“BS. Khanh không bàn về tiểu đường”
Bác sĩ Trương Hữu Khanh là chuyên gia dịch tễ học, nguyên Trưởng khoa Nhiễm - Thần kinh, Bệnh viện Nhi đồng I, TP. HCM. Ông cũng là thành viên Hội đồng đánh giá tiêm chủng quốc gia. Cùng với công tác chuyên môn, bác sĩ Trương Hữu Khanh cũng thường xuyên tương tác trên mạng xã hội, tư vấn những bệnh lý cho mọi người.
Chính vì sự gần gũi đó, trang cá nhân của bác sĩ Khanh thu hút hơn 664 ngàn lượt người theo dõi, mỗi clip, livestreams chia sẻ về các bệnh lý của bác sĩ Khanh luôn thu hút lượng lớn người xem.
Thế nhưng, không ít các đơn vị lợi dụng mạng xã hội, đem hình ảnh bác sĩ Khanh cắt ghép giống hệt bác sĩ là chuyên gia của đơn vị, quảng cáo bán thuốc.
Mới đây nhất, trên trang cá nhân của mình, bác sĩ Khanh đăng tải hình ảnh mình đang quảng cáo cho thuốc tiểu đường kèm dòng nhắn: “Càng ngày càng mạo, có người nhắn “em bán thuốc tây có người cần hình ra đòi mua thuốc trong hình”, nhờ mọi người chia sẻ BS. Khanh không có bàn về tiểu đường”.
Chia sẻ với Người Đưa Tin, BS. Khanh nói rằng ông rất bức xúc với việc các đơn vị tự ý dùng hình ảnh của ông mà không xin phép để quảng cáo bán thực phẩm chức năng. “Cứ thỉnh thoảng họ lại lấy hình ảnh của tôi để quảng cáo bán thuốc. Bức xúc lắm nhưng biết tìm họ ở đâu?”, BS. Khanh nói.
Theo lời của vị bác sĩ này, mỗi lần được mọi người gửi hình ảnh quảng cáo cho thực phẩm chức năng nào đó thì ông đều đăng tải cảnh báo trên mạng xã hội để những ai yêu mến và theo dõi bác sĩ biết được thông tin và tránh mua phải thuốc “dỏm”.
Chưa có hồi kết
Trong khi đó, trao đổi với Người Đưa Tin, PGS.TS Trần Đáng - Chủ tịch Hiệp hội Thực phẩm chức năng Việt Nam (VAFF) cho biết sự việc ông bị lợi dụng hình ảnh để quảng cáo bán thuốc vẫn chưa có hồi kết.
Theo đó, năm 2021, trên mạng xã hội tại Fanpage có tên “PGS.TS Trần Đáng - Cam Kết Chữa Dứt Điểm Xương Khớp Cho Bệnh Nhân" đã ngang nhiên lấy hình ảnh và bịa đặt lời phát ngôn của PGS.TS Trần Đáng để quảng cáo cho sản phẩm thuốc chữa xương khớp và các sản phẩm Đông y khác của mình.
Chủ tịch VAFF Trần Đáng rất bất bình về hành động trên, ông khẳng định không biết và không có mối liên hệ nào với trang fanpage này.
“Đến nay, đơn vị sử dụng hình ảnh của tôi để quảng cáo bán thuốc cũng không thấy phản hồi gì, không có thông tin gì. Trước đó, tôi cũng đã gửi công văn sang Bộ Thông tin và Truyền thông, Bộ Công an để nhờ các cơ quan chức năng vào cuộc”, ông Trần Đáng nói.
Từ thực trạng có nhiều đơn vị ngang nhiên dùng hình ảnh bác sĩ cắt ghép để quảng cáo TPCN, ông Đáng kiến nghị các cơ quan chức năng cần vào cuộc và xử lý dứt điểm và phạt tiền thật nặng.
