Trên diễn đàn Quốc hội đang nóng lên với tranh cãi việc luật sư có được miễn trừ trách nhiệm hình sự khi không tố giác thân chủ trong một số trường hợp. Để có cái nhìn đa chiều về sự kiện này, chúng tôi xin giới thiệu tới độc giả quy định về việc luật sư phải tiết lộ thông tin của thân chủ trong hệ thống pháp luật của một số nước được coi là có hệ thống tư pháp phát triển.
Tại Pháp
Cũng như phần lớn các quốc gia dân chủ khác, nguyên tắc bảo mật thông tin của khách hàng là một trong những nguyên tắc hàng đầu trong hoạt động nghề nghiệp của luật sư. Tuy nhiên nguyên tắc này đã dần dần phải có những nhượng bộ nhất định.
Từ năm 2001 đến năm 2009, Nghị viện Châu âu đã đưa ra ba nghị quyết về chống rửa tiền. Theo đó, các ngân hàng, hãng bảo hiểm, công chứng viên hoặc luật sư phải có nghĩa vụ cung cấp cho Cơ quan chống rửa tiền các thông tin về khách hàng mà mình nghi ngờ có dấu hiệu rửa tiền.
Theo quy định của Liên minh Châu Âu (EU), các quốc gia thành viên phải nội luật hóa các nghị quyết của EU, có nghĩa là phải đưa các nghị quyết của EU vào hệ thống luật quốc gia của mình.
Lẽ đương nhiên, quy định này vấp phải sự phản ứng dữ dội từ phía các luật sư Pháp. Sau đó, giới luật sư đạt được việc bảo lưu không tiết lộ thông tin (về việc rửa tiền) của khách hàng, nếu thông tin đó ảnh hưởng tới kết quả bảo vệ thân chủ trước tòa. Nói cách khác, nếu thân chủ đang bị điều tra, thì luật sư sẽ không có nghĩa vụ tiết lộ các thông tin sẽ gây bất lợi cho thân chủ khi tòa xét xử.
Như vậy, nếu không vì mục đích bảo vệ thân chủ trước tòa, luật sư vẫn phải thông báo về nghi ngờ rửa tiền của khách hàng tới cơ quan chức năng. Ngoài ra, luật sư không được báo cho thân chủ biết mình đã tiết lộ thông tin của họ tới cơ quan chức năng.
Năm 2010, một luật sư tên là P.Michaud đã đệ đơn khởi kiện quy định của Liên đoàn Luật sư Pháp ra tòa án với lý do việc Liên đoàn ra quy định yêu cầu các luật sư phải cung cấp thông tin cho cơ quan chức năng nếu thấy khách hàng có dấu hiệu rửa tiền và tài trợ cho khủng bố là không đúng.
Theo luật sư Michaud, việc tố cáo này “đi ngược với lời thề không được tố cáo bất kỳ ai khi họ chưa phạm tội”. Đơn khởi kiện của luật sư Michaud đều bị tòa án các cấp của Pháp bác bỏ. Ông này đã đệ đơn ra Tòa án nhân quyền Châu Âu để kiện nước Pháp. Tuy nhiên, năm 2012 Tòa Án Nhân Quyền Châu Âu đã ra phán quyết bác đơn kiện của luật sư Michaud. Tòa án này cho rằng “nghĩa vụ của luật sư phải tố cáo hành vi đáng ngờ (của thân chủ liên quan đến rửa tiền) không làm phương hại đến nguyên tắc bảo mật nghề nghiệp của luật sư”.
Để giảm nhẹ trách nhiệm của luật sư, trong án lệ P. Michaud Tòa Án Nhân Quyền Châu Âu cũng đưa ra hướng dẫn theo đó khi nghi ngờ thân chủ có hành vi rửa tiền, luật sư phải thông tin cho chủ nhiệm đoàn luật sư biết. Sau khi tiếp nhận thông tin, chủ nhiệm đoàn phải xem xét trường hợp này có phù hợp với các quy định bắt buộc phải tiết lộ thông tin hay không trước khi báo cho Cơ quan chống rửa tiền.
Tại Anh
Từ những năm 1990, luật pháp của Anh quy định, khi hỗ trợ thân chủ đang trong quá trình điều tra, luật sư phải thông báo cho nhà chức trách, nếu có nghi ngờ thân chủ rửa tiền liên quan đến buôn bán ma túy, khủng bố hoặc một số tội phạm khác. Khi đã thông báo cho nhà chức trách, luật sư không được phép báo cho thân chủ biết. Bộ luật tố tụng hình sự 2002 của Anh cũng quy định, luật sư phải báo cho cơ quan chức năng biết về bất kỳ thân chủ nào bị nghi ngờ trốn thuế.
Tại Mỹ
Nước Mỹ là nước liên bang, mỗi bang có một hệ thống pháp luật riêng. Về nghĩa vụ bảo mật thông tin của luật sư, nhìn chung pháp luật Mỹ yêu cầu luật sư không được tiết lộ các thông tin của thân chủ mà mình có được trong quá trình tác nghiệp để bảo vệ thân chủ. Tuy nhiên, nguyên tắc này cũng có một số trường hợp loại trừ.
Cụ thể, trong Luật mẫu của Liên đoàn luật sư Mỹ về thực hành nghề nghiệp 1983, điều DR 4-101(C)(3) có đề cập đến một số trường hợp cho phép (chứ không phải bắt buộc) luật sư được tiết lộ thông tin của thân chủ, đó là: “1. Các thông tin hoặc bí mật được tiết lộ khi có sự đồng ý của thân chủ; 2. Các thông tin hoặc bí mật được tiết lộ khi pháp luật cho phép hoặc có yêu cầu của tòa án; 3. Thông tin về dự định thực hiện một hành vi phạm tội nào đó của thân chủ và thông tin được tiết lộ cần thiết cho việc ngăn chặn; 4. Thông tin hoặc bí mật cần thiết cho việc xác định mức phí hoặc để bảo vệ luật sư hoặc nhân viên, hoặc cộng sự của mình chống lại các cáo buộc vô lý (của khách hàng).
Như vậy, trong hệ thống pháp luật của các quốc gia nói trên, việc luật sư phải giữ bí mật các thông tin thân chủ cung cấp luôn là một nguyên tắc tối cao trong quá trình hành nghề. Tuy nhiên, nguyên tắc này vẫn phải có một số trường hợp bị loại trừ. Các trường hợp này thường nhằm mục đích ngăn chặn một hành vi phạm tội nghiêm trọng nào đó sắp xảy ra chứ không nhằm mục đích làm trầm trọng thêm tình trạng của thân chủ.
TS.LS. Vũ Văn Tính - Giảng viên HVHC Quốc Gia, Giám đốc Công Ty Luật TNHH LT& Cộng sự.