Nhìn nhiều trường mầm non tư thục phải giải thể do không thể chi trả nổi các chi phí, nhiều trường phải bán các thiết bị dạy học để trang trải, chị Thủy, chủ một hệ thống trường mầm non tại Hà Nội không khỏi chạnh lòng. Nỗi buồn của đồng nghiệp cũng chính là nỗi bất an đeo đẳng chị và cộng sự nhiều tháng nay. Trường của chị vẫn đang rơi vào tình trạng cầm cự từng tháng.
Mỗi tháng, trung bình toàn hệ thống trường của chị Thủy phải chi trả khoảng 1 tỷ đồng trong khi dịch bệnh khiến trường đóng cửa, không có nguồn thu. Câu hỏi nên giải thể trường hay tiếp tục duy trì chờ hết dịch khiến chị và cộng sự “mất ăn mất ngủ” nhiều tháng nay.
Có chi mà không có thu
Suốt 4 tháng qua, toàn bộ hệ thống trường của chị Thủy phải đóng cửa vì dịch Covid–19 theo quy định. Những tưởng thời gian trường phải đóng cửa chỉ là 1, 2 tháng như những lần bùng dịch trước đó, đâu ngờ lần này tình hình dịch bệnh diễn biến phức tạp, chưa biết khi nào chị cùng các cô giáo của mình mới có thể đón các con trở lại trường.
Trường đóng cửa, đồng nghĩa với việc không có nguồn thu là học phí, nhưng những chi phí vận hành hệ thống thì không hề giảm. Chị Thuỷ cho biết, mỗi tháng chị phải chi trả khoảng 1 tỷ đồng cho những khoản cơ bản như tiền thuê cơ sở vật chất, lương và bảo hiểm cho giáo viên.
“Tôi có 9 điểm trường, tất cả đều thuê mặt bằng. Chủ cho thuê chỉ giảm cho khoảng 10 đến 20 %, có nơi còn không được giảm. Tôi cùng các cộng sự của mình phải thanh toán khoản tiền này đều đặn 3 tháng 1 lần. Đây là phần chi phí lớn nhất mà chúng tôi phải trang trải.
Tiếp theo là chi phí trả lương cho giáo viên, vì lý do dịch bệnh nên các cô cũng đồng ý chỉ nhận mức lương cứng (khoảng 3 triệu đồng/người). Toàn hệ thống có khoảng 100 giáo viên. Nếu như bây giờ cắt hợp đồng với họ, thì đến khi được mở cửa trở lại sẽ phải tuyển mới, đào tạo mới theo khung chương trình của mình rất mất thời gian. Hơn nữa, đặc thù của giáo dục mầm non là các con đã học quen cô giáo nào thì chỉ học cô giáo đó, có nhiều trường hợp cô chuyển trường, trò cũng chuyển theo. Vậy nên việc giữ giáo viên là bắt buộc”, chị Thuỷ chia sẻ.
Bao công sức gây dựng trường lớp, đào tạo giáo viên và xây dựng uy tín, tốn kém và khó khăn đến đâu chị cũng ráng nếu việc đóng cửa trường chỉ là sự cố trong thời gian ngắn nhất định. Nhưng với diễn biến phức tạp của dịch bệnh Covid-19, thời điểm được mở cửa lại trường vẫn còn là ẩn số trong khi khả năng “gồng gánh” hệ thống trường cạn kiệt dần.
“Không giống như các cấp học khác, chúng tôi không thể dạy online. Việc hoạt động hay đóng cửa hoàn toàn phụ thuộc vào tình hình dịch. Những ngày qua, diễn biến dịch ở Hà Nội nói riêng và cả nước nói chung dường như dự báo một tương lai rất xa…”, chị Thủy không giấu nổi nỗi lo lắng.
Nguy cơ thiếu trường, lớp sau khi hết dịch
Giống như chị Thuỷ, anh Đỗ Hữu Phúc – chủ trường mầm non Hoa Anh Đào (Xuân La, quận Tây Hồ, Hà Nội) cho biết, suốt năm 2020 do tình hình dịch bệnh nên nhà trường chỉ hoạt động cầm chừng, thu không đủ chi. Đến năm 2021, tình hình còn tệ hơn, khi thời gian đóng cửa trường nhiều hơn thời gian mở cửa.
