Sáng nay (19/11), lễ kỷ niệm 40 năm ngày Nhà giáo Việt Nam được Bộ GD&ĐT tổ chức long trọng nhằm tri ân đội ngũ nhà giáo cũng như nhìn lại những kết quả đạt được của ngành giáo dục trong suốt chặng đường vừa qua.
Phát biểu tại buổi lễ, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính nhấn mạnh, truyền thống hiếu học, tôn sư trọng đạo, quý trọng hiền tài là những giá trị nhân văn sâu sắc của dân tộc ta; là một nhân tố quan trọng tạo nên trí tuệ Việt Nam, đạo đức Việt Nam, văn hoá và con người Việt Nam.
Trong công cuộc đổi mới, xác định giáo dục đào tạo là quốc sách hàng đầu, Đảng và Nhà nước luôn đặc biệt quan tâm, ban hành và triển khai nhiều chủ trương, chính sách; đã đạt được những kết quả quan trọng về tư duy, nhận thức và tổ chức thực hiện; về cơ chế, chính sách đào tạo nguồn nhân lực, góp phần quan trọng vào xây dựng và bảo vệ Tổ quốc.
Trước những kết quả của ngành giáo dục trong thời gian vừa qua, Thủ tướng đánh giá chất lượng giáo dục phổ thông của nước ta những năm qua được quốc tế ghi nhận và đánh giá cao. Học sinh Việt Nam đoạt nhiều giải thưởng tại các kỳ thi Olympic quốc tế. Quản lý, quản trị đại học có bước đổi mới, tự chủ đại học được thúc đẩy. Một số trường của Việt Nam được xếp vào tốp 500 trường đại học tốt nhất châu Á và tốp 1.000 trường tốt nhất thế giới.
Hơn 2 năm qua, mặc dù bị ảnh hưởng nặng nề do đại dịch Covid-19 nhưng nhiều mô hình, phương pháp dạy học linh hoạt, sáng tạo, nhất là dạy học trực tuyến đã được triển khai với tinh thần “tạm dừng đến trường, không dừng việc học”. Tổ chức thành công kỳ thi tốt nghiệp trung học phổ thông, tuyển sinh đại học, cao đẳng, được nhân dân ghi nhận, xã hội đánh giá cao.
Nhiều thầy cô đã vượt khó vươn lên, là tấm gương sáng về đạo đức, sự tận tụy, hy sinh, tâm huyết với nghề. Có những thầy cô đã hiến dâng cả tuổi xuân cho sự nghiệp giáo dục đào tạo. Có những thầy cô tình nguyện trở thành người cha, người mẹ thứ hai của các em học sinh.
“Bên cạnh đó, các thầy, các cô phải như người cha, người mẹ thứ hai, thường xuyên quan tâm tới tâm, sinh lý, nguyện vọng chính đáng của các cháu. Khơi gợi, bồi đắp, hun đúc, trao truyền cho thế hệ trẻ lý tưởng, đạo đức, các giá trị chân - thiện - mỹ, tinh hoa văn hoá dân tộc và nhân loại.
Góp phần hình thành những phẩm chất tốt đẹp của con người Việt Nam, năng lực sáng tạo của học sinh phù hợp với sự phát triển của đất nước và tiến bộ xã hội trong thời kỳ đổi mới”, Thủ tướng đánh giá.
Cũng nhân dịp này, Thủ tướng bày tỏ sự kính trọng, tri ân sâu sắc tới các thế hệ thầy cô giáo trên cả nước, những người gánh vác sự nghiệp trồng người hết sức cao cả và vinh quang.
Đại diện cho ngàng giáo dục nước nhà, phát biểu tại buổi lễ, Bộ trưởng Bộ GD&ĐT Nguyễn Kim Sơn bày tỏ: “Nhà giáo là một nghề cao quý. Nhưng bởi vì lẽ gì mà nhà giáo lại được xem là một nghề cao quý? Trong những thứ quý giá, con người là thứ quý nhất, là hoa của trời đất, là tinh anh của vạn vật, vì vậy, nghề chăm lo phát triển con người là công việc khó nhất và là công việc cao quý nhất”.
Đội ngũ nhà giáo hiện đang đảm nhiệm việc dạy học cho trên 23 triệu học sinh học tập tại tất cả các chương trình, các bậc học và các loại hình giáo dục. Với tư cách là bộ phận lớn của tầng lớp trithức, cán bộ khoa học, các nhà giáo công tác trong các trường đại học hiện đang có đóng góp quan trọng trong nghiên cứu khoa học và đổi mới sáng tạo. Trên 70% số phát minh sáng chế, giải pháp hữu ích, công bố khoa học quốc tế được thực hiện bởi các nhà giáo, các nhà khoa học.
Tuy nhiên Bộ trưởng cũng lưu ý rằng trong đòi hỏi của tình hình và nhiệm vụ mới, việc tự đổi mới của nhà giáo có ý nghĩa quyết định sự thành công của đổi mới giáo dục.
“Bộ GD&ĐT Việt Nam coi lực lượng nhà giáo là yếu tố quan trọng nhất, nền tảng nhất, cốt lõi nhất quyết định chất lượng giáo dục. Lực lượng nhà giáo là tài sản và vốn quý báu nhất của ngành để thực hiện sứ mệnh cao cả.
Coi phát triển đội ngũ nhà giáo đủ về số lượng, tốt về chất lượng là việc sống còn của ngành. Phát triển giáo dục và đào tạo cung cấp nguồn nhân lực chất lượng cao là khâu đột phá chiến lược để phát triển đất nước, thì phát triển đội ngũ nhà giáo là khâu đột phá trong đột phá chiến lược ấy”, Bộ trưởng Nguyễn Kim Sơn cho biết.
Với nhận thức đó, trong chiến lược phát triển của ngành từ nay tới 2030, phát triển đội ngũ nhà giáo là phần quan trọng trong chiến lược. Trong thời gian tới, Bộ GD&ĐT tiếp tục rà soát các chế độ chính sách, các quy định có liên quan tới nhà giáo, nhằm phát huy sức sáng tạo, làm cho nhà giáo gắn bó với nghề hơn.
Tạo thêm điều kiện để nhà giáo phát triển và thỏa sức sáng tạo, ngày càng nhận được sự tôn trọng của xã hội và phụ huynh, có nhiều chính sách hỗ trợ nhà giáo, biến áp lực thành động lực đổi mới và phát triển.