Cụ thể, theo Ủy ban Các vấn đề Xã hội của Quốc hội, lương tối thiểu hiện nay ở khu vực công mới đáp ứng được khoảng 38,4% nhu cầu sống tối thiểu.
Cơ quan này cũng đưa ra một số số liệu cho thấy, năm 2012, tốc độ tăng trưởng kinh tế không đạt chỉ tiêu, dẫn đến việc điều chỉnh tăng lương tối thiểu cho khu vực công chỉ ở mức 1,15 triệu đồng mỗi tháng, trong khi dự kiến là 1,3 triệu. Mức này mới đáp ứng 38,4% so với nhu cầu sống tối thiểu của người lao động.
Lương tối thiểu không đáp ứng được nhu cầu sống cho công chức (Ảnh minh họa)
Mức lương tối thiểu vùng đối với lao động ở khu vực doanh nghiệp, hợp tác xã năm 2013 chỉ điều chỉnh tăng thêm bình quân 17,4%, cũng thấp hơn so với mức dự kiến là 36,4%.
Không những thế, năm 2012, chỉ tiêu tạo việc làm cũng không đạt kế hoạch được giao trong Nghị quyết của Quốc hội đề ra. Tỷ lệ thất nghiệp trong độ tuổi lao động ở thành thị là 3,25%. Quý I năm 2013, tỷ lệ thiếu việc làm và thất nghiệp không những không giảm mà còn tiếp tục tăng so với 2012.
Quý I năm 2013, tăng trưởng kinh tế đạt 4,89%, cao hơn cùng kỳ năm trước. Tuy nhiên, 4 tháng đầu năm 2013 vẫn có khoảng 19.600 doanh nghiệp ngừng hoạt động hoặc giải thể tiếp tục tác động không tốt đến tình hình việc làm trong khu vực chính thức.
Việc các doanh nghiệp giải thể tăng đã khiến đối tượng tham gia bảo hiểm thất nghiệp tăng mạnh.
Một con số khác đáng buồn là trong 3 năm thực hiện bảo hiểm thất nghiệp, tỷ lệ người thất nghiệp được đào tạo nghề chỉ đạt 1%. Nhiều người cho rằng, một số địa phương đã có tình trạng lợi dụng chính sách bảo hiểm thất nghiệp.