Chiều nay (2/11), Quốc hội sẽ thảo luận về việc lùi thời điểm triển khai áp dụng chương trình Giáo dục phổ thông và sách giáo khoa mới. Đây là một trong những vấn đề mà các Đại biểu Quốc hội (ĐBQH) còn đang rất băn khoăn.
Bên hành lang Quốc hội, PV báo Người Đưa Tin đã có cuộc phỏng vấn ĐBQH Bùi Văn Phương (đoàn ĐBQH tỉnh Ninh Bình) xung quanh nội dung này.
PV: Thưa ông, những lần “thất hứa” của bộ Giáo dục và Đào tạo (GD&ĐT) trước đây là cơ sở khiến dư luận lo ngại đến vấn đề tiến độ thực hiện có được đảm bảo sau khi lùi thực hiện chương trình Giáo dục phổ thông và sách giáo khoa mới. Ông quan điểm thế nào về việc này?
ĐBQH Bùi Văn Phương: Tôi cho rằng đây là vấn đề lớn của Quốc gia. Việc này phải lấy hiệu quả làm trọng. Trong quá trình chuẩn bị thấy rằng chưa thật sự đảm bảo, nên có thể chậm lại một năm, hai năm. Quan trọng nhất là sau này, chương trình và sách giáo khoa đưa ra phải phù hợp yêu cầu thực tế, đảm bảo đúng tinh thần chỉ đạo về cải cách.
Cá nhân tôi nghĩ, chậm lại một vài năm không đáng lo ngại bằng hiệu quả thực hiện thế nào.
PV: Chương trình Giáo dục phổ thông mới đòi hỏi có sự chuẩn bị kỹ về cơ sở vật chất, đội ngũ giáo viên, nhất là kỹ năng dạy học rất cao. Bộ GD&ĐT sẽ phải làm gì để có thể đảm bảo tất cả những yếu tố này?
ĐBQH Bùi Văn Phương: Tôi nghĩ khi đã trình Quốc hội đề xuất xin lùi thì đương nhiên, Bộ này phải lo tính toán thực hiện nhiệm vụ đặt ra, đảm bảo đúng tiến độ.
Đổi mới chương trình và sách giáo khoa phải đồng bộ với nâng cao chất lượng đội ngũ giáo viên. Ở đây có vai trò và trách nhiệm của cơ quan chủ quản là bộ GD&ĐT. Trong thời gian lùi lại, bộ GD&ĐT sẽ có thêm thời gian tập huấn cho đội ngũ nhân lực, đảm bảo hoàn thành chương trình là triển khai ngay một cách có hiệu quả.
PV: Thực tế, bộ GD&ĐT từng chậm công bố chương trường giáo dục phổ thông tổng thể hơn 1 năm. Mô hình trường học mới VNEN “gây khó” cho nhiều địa phương… Nay, Bộ này tiếp tục xin lùi thời gian thực hiện. Đây là những lý do khiến dư luận và người dân mất niềm tin vào ngành Giáo dục. Theo ông, những bài học đó ảnh hưởng thế nào đến quyết định của Quốc hội về nội dung này?
ĐBQH Bùi Văn Phương: Bản thân mô hình VNEN là tốt, phát huy tư duy sáng tạo của học sinh. Nhưng cái quan trọng khiến nó thất bại là do sự không đồng bộ giữa mô hình mới với khâu chuẩn bị đội ngũ giáo viên. Cho nên, mô hình đúng nhưng giáo viên và học sinh khó tiếp cận và hiệu quả không được phát huy. Đây là điều nên rút kinh nghiệm và cũng là bài học của ngành Giáo dục.
Bài học rút ra khi triển khai mô hình VNEN sẽ giúp ích khi tính toán lại việc triển khai chương trình Giáo dục phổ thông và sách giáo khoa mới lần này.
Đã có bài học, bộ GD&ĐT cần chuẩn bị chương trình song song với chất lượng đội ngũ cho tốt, tránh đi lại vết xe đổ của mô hình VNEN, không bị lặp lại thiếu sót khi triển khai. Tôi nghĩ Quốc hội sẽ thận trọng thảo luận và quyết định việc lùi như thế nào cho hợp lý, đạt hiệu quả. Như tôi đã nói ở trên, có thể không chỉ là lùi một năm.
PV: Trong chương trình mới, vấn đề dạy tích hợp rất khó. Tích hợp là thành quả của giáo dục thế giới, nhưng khi áp dụng vào Việt Nam không phải dễ. Vấn đề này hiện còn khá mơ hồ trong chương trình Giáo dục phổ thông tổng thể đã công bố. Vậy theo ông, bộ GD&ĐT cần làm gì để đội ngũ giáo viên có thể hiểu và áp dụng hiệu quả?
ĐBQH Bùi Văn Phương: Tôi cho rằng dạy tích hợp là đúng, thể hiện tinh thần tiếp thu sự tiến bộ trong xu thế giáo dục của thế giới. Quan trọng là do cách làm hay cũng chính là khâu chuẩn bị.
Nếu triển khai dạy học theo tích hợp sẽ giúp học sinh có kiến thức tổng hợp và thực tiễn hơn. Các lĩnh vực, kiến thức khoa học gần nhau được tích hợp trong một bài giảng giúp học sinh nhận thức tốt hơn.
Tuy nhiên, phương pháp dạy tích hợp thiếu sự chuẩn bị đồng bộ thì không phát huy được tính ưu việt của nó. Vì thế, bộ GD&ĐT phải lưu tâm đến vấn đề này.
PV: Trân trọng cảm ơn ông!