Thực tế, có cả nghìn doanh nghiệp đang chờ sửa Luật Phá sản như tình cảnh tử tù chờ được tiêm thuốc độc.
Luật Phá sản năm 2004 hiện có tới 57/95 điều được nói là “không đi vào cuộc sống”. “Không đi vào cuộc sống” là một cách nói giảm, nói tránh. Thẳng thắn mà nói, không đi vào cuộc sống tức là đã chết.
Âm u như “lâm vào tình trạng phá sản”
Có tới 57 điều trên tổng số 95 điều của Luật Phá sản năm 2004 được các Tòa án nhân dân, các cơ quan, tổ chức có liên quan kiến nghị sửa đổi, bổ sung. Điều này cho thấy Luật Phá sản năm 2004 còn quá nhiều điểm bất cập. Rõ ràng nhất, có thể thấy rất khó để xác định doanh nghiệp (DN), hợp tác xã (sau đây gọi chung là DN) “lâm vào tình trạng phá sản”.
Điều 3 Luật Phá sản quy định: “DN, hợp tác xã không có khả năng thanh toán được các khoản nợ đến hạn khi chủ nợ có yêu cầu thì coi là lâm vào tình trạng phá sản”. Quy định này chưa rõ ràng ở chỗ chưa định lượng cụ thể về số lượng của khoản nợ mà DN không thể thanh toán được, các tiêu chí để xác định các khoản nợ đến hạn, số tiền nợ quá hạn, thời hạn nợ quá hạn…
Điều này khiến cơ quan nhà nước có thẩm quyền gặp khó khăn trong việc ra quyết định mở thủ tục phá sản cũng như các quyết định trong quá trình giải quyết thủ tục phá sản, như trả lại đơn yêu cầu mở thủ tục phá sản, xác định nghĩa vụ, trách nhiệm của người nộp đơn yêu cầu mở thủ tục phá sản...
Hơn nữa, khó khăn trong việc xác định DN lâm vào trình trạng phá sản còn ở việc làm thế nào để chứng minh DN lâm vào tình trạng phá sản. Theo quy định của Luật Phá sản (Khoản 4 Điều 15) thì bên cạnh đơn yêu cầu mở thủ tục phá sản, người nộp đơn phải nộp kèm theo một số tài liệu, như: báo cáo tình hình hoạt động, bảng kê chi tiết tài sản, danh sách người mắc nợ của DN…
57/95 điều luật “chết” khiến nhiều DN trong tình trạng ngấp ngoải |
Thực tế người nộp đơn rất khó có được những tài liệu này, trong khi Tòa án cũng không đủ điều kiện để kiểm tra hoạt động tài chính của DN (DN không hợp tác hoặc không còn lưu giữ đầy đủ sổ sách, chứng từ kế toán ...).
Mặt khác, nếu DN cho rằng mình chưa lâm vào tình trạng phá sản thì cũng khó khăn trong chứng minh tình trạng này vì các tiêu chí cũng không rõ ràng.
Muốn được bảo vệ phải biết… giải đố
Một điểm nữa khiến nhiều người “quay lưng” với Luật Phá sản, đó là Luật này vẫn chưa thực sự bảo vệ quyền lợi của chủ nợ, mà bảo vệ chủ nợ là một trong những mục tiêu rất quan trọng của Luật Phá sản.
Đây cũng chính là động lực để các chủ nợ có thể sử dụng Luật Phá sản là công cụ để thu hồi vốn của mình. Tuy nhiên, dường như các quy định tại Luật Phá sản vẫn chưa thực hiện được mục tiêu này và chủ nợ thường sử dụng quyền khởi kiện ra Tòa án giải quyết tranh chấp kinh tế hơn là nộp đơn yêu cầu mở thủ tục phá sản để bảo vệ quyền lợi của mình.
Trên thực tế, các quy định của Luật về chủ thể nộp đơn yêu cầu Tòa án mở thủ tục phá sản chẳng khác nào đánh đố với chủ nợ. Chẳng hạn, nếu chủ thể nộp đơn là người lao động thì trước khi nộp đơn, người lao động phải cử đại diện hoặc thông qua đại diện công đoàn nộp đơn yêu cầu mở thủ tục phá sản với DN đó.
Việc cử đại diện cho người lao động phải được quá nửa số người lao động trong DN tán thành bằng bỏ phiếu kín hoặc lấy chữ kí, trường hợp DN có quy mô lớn, có nhiều đơn vị trực thuộc thì đại diện cho người lao động được cử hợp pháp phải được quá nửa số người được cử đại diện từ các đơn vị trực thuộc tán thành.
Quy định điều kiện cử người đại diện đã gây phức tạp và khó thực thi đối với thủ tục này, là một rào cản lớn trong việc thực hiện quyền yêu cầu mở thủ tục phá sản của người lao động…
Luẩn quẩn xử lý tài sản
Liên quan đến việc xác định địa chỉ của các chủ nợ, DN mắc nợ DN phá sản và của DN phá sản, Tòa án gặp nhiều khó khăn trong việc thu thập các thông tin này, nhất là trong trường hợp DN phá sản không hợp tác.
Điều 27 Luật Phá sản quy định việc tạm đình chỉ xử lý tài sản bảo đảm của DN được áp dụng kể từ khi Tòa án thụ lý đơn yêu cầu mở thủ tục phá sản. Việc đình chỉ xử lý tài sản bảo đảm của DN như vậy là không phù hợp với thủ tục thanh lý tài sản các khoản nợ, bởi vì DN sẽ không được sử dụng tài sản để thanh toán các khoản nợ đến hạn và không tự thỏa thuận được với các chủ nợ để gia hạn hợp đồng vay.
Đây cũng là một trong những nguyên nhân khiến các DN hoặc các chủ nợ có bảo đảm không lựa chọn việc nộp đơn yêu cầu mở thủ tục phá sản vì rủi ro cho việc xử lý tài sản của họ.
Một vấn đề nữa liên quan đến thanh lý tài sản, đó là tài sản bán đấu giá. Theo quy định, nếu sau hai lần giảm giá mà vẫn không bán được thì các chủ nợ có quyền nhận tài sản theo giá đã giảm.
Nếu các chủ nợ không nhận thì trả lại tài sản đó cho DN. Quy định này là không khả thi vì thủ tục thanh lý tài sản là thủ tục cuối cùng trước khi Thẩm phán ban hành quyết định tuyên bố DN phá sản. Do đó, tài sản của DN đã được thu hồi buộc phải bán hết, nếu không bán được, chủ nợ không nhận thì trả lại cho DN đó. Như vậy sẽ không thể kết thúc được thủ tục thanh lý tài sản và lại rơi vào tình trạng DN không thể bị tuyên bố phá sản. Đây thực sự là một cái vòng luẩn quẩn.
Theo Mai Hoa (Pháp luật Việt Nam)