Thủ tướng Chính phủ vừa ban hành quyết định điều chỉnh chủ trương đầu tư dự án đường cao tốc Bến Lức - Long Thành để các chủ thể liên quan làm cơ sở tiếp tục thực hiện, hoàn thành cao tốc này vào tháng 9/2025.
Theo quyết định phê duyệt điều chỉnh chủ trương đầu tư dự án đường cao tốc Bến Lức - Long Thành vay vốn Ngân hàng Phát triển châu Á (ADB) và Cơ quan Hợp tác quốc tế Nhật Bản (JICA) được Thủ tướng ban hành ngày 3/7, thời gian thực hiện dự án cao tốc này được gia hạn đến ngày 30/9/2025.
Đồng thời, điều chỉnh giảm tổng mức đầu tư dự án cao tốc Bến Lức - Long Thành còn 30.073 tỷ đồng (giảm 1.247 tỷ đồng so với tổng mức đầu tư đã được phê duyệt).
Cơ cấu nguồn vốn đầu tư của dự án sau điều chỉnh gồm: vốn vay ADB 8.065 tỷ đồng (giảm 5.588 tỷ đồng); vốn vay JICA 10.587 tỷ đồng (giảm 1.388 tỷ đồng); vốn đối ứng 3.872 tỷ đồng (giảm 1.817 tỷ đồng); bổ sung vốn Tổng công ty Đầu tư phát triển đường cao tốc Việt Nam (VEC) tự thu xếp 7.547 tỷ đồng.
Để dự án cao tốc Bến Lức - Long Thành sớm tiếp tục triển khai, Thủ tướng yêu cầu Bộ GTVT chủ trì, phối hợp với Ủy ban Quản lý vốn Nhà nước tại doanh nghiệp và các Bộ, cơ quan liên quan chỉ đạo VEC khẩn trương triển khai ngay các thủ tục bố trí vốn, đấu thầu, điều chỉnh hợp đồng theo thẩm quyền để thi công và hoàn thành dự án theo thời gian được phê duyệt.
VEC căn cứ các hợp đồng đã ký và phối hợp với các cơ quan liên quan trong giải quyết, xác định các chi phí phát sinh bảo đảm hợp lý, hợp lệ, tính chính xác của các số liệu, bảo đảm tiết kiệm, hiệu quả, tránh thất thoát, lãng phí.
Bộ Tài chính chủ trì, phối hợp với Bộ KH&ĐT, Bộ GTVT và các cơ quan liên quan thực hiện quyết toán số vốn đối ứng, vốn nước ngoài đã được ngân sách Nhà nước cấp phát trực tiếp cho dự án.
UBND Tp.HCM, tỉnh Đồng Nai khẩn trương hoàn thành dứt điểm giải phóng mặt bằng, bàn giao mặt bằng sạch cho các nhà thầu trong quý3/2023 để triển khai thi công, hoàn thành dự án cao tốc Bến Lức - Long Thành.
Dự án đường cao tốc Bến Lức - Long Thành dài 57,8km, được khởi công từ tháng 7/2014. Đến đầu năm 2019, dự án đạt 80% khối lượng thì gặp nhiều vướng mắc về cơ chế, chính sách pháp luật, nên không được bố trí vốn để tiếp tục thực hiện đối với các gói thầu sử dụng vốn vay ADB phía Tây, vốn JICA và vốn đối ứng. Do phải dừng thi công từ giữa năm 2019, một số nhà thầu đã chấm dứt hợp đồng và khởi kiện VEC ra Trung tâm trọng tài quốc tế để yêu cầu đền bù chi phí phát sinh.