Theo anh Phúc, từ khi có dịch Covid–19 đến nay, đã có rất nhiều cơ sở giáo dục mầm non tư thục phải giải thể vì không thể cầm cự. “Tích luỹ 5 năm không bù nổi một năm dịch bệnh, đã có rất nhiều đồng nghiệp của tôi phải đóng cửa trường. Vì có duy trì thì khi hoạt động lại cũng phải mất rất nhiều năm mới có thể trở lại như xưa. Tôi ước tính phải có tới hơn 10% số trường tư thục đã phải giải thể vì dịch”, anh Phúc chia sẻ.
Dự báo về tình hình sau khi hết dịch, anh Phúc quan ngại: “Trường hoạt động trở lại sẽ phải đối mặt với nhiều thách thức. Dự kiến chỉ có khoảng 50% trẻ đến trường, phần còn lại xác định khi nào thật an toàn phụ huynh mới cho trẻ đến trường. Mặt khác, đội ngũ giáo viên đã nghỉ quá lâu, tìm được việc làm mới ổn định hơn, thu nhập tốt hơn nên một số sẽ không quay trở lại trường. Trong khi đó, do không được sử dụng trong thời gian dài, cơ sở vật chất xuống cấp, hư hỏng nên cần phải mua sắm, sửa chữa, thậm chí đầu tư lại từ đầu. Đây là những thách thức, khó khăn vô cùng lớn”.
Từ những khó khăn đó, cộng với việc nhiều trường đã, đang và sẽ giải thể anh Phúc dự báo: “Nguy cơ thiếu trường cho học sinh mầm non là hiện hữu khi số trường giải thể sẽ tăng lên. Nguy cơ tiếp theo là thiếu giáo viên, bởi có nhiều người bỏ nghề và không muốn theo nghề khi hết dịch do đã kiếm được công việc mới tốt hơn”.
Để hỗ trợ các trường mầm non tư thục trong bối cảnh hiện nay, anh Phúc kiến nghị Chính phủ ban hành chính sách hỗ trợ để duy trì công việc, tránh bỏ việc đối với cán bộ quản lý, giáo viên nhân viên mầm non, tiểu học (cán bộ quản lý, giáo viên, nhân viên) tại các cơ sở giáo dục mầm non, tiểu học ngoài công lập đã được cấp có thẩm quyền cấp phép thành lập và cấp phép hoạt động theo đúng quy định, phải tạm hoãn hợp đồng lao động, nghỉ việc không hưởng lương do cơ sở giáo dục tạm dừng hoạt động theo yêu cầu của cơ quan Nhà nước có thẩm quyền để phòng, chống dịch Covid-19...
Giải pháp thứ hai là đưa vào Luật Giáo dục các chính sách hỗ trợ số hóa; chính sách ưu đãi tín dụng để các cơ sở giáo dục sửa chữa cơ sở vật chất, mua sắm thiết bị dạy học, trang thiết bị phòng chống dịch... nhằm phục hồi hoạt động đối với các cơ sở giáo dục mầm non, tiểu học ngoài công lập.
Hỗ trợ các trường tiếp cận gói vay của Chính phủ
Bà Lê Nga - Phó trưởng phòng GD&ĐT quận Tây Hồ, Hà Nội cho biết, từ khi bắt đầu tạm dừng hoạt động (đầu tháng 5), các cơ sở giáo dục mầm non tư thục đã thực hiện rất nghiêm túc. Để giữ giáo viên và đợi chỉ đạo của Thành phố về việc mở cửa trở lại, có nhiều trường vẫn chi trả lương/một phần lương cho giáo viên, nhân viên. Tuy nhiên, tình hình là rất khó khăn cho các trường khi phải chi trả tiền mặt bằng. Nhiều đơn vị đã phải vay ngân hàng để chi trả.
Hiện nay Chính Phủ đang có Nghị quyết 68/NQ-CP về chính sách hỗ trợ người lao động, doanh nghiệp khó khăn do Covid-19, trong đó có chính sách hỗ trợ đào tạo duy trì việc làm cho người lao động và chính sách hỗ trợ người lao động tạm hoãn hợp đồng lao động, nghỉ việc không hưởng. Phía quận Tây Hồ sẽ hỗ trợ tối đa để tất cả các trường có thể tiếp cận gói vay này.