Nhức nhối vấn đề bình đẳng giới trên thị trường lao động
Báo cáo về tăng trưởng tiền lương toàn cầu năm 2017 của tổ chức Lao động quốc tế (ILO) đã chỉ ra, trên toàn thế giới, phụ nữ bị trả lương thấp hơn nam giới khoảng 20%. Tại các nước phát triển, mức chênh lệch này nằm chủ yếu trong nhóm người có thu nhập cao, trong khi tại các nước thuộc nhóm đang phát triển như Việt Nam, chênh lệch nằm chủ yếu ở nhóm lao động có thu nhập thấp và trung bình. Báo cáo cũng chỉ ra, nữ giới đã làm mẹ có xu hướng bị trả lương thấp hơn so với những người chưa có gia đình và con cái.
Điều này cho thấy, nữ giới vẫn đang chịu nhiều bất công tại nơi làm việc. Họ bị trả lương thấp hơn nam giới dù làm cùng một vị trí, một khối lượng công việc; bị hạn chế cơ hội đảm nhận các vị trí lãnh đạo trong doanh nghiệp; ít được tạo các điều kiện thuận lợi để cân bằng giữa việc chăm sóc gia đình, nuôi con nhỏ và các nhiệm vụ tại nơi làm việc…
Giải bài toán về vấn đề bất bình đẳng giới là mục tiêu của rất nhiều doanh nghiệp hiện nay, đặc biệt là các doanh nghiệp đang hoạt động trong ngành dệt may như Maxport Limited, bởi đặc thù ngành may mặc khiến cho lượng lao động nữ thường chiếm tới khoảng 80% tổng số nhân lực công ty. Tuy nhiên, không phải doanh nghiệp nào cũng có thể tự hoạch định cho mình những bước đi đúng đắn để giải quyết vấn đề, cũng như có biện pháp đo lường rõ ràng được sự hiệu quả mà các giải pháp đã thực hiện mang lại.
Gia nhập VBCWE mang tới những cơ hội nào cho Maxport Limited và người lao động?
Hiện nay, VBCWE là tổ chức hỗ trợ các doanh nghiệp tại Việt Nam triển khai đánh giá chứng chỉ EDGE (Chứng chỉ Lợi ích Kinh tế từ Bình đẳng giới). Doanh nghiệp tham gia vào mạng lưới này sẽ được đào tạo và đánh giá để đạt được các tiêu chuẩn của chứng chỉ EDGE. Bên cạnh đó, doanh nghiệp sẽ có thêm cơ hội kết nối và chia sẻ với những công ty có cùng định hướng về bình đẳng giới trong nước cũng như trong khu vực như Philippines, Indonesia, Myanmar, Australia…
Ông Nicholas Stokes – Tổng Giám đốc công ty Maxport Limited Vietnam cho biết việc gia nhập VBCWE là một trong số rất nhiều chiến lược về nhân sự và bình đẳng giới mà doanh nghiệp đang triển khai. Ông cho rằng nhiều doanh nghiệp hiện nay tập trung mạnh vào đầu tư cho máy móc, công nghệ, nhưng yếu tố quan trọng nhất, mang tính quyết định phải là yếu tố con người. Đầu tư cho con người là một hướng đi đúng đắn và cần thiết, nhất là trong thời đại công nghệ 4.0. Vì thế, Maxport từ lâu đã rất coi trọng việc đảm bảo các vấn đề về bình đẳng giới trong doanh nghiệp.
Ông Nicholas Stokes đã làm việc trong ngành dệt may hơn 20 năm. Là một người nước ngoài xây dựng sự nghiệp tại Việt Nam, ngay từ đầu những năm chín mươi, khi bắt đầu thành lập Maxport, ông đã có nhiều ý tưởng sáng tạo khác biệt hẳn với các doanh nghiệp cùng thời. Một trong số đó là chính sách “trao quyền cho phụ nữ”, thậm chí là “người phụ nữ làm chủ” – như ông thường hay đùa. Ông cho rằng ngành dệt may là một ngành nghề có nhiều khó khăn, tuy nhiên, công việc này lại rất thích hợp với ưu thế nhạy cảm, cần cù, tỉ mỉ… của nữ giới. Vì thế, doanh nghiệp trong ngành cần tạo điều kiện cho người phụ nữ phát triển nhiều hơn.
Hiện tại, Maxport Limited Vietnam có gần 7.000 nhân sự đang làm việc tại ba tỉnh thành: Hà Nội, Thái Bình, Nam Định. Doanh nghiệp là đơn vị sản xuất sản phẩm của nhiều thương hiệu nổi tiếng trên thế giới như: Nike, Lululemon, Engelbert Strauss, Mountain Hardware… Việc vận hành một bộ máy nhân sự đồ sộ, với khối lượng công việc lớn và luôn phải đảm bảo nhiều yêu cầu nghiêm ngặt từ phía đối tác như vậy là vô cùng khó khăn. Tuy nhiên, bộ phận Nhân sự của Maxport cho hay, đa số thành viên của Ban lãnh đạo Maxport là phụ nữ. Tương tự, tỉ lệ nữ giới đảm nhận chức vụ tổ trưởng các chuyền may ở Maxport chiếm tới 72%, trong khi nam giới chiếm 28%.
Điều này cho thấy Maxport Limited Vietnam vốn đã có một môi trường khá cởi mở và nhiều cơ hội dành cho người lao động nữ, trong cả khối văn phòng cũng như khối nhà xưởng, đúng như ông Nicholas đã chia sẻ: “Vấn đề bình đẳng giới không phải là thách thức lớn của chúng tôi, vì chúng tôi đã lưu tâm tới nó ngay từ những ngày đầu”.
Bà Hà Thu Thanh, Chủ tịch VBCWE cho rằng: “Một người lãnh đạo thành công phải tạo ra được một môi trường làm việc mà ai cũng có được cơ hội và không gian phát triển một cách bình đẳng”.
Việc trở thành thành viên mới của VBCWE sẽ góp phần giúp Maxport có thêm sự tư vấn, hỗ trợ nhằm tìm ra các giải pháp thiết thực và hữu ích cho vấn đề bình đẳng giới. Maxport Limited Vietnam cũng kỳ vọng VBCWE sẽ giúp họ đánh giá, đo lường được hiệu quả của những chiến dịch bảo vệ quyền lợi người lao động, đặc biệt là lao động nữ doanh nghiệp đã, đang và sẽ triển khai.
Nguyên Hoàng