Theo tìm hiểu của Người Đưa Tin, đến nay trang fanpage nêu trên vẫn còn tồn tại trên mạng xã hội, tuy nhiên bài đăng gần nhất vào ngày 24/11/2021 và fanpage này liên kết với địa chỉ trang web bachthaoduoc.vn có trụ sở tại Hà Đông (Hà Nội).
Dù Cục An toàn thực phẩm cũng đã cảnh báo, xử phạt nhưng việc lợi dụng hình ảnh các nhà khoa học, y bác sĩ, nhân viên y tế để quảng cáo bán thuốc trên mạng xã hội vẫn diễn ra gây bức xúc và ảnh hưởng không nhỏ đến uy tín nghề nghiệp của các y bác sĩ bị các đơn vị quảng cáo mang ra cắt ghép, quảng cáo “nổ”.
Trước đó của GS. TS Nguyễn Lân Dũng cũng đã bị lợi dụng hình ảnh để quảng cáo cho sản phẩm thuốc chữa dạ dày trên mạng xã hội; TS.Vũ Thái Hà - Trưởng khoa nghiên cứu và ứng dụng tế bào gốc (BV Da Liễu trung ương) cũng bị một trang facebook lấy hình ảnh để quảng cáo cho thuốc trị tóc bạc sớm, PGS.TS Vũ Thị Khánh Vân - Nguyên Trưởng khoa A9 Viện Y học cổ truyền Quân đội, cũng bị sử dụng hình ảnh cam kết chữa khỏi bệnh về mắt….
Việc các đơn vị lợi dụng hình ảnh của bác sĩ để quảng cáo đã phần nào khiến người tiêu dùng rơi vào "bẫy" mua hàng trên mạng. Vậy người tiêu dùng có những tâm tư như thế nào trong việc lựa chọn thực phẩm chức năng, mời quý độc giả đón đọc bài tiếp theo.
Xem thêm: PGS.TS Nguyễn Thế Kỷ: “Người ta cắt ghép hình ảnh tôi để bán thuốc"
“Chỉ riêng việc quảng cáo sử dụng hình ảnh, thiết bị, trang phục, tên, thư tín của các đơn vị, cơ sở y tế, bác sĩ, dược sĩ, nhân viên y tế, thư cảm ơn, lời cảm ơn của người bệnh, bài viết của bác sĩ, dược sĩ, nhân viên y tế đã là vi phạm pháp luật theo quy định tại Điều 52 Nghị định số 38.
Ngoài ra việc sử dụng hình ảnh, lời nói, chữ viết của cá nhân khi chưa được đồng ý cũng là hành vi bị nghiêm cấm trong hoạt động quảng cáo theo quy định tại Khoản 8 Điều 8 Luật Quảng cáo năm 2012.
Người vi phạm sẽ bị xử phạt từ 5 đến 10 triệu đồng theo quy định tại điểm c Khoản 2 Điều 8 Nghị định 119/2020/NĐ-CP do Chính phủ ban hành ngày 07/10/2020.
Điểm b khoản 3 Điều 34 Nghị định 38/2021/NĐ-CP. Quy định về về hành vi cấm trong hoạt động quảng cáo. Quảng cáo có sử dụng hình ảnh, lời nói, chữ viết của cá nhân khi chưa được cá nhân đó đồng ý. Trừ trường hợp được pháp luật cho phép. Mức xử phạt từ 20.000.000 – 40.000.000 đồng.
Việc sử dụng hình ảnh trái phép đó mà xâm hại đến danh dự, uy tín của cá nhân, tổ chức thì người vi phạm còn phải bồi thường thiệt hại ngoài hợp đồng theo quy định tại Khoản 1 Điều 584 Bộ luật dân sự 2015”, Luật sư Nguyễn Văn Tuấn – Giám đốc Công ty Luật TNHH TGS, Đoàn luật sư thành phố Hà Nội.
Thanh Lam