Gần đây nhất, vào tối 19/5, trên mạng xã hội lan truyền 1 clip về nữ hành khách chờ trước sảnh tại sân bay của Vietjet phản ánh, mất tiền mua về máy bay nhưng: “Bố chết mà không được về nhà chịu tang…”.
Ngay sau khi sự việc xảy ra, đã thu hút sự quan tâm rất lớn của dư luận, không ít khách hàng tỏ ra bức xúc và đặt câu hỏi có chế tài nào trước việc hãng hàng không liên tục chậm, hủy các chuyến bay hay không?
Liên quan đến vấn đề này, trao đổi với PV, luật sư Cao Văn Tỉnh – đoàn luật sư TP.Hà Nội cho biết, theo Thông tư 27/2017 của bộ Giao thông Vận tải về sửa đổi, bổ sung một số điều của Thông tư 36/2014 (quy định chất lượng dịch vụ hành khách tại cảng hàng không) và Thông tư 14/2015 (quy định về việc bồi thường ứng trước không hoàn lại trong vận chuyển hành khách bằng đường hàng không), hãng bay phải thông báo cho hành khách khi chuyến bay bị chậm 15 phút trở lên.
Trong thời gian chờ đợi, hãng bay phải phục vụ ăn uống cho hành khách tùy theo thời gian chậm, hủy chuyến. Trong trường hợp chậm trên 6 giờ vào ban đêm (từ 22h hôm trước đến trước 7h sáng hôm sau), hãng phải bố trí chỗ ngủ, nghỉ phù hợp.
Bên cạnh đó, bộ Giao thông Vận tải cũng quy định 4 mức bồi thường đối với chuyến bay trong nước và 4 mức đối với chuyến bay quốc tế, căn cứ vào độ dài đường bay.
Theo đó, mức bồi thường hủy, chậm chuyến kéo dài đối với đường bay trong nước là từ 200.000 đồng/người/đường bay dưới 1.000 km đến 400.000 đồng/người/đường bay từ 1.000 km.
Đối với đường bay quốc tế, mức bồi thường từ 25 USD/người/đường bay dưới 1.000 km đến 150 USD/người/đường bay trên 5.000 km.
Trong trường hợp khách hàng không được bồi thường hoặc mức bồi thường chưa phù hợp theo quy định của pháp luật, khách hàng có thể gửi văn bản đề nghị đến hãng hàng không đó, yêu cầu phải thực hiện nghĩa vụ của mình, hoặc bạn có thể khởi kiện hãng này nếu không đồng ý với quyết định mà họ đưa ra. Vấn đề này được quy định chi tiết tại khoản 3 và khoản 4, Điều 10, Thông tư 14/2015/TT-BGTVT.