Lý do BRICS sẽ rất thích Thổ Nhĩ Kỳ gia nhập nhóm

Thứ 2, 09/09/2024 06:00

BRICS có thể đánh giá tích cực về tư cách thành viên của Thổ Nhĩ Kỳ vì đây là quốc gia có nền kinh tế lớn thứ 17 trên thế giới và nằm ở “ngã tư đường” giữa châu Âu và châu Á.

Thổ Nhĩ Kỳ, một quốc gia thành viên NATO, đã nộp đơn xin gia nhập nhóm các quốc gia thị trường mới nổi BRICS.

Thông tin trên được ông Yuri Ushakov, trợ lý ngoại giao của Tổng thống Nga Vladimir Putin, đưa ra tại cuộc họp báo hôm 4/9. Ông Ushakov cho biết đơn này sẽ được xem xét. Nga hiện đang giữ chức Chủ tịch luân phiên BRICS.

Việc Thổ Nhĩ Kỳ gia nhập BRICS có thể là tin tức đáng hoan nghênh đối với khối này trong tương lai gần, truyền thông Nga nhận định.

Lý do BRICS sẽ rất thích Thổ Nhĩ Kỳ gia nhập nhóm- Ảnh 1.

Tổng thống Thổ Nhĩ Kỳ Recep Tayyip Erdogan đến tham dự một phiên họp trong Hội nghị Thượng đỉnh BRICS ở Nam Phi năm 2018. Ảnh: Getty Images

Ví dụ, hãng Sputnik cho biết, BRICS có thể đánh giá tích cực về tư cách thành viên của Thổ Nhĩ Kỳ, vì đây là quốc gia có nền kinh tế lớn thứ 17 trên thế giới, theo Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF), với GDP năm 2023 ước tính đạt hơn 1.000 tỷ USD.

Tiềm năng kinh tế của Thổ Nhĩ Kỳ được nhấn mạnh bởi mức tăng trưởng GDP thực tế ổn định, trung bình là 5,4% từ năm 2002-2022, theo Ngân hàng Thế giới (WB). Nước này cũng đã có những bước tiến đáng kể trong việc giảm nghèo, với tỉ lệ giảm từ hơn 20% năm 2007 xuống còn 7,6% năm 2021.

Nằm ở vị trí chiến lược tại "ngã tư đường" giữa châu Âu và châu Á, Thổ Nhĩ Kỳ kiểm soát eo biển Bosporus và Dardanelles, nối Biển Đen với Biển Địa Trung Hải.

Vị trí này khiến nơi đây trở thành trung tâm hậu cần quan trọng cho hoạt động thương mại giữa Nam bán cầu và Bắc bán cầu, một yếu tố có thể mang lại lợi ích rất lớn cho mạng lưới thương mại toàn cầu của BRICS.

Các nhà phân tích cho rằng ảnh hưởng của Ankara ở Trung Đông và sự tham gia ngày càng tăng của nước này ở châu Phi có thể tăng cường thêm ảnh hưởng địa chính trị của BRICS.

Thổ Nhĩ Kỳ từ lâu đã là một nhân tố chủ chốt trong ngoại giao khu vực và mối quan hệ với các thị trường mới nổi trên khắp châu Phi có thể mang lại những cơ hội mới cho sự hợp tác trong BRICS.

Ở chiều ngược lại, việc trở thành thành viên BRICS cũng có thể giúp Thổ Nhĩ Kỳ giải quyết các thách thức kinh tế trong nước, bao gồm cả lạm phát, vốn vẫn là mối quan tâm cấp bách. Việc tiếp cận nhiều hơn với các thị trường BRICS có thể mang lại sự hỗ trợ kinh tế rất cần thiết.

Theo Bloomberg, tư cách thành viên BRICS cũng giúp Ankara củng cố ảnh hưởng toàn cầu và xây dựng mối quan hệ mới ngoài các đồng minh phương Tây truyền thống. Nỗ lực ngoại giao mới của Thổ Nhĩ Kỳ phản ánh nguyện vọng vun đắp mối quan hệ với mọi bên trong một thế giới đa cực, đồng thời vẫn hoàn thành nghĩa vụ của mình với tư cách là thành viên chủ chốt của Tổ chức Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương (NATO).

Khi được hỏi về sự tham gia của Thổ Nhĩ Kỳ vào BRICS và Tổ chức Hợp tác Thượng Hải (SCO), Tổng thống Thổ Nhĩ Kỳ Recep Tayyip Erdogan lưu ý rằng đất nước của ông là một đồng minh "vững chắc" của NATO.

"Chúng tôi không tin rằng điều này cản trở khả năng thiết lập mối quan hệ tích cực của chúng tôi với các quốc gia như Trung Quốc và Nga. Chúng tôi cũng không nghĩ rằng SCO là một giải pháp thay thế cho NATO", ông Erdogan nói. "Tương tự như vậy, chúng tôi không coi BRICS là giải pháp thay thế cho bất kỳ cấu trúc nào khác. Chúng tôi coi tất cả các cấu trúc và nền tảng liên minh này là những đội hình có chức năng riêng biệt".

Nhấn mạnh vị thế "độc nhất" của Ankara, ông Erdogan cho biết Thổ Nhĩ Kỳ củng cố vị thế của mình là "đối tác đáng tin cậy" trong tất cả các cấu trúc mà nước này tham gia.

"Đó là lý do tại sao, với tư cách là thành viên NATO, chúng tôi không coi việc tương tác với các quốc gia trong SCO, BRICS, Liên minh châu Âu (EU) hoặc Tổ chức các quốc gia Turkic (OTS) là vấn đề. Chúng tôi thậm chí tin rằng những mối quan hệ này góp phần vào hòa bình thế giới", ông nói thêm.

BRICS được thành lập vào năm 2006 bởi Brazil, Nga, Ấn Độ và Trung Quốc, với sự tham gia của Nam Phi vào năm 2010. Gần đây, liên minh này đã mở rộng hơn nữa, kết nạp thêm Iran, Ai Cập, Ethiopia và Các Tiểu vương quốc Ả Rập Thống nhất (UAE). Ả Rập Xê-út tuyên bố đang cân nhắc tham gia, trong khi Azerbaijan và Malaysia đã chính thức nộp đơn xin gia nhập khối này.

Minh Đức (Theo Anadolu, LA Times, Bloomberg)

Cảm ơn bạn đã quan tâm đến nội dung trên. Hãy tặng sao để tiếp thêm động lực cho tác giả có những bài viết hay hơn nữa.
Đã tặng: 0 star
Tặng sao cho tác giả
Hữu ích
5 star
Hấp dẫn
10 star
Đặc sắc
15 star
Tuyệt vời
20 star

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bình luận không đăng nhập

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.