Trong bài đăng hôm 2/5, người phụ nữ tới từ khu phố Daechi-dong ở Gangnam, Seoul, Hàn Quốc nói mình cần tuyển người ngồi cạnh con trai tại quán cà phê trong khi cậu học và đánh thức nếu cậu ngủ quên. Mức lương là 3.000 won/giờ (gần 55.000 đồng).
Cụ thể, thông báo tuyển người có ghi rõ: “Tất cả những gì bạn cần làm là ngồi cạnh con trai tôi và đánh thức nó dậy nếu nó ngủ gục. Nếu bạn cảm thấy nó rất cần ngủ, hãy để nó ngủ 15 phút thôi, rồi đánh thức dậy. Hãy đảm bảo là con tôi mỗi giờ được nghỉ ngơi 10 phút và sau khi nghỉ ngơi thì lại học tiếp”.
Ngoài ra, ứng viên phải đảm bảo không được rời khỏi ghế, không được gõ máy tính tạo tiếng ồn, không lướt mạng xã hội...
Theo người phụ nữ, con trai bà đang học lớp 10 một trường trung học ở Daechi-dong và cần phải chăm chỉ học tập để không bị tụt lại so với bạn bè.
Công việc đặc biệt khiến cư dân mạng chia làm 2 luồng ý kiến. Nhiều người cho rằng đây là công việc hấp dẫn bởi chỉ cần ngồi giám sát học sinh học bài là đã nhận được hơn 50.000 đồng/tiếng. Tuy nhiên không ít bình luận dưới bài đăng đều cho rằng mức lương này quá thấp, đặc biệt là người thuê lại sống ở Gangnam, một trong những quận giàu có bậc nhất của Seoul.
"Ít nhất cũng phải trả mức tối thiểu chứ", một tài khoản để lại bình luận. "Lương thì thấp mà đủ các yêu cầu", người khác nêu quan điểm. Được biết, mức lương tối thiểu ở Hàn Quốc hiện là 9.160 won/giờ.
Sự việc này còn gây nên tranh cãi về áp lực học hành đối với học sinh Hàn Quốc. Việc phải học tập dưới sự giám sát của người khác chắc hẳn không phải cảm giác dễ chịu.
Từ lâu, Hàn Quốc đã nổi tiếng là một trong những quốc gia có nền giáo dục khắc nghiệt bậc nhất thế giới. Điều này thể hiện rõ nét qua kỳ thi quan trọng nhất của học sinh nước này - kỳ thi đại học CSAT.
Ngày 18/11 hàng năm, sự im lặng bao trùm lên Hàn Quốc khi học sinh toàn quốc tham dự kỳ thi áp lực bậc nhất thế giới – CSAT, hay còn gọi là Suneung.
Kỳ thi Suneung diễn ra trong khoảng 8 giờ đồng hồ. Thí sinh được cho điểm từ 1 đến 9 với mỗi môn chính - tiếng Hàn, Toán, tiếng Anh, Lịch sử - và các môn phụ như khoa học xã hội, tự nhiên, học nghề và ngoại ngữ thứ hai. Tương lai của học sinh phụ thuộc chủ yếu vào những điểm số này: từ trường đại học cho đến công việc, thu nhập, thậm chí cả những mối quan hệ tình cảm.
Không chỉ phụ huynh và học sinh mới cảm nhận được áp lực của cuộc thi. Cả xã hội Hàn Quốc thấu hiểu điều đó. Vào ngày thi, các văn phòng, ngân hàng, thị trường chứng khoán mở muộn hơn một giờ để tránh tắc đường; các máy bay sẽ điều chỉnh lịch trình để tránh gây ồn trong lúc các em thi. Chính phủ cũng tăng cường cảnh sát để hộ tống những thí sinh đi muộn.
Minh Hoa (t/h)