Đến 23 tháng Chạp, người người nhà nhà không thể quên chuẩn bị mâm cỗ tươm tất cùng văn khấn Táo quân để tiễn đưa ông Táo về chầu trời. Tuy nhiên, không nhiều gia đình hiểu hết là làm đúng theo nghi lễ dẫn tới nhiều hệ quả ngoài ý muốn. Dưới đây là mâm cúng ông Công ông Táo chuẩn nhất, đầy đủ nhất cho 3 miền Bắc – Trung – Nam.
Theo phong tục miền Bắc: Cũng tuỳ theo quan niệm của mỗi địa phương mà có 2 hình thức cúng ông Táo:
+ Làm 2 mâm lễ: Một mâm để cúng ông Táo ở bếp và một mâm để cúng ông Công trên bàn thờ chính của gia đình, vì ông Táo là thần linh cai quản nhà bếp, còn ông Công là thần linh cai quản đất đai.
+ Làm 1 mâm lễ: Cúng tại bàn thờ chính, có thể là bàn thờ thần linh hay bàn thờ gia tiên, trong trường hợp gia đình không có bàn thờ thần linh thì sẽ cúng lễ chung ở bàn thờ gia tiên nhưng bày bộ mũ hài cao hơn một chút để bày tỏ lòng tôn trọng cấp bậc của các vị thần.
- Theo phong tục miền Trung, miền Nam:
+ Cúng tại ban thờ Táo Quân: Với những gia đình có ban thờ Táo quân riêng thì sẽ làm lễ cúng Táo quân ở ban thờ này. Ban thờ Táo quân thường được đặt ở gần bếp, nơi mà các Táo đứng ra cai quản.
- Cúng tại bếp: Với những gia đình không có ban thờ Táo quân riêng thì có thể bầy mâm lễ ở ngay cạnh bếp nấu để làm lễ.
Lễ vật cúng ông Táo gồm những gì?
Như đã nói trên, do sự giao thoa phong tục và di cư của người dân các vùng miền nên phần lễ vật cúng ông Táo cũng tuỳ theo truyền thống của mỗi gia đình sao cho phù hợp:
- Theo phong tục miền Bắc: Phần lễ cúng ông Táo gồm:
+ Một mâm cơm với các món ngon như thịt mồi, giò, chả nem, bánh chưng, canh măng miến, xào thập cẩm, xôi gấc, hoa quả, trầu cau, rượu chè, gạo, muối... và hoa tươi.
+ Bộ đồ mã cho các Táo, thường là bộ 3 mũ (1 mũ cho Táo bà, 2 mũ cho Táo ông), mũ Táo ông có cánh chuồn, có mũ Táo bà thì không có, 3 đôi hia và một số vàng thoi, có thể kèm thêm những con cá chép giấy... tất cả sẽ được đốt đi sau lễ cúng ông Táo vào ngày 23 tháng Chạp.
+ 3 con cá chép sống thả trong chậu nước, ngụ ý “cá chép hoá rồng” đưa Táo về trời. Sau khi cúng xong thì gia chủ đem cá thả xuống ao hồ, sông suối gần nhà.
- Theo phong tục miền Trung: Phần lễ cúng ông Táo gồm:
+ Mâm lễ tuỳ theo điều kiện gia đình thông thường là hoa trái và một con ngựa bằng giấy với đầy đủ yên, cương để ông Táo cưỡi về trời.
+ Sau khi cúng xong, tượng 3 Táo quân cũ bằng đất nung được tiễn khỏi bàn thờ bếp và đặt cạnh các am miếu ở đầu xóm hay ở dưới gốc cây cổ thụ ngã ba đường. Tiếp đó, họ sẽ rước tượng 3 Táo quân mới lên bàn thờ để bắt đầu một năm làm việc tiếp theo.
- Theo phong tục miền Nam: Phần lễ cúng ông Táo gồm:
+ Mâm lễ tuỳ theo điều kiện gia đình nhưng không thể thiếu: Chè trôi nước, thèo lèo cứt chuột, lọ hoa vạn thọ, trái cây các loại... và một bộ “cò bay, ngựa chạy”.
+ Trước đây người miền Nam không có cúng bộ mũ bằng mã và cá chép, nhưng hiện nay đa số gia đình đã thêm hai phần lễ vật này để cúng cùng với mong muốn chuẩn bị đủ đầy cho các vị Táo Quân.
Sau khi làm lễ cúng ông Táo ngày 23 tháng Chạp về chầu trời bằng cá chép, thì ngày 30 Tết, Táo Quân sẽ quay lại trần gian, nếu năm đó tháng Chạp chỉ có 29 ngày thì ông Táo sẽ trở về trước đêm giao thừa để tiếp tục công việc chăm lo bếp lúc và định phúc cho gia chủ trong năm mới.
Vì vậy, thông thường vào trưa hoặc chiều ngày 30 Tết, các gia đình làm mâm cơm cúng Tất niên cúng chư vị thần linh và tổ tiên thì cũng đồng thời cung đón ông Táo an vị để đón năm mới cùng gia đình, ngưỡng mong các vị thần phù hộ độ chì cho gia đình một năm mới sung túc, an lành, hạnh phúc.
Phong Linh (tổng hợp)