Lý giải sự chênh lệch giá sách giáo khoa hiện nay

Lê Mạnh Quốc

Lê Mạnh Quốc

Thứ 5, 23/01/2025 09:00

Thời gian vừa, qua dư luận cho rằng Nhà xuất bản Giáo dục Việt Nam lãi lớn từ sách giáo khoa nhưng lãnh đạo đơn vị khẳng định, trên thực tế, lợi nhuận từ sách giáo khoa là có nhưng lãi ít.

Nhiều hợp phần cấu thành giá

Thực hiện việc xã hội hóa giáo dục với chủ trương "một chương trình, nhiều bộ sách giáo khoa", trong những năm qua, nhiều nhà xuất bản, các nhà khoa học, nhà giáo dục, giảng viên, giáo viên trong cả nước đã tích cực tham gia xây dựng các bộ sách giáo khoa khác nhau. Kết quả là, cho đến nay nước ta có 3 bộ sách giáo khoa chính thức, được xuất bản bằng hình thức xã hội hóa. 

Điều đó đã tạo ra một hệ thống sách giáo dục phong phú, đa dạng; tạo điều kiện cho học sinh, giáo viên lựa chọn các bộ sách phù hợp với điều kiện kinh tế - xã hội, đặc điểm vùng miền, nhận thức của học sinh.

Sự đúng đắn của chủ trương này qua thực tiễn triển khai đã được chứng minh. Tuy nhiên, vẫn còn một số vấn đề về cả nội dung và cách thức thực hiện khiến dư luận băn khoăn, trong đó đặc biệt nổi lên là vấn đề giá thành của sách giáo khoa.

Lý giải sự chênh lệch giá sách giáo khoa hiện nay- Ảnh 1.

Giá sách giáo khoa là một trong những vấn đề được dư luận hết sức quan tâm.

Trao đổi với Người Đưa Tin về vấn đề này, PGS.TS. Nguyễn Văn Tùng – Phó Tổng biên tập Nhà xuất bản Giáo dục Việt Nam (NXBGDVN) cho biết, giá sách giáo khoa được cấu thành từ nhiều yếu tố, trong đó tập trung vào 5 yếu tố cơ bản, gồm: chi phí tổ chức bản thảo, chi phí nhuận bút, chi phí sản xuất (cơ bản có chi phí về giá giấy và công in), chi phí khâu lưu thông (hay còn gọi là chi phí phát hành) và chi phí tài chính (hay còn gọi là lãi vay).

Làm rõ sự chênh lệch về giá thành của sách giáo khoa hiện nay, ông Tùng cho biết, về nguồn vốn để làm sách giáo khoa, sách giáo khoa cũ được tổ chức biên soạn bằng nguồn vốn ngân sách Nhà nước; còn sách giáo khoa mới theo Chương trình Giáo dục phổ thông 2018 biên soạn theo chủ trương "một chương trình, nhiều bộ sách giáo khoa" theo chủ trương xã hội hóa sách giáo khoa do nhà xuất bản tự bỏ vốn hoặc vay vốn ngân hàng để thực hiện các khâu xuất bản.

Thứ hai, các chi phí như nhuận bút, chi phí nguyên vật liệu, công in đều cao hơn trước. Một số công đoạn như thực nghiệm sách giáo khoa, giới thiệu, quảng cáo, tập huấn giáo viên... trước đây nhà xuất bản không phải làm và cũng không phải chi trả chi phí, nhưng hiện nay phải chi trả thêm các chi phí này. Đặc biệt, giá giấy đang tăng rất nhiều so với những năm trước.

Thứ ba, quy cách chất lượng của sách. Với sách giáo khoa theo Chương trình Giáo dục phổ thông 2018, để đáp ứng định hướng phát triển năng lực và phẩm chất người học, sách giáo khoa cũng phải có khổ sách lớn hơn và có chất lượng in ấn cao hơn so với sách giáo khoa cũ.

Thứ tư, do có nhiều bộ sách giáo khoa nên sản lượng phát hành của mỗi tên sách, mỗi đầu sách sẽ giảm xuống, dẫn đến những chi phí như tổ chức bản thảo, chi phí nhuận bút, chi phí bản quyền và một số chi phí khác phân bổ trên mỗi bản sách tăng lên. Chi phí phân bổ trên mỗi bản sách tỷ lệ nghịch với sản lượng phát hành.

