Ăn mặn dẫn đến mất nước và khát? Trong hàng trăm năm, con người đã trải nghiệm và đúc kết hiệu ứng thành một kinh nghiệm dân gian. Thực tế ăn nhiều muối khiến các tế bào bị mất nước. Do đó cơ thể sẽ gửi tín hiệu lên não đòi hỏi phải bổ sung thêm một lượng nước cần thiết.
Trong các bữa ăn hàng ngày sau khi bạn ăn quá nhiều muối, lượng muối sẽ di chuyển qua thành ruột non, khiến hàm lượng muối trong máu tăng lên. Chất lỏng xung quanh các tế bào giàu natri hơn, làm gia tăng áp suất thẩm thấu. Áp suất này kéo nước từ bên trong tế bào ra bên ngoài tế bào. Tế bào dần bị mất nước và cơ thể cảm thấy mất cân bằng.
Từ đó, các tín hiệu hóa học do cơ thể tạo ra di chuyển lên não để cảnh báo nồng độ muối trong cơ thể quá cao. Trung tâm cảm nhận cơn khát trong não là vùng dưới đồi (hypothalamus), có chức năng điều hòa giấc ngủ, cảm giác thèm ăn và nhiệt độ cơ thể. Nó xử lý thông tin, sau đó gửi tín hiệu "khát nước" để chúng ta bổ sung thêm lượng nước cần thiết.
Ăn bao nhiêu muối là phù hợp?
Thông thường mỗi ngày chúng ta mất chừng 120mg muối qua đường mồ hôi, phân và nước tiểu. Vì thế khi nấu ăn chúng ta nêm muối, mắm (chứa muối) vào thực phẩm, vừa thỏa mãn vị giác vừa bổ sung lượng muối cần thiết cho cơ thể. Muối ức chế sự sinh trưởng và phát triển của vi khuẩn, nên thời xưa và nay đều dùng muối để ướp thực phẩm, đặc biệt thực phẩm đóng hộp không bao giờ thiếu muối.
Muối biển nguyên chất là lựa chọn thông minh bởi còn chứa một hàm lượng manhê, kali, lưu huỳnh, canxi và iode rất tốt cho cơ thể.
Mặc dù muối tốt cho sức khỏe nhưng nếu chúng ta ăn nhiều lại ảnh hưởng đến sức khỏe. Bởi vậy bạn nên ăn lượng vừa phải.
Một chế độ ăn vừa phải muối mỗi ngày (một muỗng cà phê) là tối ưu để phòng cao huyết áp do ăn mặn. Cũng nên tùy công việc cụ thể: làm việc đổ mồ hôi nhiều vẫn nên bổ sung muối. Còn nếu đã có bệnh tim mạch, suy thận hay suy gan thì nên nghe theo lời khuyên của bác sĩ.
Trúc Chi (t/h)