Thủ tướng Đức Olaf Scholz vừa chính thức đệ trình lên quốc hội (Bundestag) yêu cầu bỏ phiếu tín nhiệm chính phủ, và cuộc bỏ phiếu dự kiến sẽ diễn ra vào ngày 16/12.
Vào ngày hôm đó, ông Scholz sẽ thấy sự ủng hộ các nhà lập pháp tại Bundestag dành cho ông đang ở mức nào. Nhưng người đứng đầu liên minh cầm quyền ở Berlin được dự đoán sẽ khó lòng vượt qua cuộc bỏ phiếu.
Tiếp theo, Tổng thống Đức Frank-Walter Steinmeier sẽ giải tán quốc hội trong vòng chưa đầy 3 tuần kể từ đó, mở đường cho cuộc bầu cử sớm, với thời điểm sớm nhất có thể là vào ngày 23/2 năm sau.
Lần cuối cùng một Thủ tướng Đức yêu cầu bỏ phiếu tín nhiệm là gần 20 năm trước. Tại sao cuộc bỏ phiếu tín nhiệm – bước đầu tiên trong quá trình chuẩn bị cho cuộc bầu cử sớm – lại được đưa ra vào thời điểm này?
Chính phủ Đức đã sụp đổ chỉ vài giờ sau khi ở Mỹ có tin ông Donald Trump giành chiến thắng trong cuộc bầu cử Tổng thống vào ngày 5/11. Ở Berlin, ông Scholz đã bãi nhiệm Bộ trưởng Tài chính Đức Christian Lindner, người đứng đầu một đảng trong liên minh cầm quyền gồm 3 bên, đồng nghĩa với việc liên minh của ông suy yếu đi trông thấy.
Kể từ năm 2021, nền kinh tế đầu tàu châu Âu được điều hành bởi liên minh bao gồm Đảng Dân chủ Xã hội (SPD) trung tả của ông Scholz, Đảng Xanh (Greens) của Phó Thủ tướng Robert Habeck, và Đảng Dân chủ Tự do (FDP) ủng hộ doanh nghiệp của ông Lindner.
Mặc dù các chính trị gia muốn tổ chức bầu cử sớm để giành lại một số sự ủng hộ, nhưng vẫn có lo ngại rằng FDP sẽ không đạt được ngưỡng 5% phiếu bầu cần thiết để có ghế trong quốc hội khóa mới.
Giáo sư Hans-Joachim (Hajo) Funke, nhà khoa học chính trị từ Đại học Freie, cho biết trong khi FDP là bên thua thiệt lớn nhất khi ông Scholz tổ chức cuộc bỏ phiếu tín nhiệm, thì các đảng liên minh khác lại được hưởng lợi.
"Ngược lại, SPD và Đảng Xanh dường như được hưởng lợi từ sự kết thúc của liên minh. Lãnh đạo SPD Olaf Scholz cảm thấy được giải thoát khi liên minh giải thể", ông Funke nói.
Theo vị chuyên gia, SPD và các chính đảng khác, kể cả Đảng Xanh trong liên minh hay Đảng CDU đối lập, đang có lập trường ngày càng khác biệt về một loạt các vấn đề đối nội và đối ngoại, ví dụ cuộc tranh luận mới về việc liệu có thể ngừng bắn ở Ukraine hay không, cách tiếp cận để giải quyết cuộc khủng hoảng kinh tế Đức hiện đang đối mặt.
Với việc nền kinh tế Đức tiếp tục trì trệ khi các "gã khổng lồ" như Volkswagen, ThyssenKrupp và Bosch có kế hoạch cắt giảm hàng chục nghìn việc làm và thị trường, bao gồm cả xe điện, chuyển sang các thị trường châu Á, có nguy cơ bất ổn chính trị có thể tiếp tục ngăn cản nền kinh tế phục hồi.
Các chính đảng đang cảm thấy áp lực, ông Funke cho biết. Ông nói: "Do các cuộc khủng hoảng nghiêm trọng trong ngành công nghiệp ô tô và thép, cũng như giữa các nhà cung cấp, cùng với triển vọng tăng trưởng cực kỳ thấp so với các quốc gia khác, nên các chính trị gia đang chịu áp lực đáng kể về việc thực hiện một số biện pháp nhất định trước khi cuộc bầu cử sớm diễn ra. Thời gian từ nay tới đó chỉ còn chưa đầy 3 tháng nữa".
Mặc dù SPD và Đảng Xanh không còn nắm giữ đa số, nhưng họ đang nỗ lực hợp tác với Đảng CDU bảo thủ liên quan đến các quyết định kinh tế và xã hội này. CDU hiện đang dẫn đầu trong các cuộc thăm dò.
"Tuy nhiên, CDU thấy mình đang ở trong một tình thế tiến thoái lưỡng nan về mặt chiến thuật: nếu không hành động, họ có nguy cơ tỏ ra thờ ơ về mặt xã hội và kinh tế, điều này sẽ không phục vụ cho lợi ích của họ. Mặt khác, nếu họ xử lý sai mọi việc ngay bây giờ, họ có nguy cơ làm suy yếu lòng tin của cử tri vào đảng. Do đó, một số thỏa hiệp có thể sẽ được thực hiện", vị chuyên gia nói thêm.
"Áp lực thành lập một chính phủ hiệu quả, nhạy cảm về mặt xã hội và hướng đến hòa bình là rất lớn. Sự cấp bách này sẽ ảnh hưởng đến cử tri, nhiều người trong số họ vẫn chưa quyết định – khoảng 1/3, tại thời điểm này. Tuy nhiên, bối cảnh chính trị khiến chu kỳ bầu cử này trở nên đặc biệt khó lường", ông nói.
Ba vấn đề cốt lõi – quản lý khủng hoảng kinh tế, công bằng xã hội và xung đột Ukraine – sẽ là những yếu tố chính quyết định cuộc bỏ phiếu sắp tới ở cường quốc công nghiệp hàng đầu châu Âu.
Minh Đức (Theo Euronews)