"Thời gian vừa qua, dư luận cho rằng NXBGDVN lãi lớn từ sách giáo khoa nhưng trên thực tế, lợi nhuận từ sách giáo khoa là có nhưng lãi ít. Toàn bộ nguồn vốn sản xuất kinh doanh của NXBGDVN hiện nay hầu hết vốn vay ngân hàng. Lợi nhuận của chúng tôi chủ yếu có được từ các loại sách khác (như sách bổ trợ, sách tham khảo) vốn là loại sách mà bất cứ đơn vị xuất bản nào cũng được tham gia làm", ông Tùng khẳng định.

Nỗ lực để giảm giá sách

Cũng theo lãnh đạo Nhà xuất bản này, mặc dù lợi nhuận thu được từ sách giáo khoa là rất thấp, song thực hiện chỉ đạo của các cấp quản lý, đồng thời xác định trách nhiệm của một doanh nghiệp nhà nước trực thuộc Bộ Giáo dục & Đào tạo, NXBGDVN cũng xác định việc hỗ trợ giáo viên, học sinh và đảm bảo an sinh xã hội là một trong những mục tiêu quan trọng nhất.

Cụ thể, từ năm học 2024-2025, đối với sách giáo khoa tái bản (lớp 1, 2, 3, 4, 6, 7, 8, 10, 11), đơn vị này đã rà soát các khoản mục chi phí liên quan, đặc biệt là chi phí tổ chức bản thảo, các chi phí khâu lưu thông để giảm giá sách.

Kết quả là, giá bìa mới của các cuốn sách giáo khoa tái bản áp dụng từ năm học 2024-2025 được điều chỉnh giảm so với các năm trước. Cụ thể, giá bìa bộ Kết nối tri thức với cuộc sống giảm 9,6%, giá bìa bộ Chân trời sáng tạo giảm 11,2%.

Đối với giá sách các lớp 5, 9, 12, NXBGDVN cũng đã xây dựng giá theo cơ cấu giá đã giảm của sách giáo khoa tái bản.

Lý giải sự chênh lệch giá sách giáo khoa hiện nay- Ảnh 2.

PGS.TS. Nguyễn Văn Tùng – Phó Tổng biên tập Nhà xuất bản Giáo dục Việt Nam.

"Đây là nỗ lực rất lớn của toàn hệ thống NXBGDVN để có giá sách giáo khoa ở mức thấp nhất, vì mục tiêu hỗ trợ giáo viên và học sinh, đảm bảo an sinh xã hội. Toàn bộ giá sách giáo khoa các lớp đã được chúng tôi hoàn thành thủ tục kê khai với Cục Quản lý Giá - Bộ Tài chính theo đúng quy định", ông Nguyễn Văn Tùng khẳng định.

Để đảm bảo chính xác, rõ ràng, bảo vệ quyền lợi cho học sinh và người dùng, bảng giá mới sách giáo khoa đã được NXBGDVN niêm yết đầy đủ, công khai tại các điểm bán sách giáo khoa trên toàn quốc; trên trang thông tin điện tử tổng hợp của Nhà xuất bản và thông tin trên các phương tiện thông tin đại chúng theo quy định.

Với những bản sách giáo khoa đang lưu kho, đã in giá cũ khác với giá mới, NXBGDVN thực hiện dán tem giá mới trên bìa của sách để giáo viên, học sinh và phụ huynh học sinh dễ dàng nhận biết, không bị nhầm lẫn.

"Thời gian tới, chúng tôi sẽ tiếp tục nỗ lực hết mình trong việc xem xét, cân đối và điều chỉnh về giá sách giáo khoa nhằm hỗ trợ giáo viên, học sinh và đảm bảo an sinh xã hội", đại diện lãnh đạo NXBGDVN chia sẻ.

Cảm ơn bạn đã quan tâm đến nội dung trên. Hãy tặng sao để tiếp thêm động lực cho tác giả có những bài viết hay hơn nữa.
Đã tặng: 0 star
Tặng sao cho tác giả
Hữu ích
5 star
Hấp dẫn
10 star
Đặc sắc
15 star
Tuyệt vời
20 star

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bình luận không đăng nhập

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.