực hiện hành vi phạm tội.
Theo Công an tỉnh Thừa Thiên-Huế có thể khái quát 08 phương thức, thủ đoạn điển hình là: Lừa đảo tình cảm sau đó dẫn dụ đầu tư tài chính, làm nhiệm vụ online hoặc gửi tiền, quà có giá trị (chiếm 25%); giả danh công ty tài chính, ngân hàng để hỗ trợ cho vay, nâng hạn mức tín dụng... sau đó yêu cầu chuyển tiền để làm thủ tục (chiếm 19%); mạo danh hoặc chiếm đoạt tài khoản mạng xã hội sau đó giả mạo người thân, quen nhắn tin, gọi điện vay tiền (chiếm 17,25%); lừa đảo mua bán hàng hóa, dịch vụ (vé máy bay, du lịch...) giá rẻ (chiếm 10,75%); giả danh cơ quan công quyền (Công an, Viện Kiểm sát, Tòa án, Hải quan...), văn phòng luật sư, ngân hàng... gọi điện đe dọa yêu cầu chuyển tiền hoặc hỗ trợ lấy lại tiền đã bị lừa đảo (chiếm 9,5%); lừa đảo qua hình thức tuyển cộng tác viên cho các sàn thương mại điện tử, việc nhẹ lương cao (chiếm 6,25%); lừa đảo đầu tư vào các sàn chứng khoán, tiền ảo, đa cấp... sau đó khóa, đánh cháy tài khoản hoặc đánh sập sàn hoặc lấy lý do tiền treo trên hệ thống cần nạp thêm số tiền lớn hơn để giải ngân (chiếm 4%); một số phương thức lừa đảo khác (chiếm 8,25%).
Nghiên cứu, thống kê của Công an tỉnh Thừa Thiên-Huế cũng chỉ rõ, thành phần chính mà tội phạm lừa đảo trực tuyến thường nhắm đến là phụ nữ (chiếm 69%); độ tuổi từ 30 - 55 tuổi (chiếm 44%); nghề nghiệp chủ yếu là công nhân, nông dân (22,66%) và hưu trí (32,61%).Đáng chú ý phần lớn người bị hại đều có trình độ học vấn từ trung học phổ thông trở lên (chiếm 85,26%).
“Như vậy, có thể thấy đối tượng mà tội phạm lừa đảo qua mạng hướng tới chủ yếu là nhóm người cao tuổi, sinh viên, người lao động có công việc không ổn định, thu nhập thấp, thậm chí là cả trẻ em (những người sử dụng điện thoại thông minh, có điều kiện tham gia môi trường mạng nhưng khả năng nhận thức các dấu hiệu, hành vi lừa đảo còn thấp, dễ bị lợi dụng sự cả tin, lòng tham để thực hiện hành vi lừa đảo)”, Công an tỉnh Thừa Thiên-Huế nhận định.
(Còn nữa)