Mì tôm (hay mì ăn liền) là một món ăn phổ biến đối với người Việt. Đây là loại thực phẩm giá rẻ, dễ chế biến và dễ ăn do đó được nhiều người yêu thích. Tuy nhiên, các chuyên gia khuyến cáo, chúng ta không nên ăn quá nhiều mì tôm, đặc biệt là trẻ nhỏ bởi vì nó rất có hại cho sức khỏe.
Mì tôm hầu như không chứa một thành phần dinh dưỡng nào có lợi cho sức khỏe. Trong một gói mì mì tôm chỉ có khoảng 4gram protein và khoảng 10% chất sắt ngoài ra không chứa bất cứ vitamin và khoáng chất nào.
Ăn quá nhiều mỳ tôm khiến cơ thể nạp thêm quá nhiều carbohydrate và chất béo nhưng lại thiếu hụt các chất dinh dưỡng khác. Khi nạpthêm quá nhiều carbohydrate và chất béo vào cơ thể dẫn tới hàm lượng chất béo, calo tăng cao từ đó gây béo phì và gia tăng nguy cơ mắc các bệnh tim mạch, tiểu đường, cholesterol cao…Ngoài ra, hàm lượng muối trong mì tôm lớn do đó tiêu thụ quá nhiều mì tôm là bạn đã vô tình làm hại thận.
Cách nấu mì tôm ngon hơn
Nên chần mì rồi mới nấu: Trước khi nấu mì, đun sôi một nồi nước, rồi thả mì vào chần sơ khoảng 30 giây đến một phút, rồi đổ mì ra rổ. Tiếp tục đun sôi một nồi nước mới rồi đổ phần mì vừa gắp ra bát vào lại nồi nước. Nhanh tay tắt bếp để mì không bị nát.
Không sử dụng gói gia vị mì: Bạn có thể sử dụng gia vị bên ngoài như bột canh, bột ngọt, bột nêm (loại tự làm) để nấu vào mì. Sử dụng gia vị bên ngoài có thể hạn chế những chất dầu mỡ, phụ gia không phù hợp với sức khỏe.
Bổ sung thêm rau xanh, thịt để mì ngon hơn: Cải ngọt, súp lơ, giá đỗ hay thịt bò, tôm, thịt gà, trứng… không chỉ giúp tô mì thêm phần hấp dẫn mà nó còn giúp bạn đảm bảo đủ chất dinh dưỡng cần thiết. Ngoài ra, nếu trong mỗi bát mì bạn bổ sung thêm nhiều rau xanh sẽ làm giảm tối đa lượng chất béo.
Lưu ý, nếu bổ sung thêm các loại thực phẩm này, bạn hãy cho chúng vào nước nấu mì trước khi cho mì vào nhé. Với cách làm này, có thể mì tôm không còn là mì ăn liền theo đúng nghĩa nhưng chúng sẽ hạn chế được những chất dầu mỡ và phụ gia không phù hợp với sức khỏe.
Không ăn quá thường xuyên: Mì tôm chứa rất ít chất xơ, vitamin, đạm nhưng lại giàu carbonhydrates và chất béo bão hòa không tốt cho sức khỏe. Nếu ăn mì quá thường xuyên sẽ dẫn tới mất cân bằng dinh dưỡng, không tốt cho cơ thể. Hơn nữa, ăn mì quá nhiều còn gây nóng trong người và nổi mụn.
Không nên ăn mì sống: Mì tôm sống là một món khá hấp dẫn tuy nhiên bạn không nên ăn như vậy. Bởi đa số các loại mì tôm hiện nay được sản xuất bằng cách chiên qua dầu nên chứa rất nhiều chất béo khó tiêu hóa. Ăn sống mì tôm có thể gây đầy bụng, ăn nhiều sẽ làm tăng cân.
Trúc Chi (t/h)