Có nhiều nguyên nhân khiến dạ dày bị tổn thương như nhiễm vi khuẩn HP, thức khuya, làm việc quá sức, bỏ bữa, ăn uống không khoa học, stress... Rất khó để lường trước nguyên nhân làm tổn hại dạ dày, vì thế việc phát hiện dấu hiệu cảnh báo sớm các bệnh về dạ dày là điều vô cùng quan trọng. Nếu không được điều trị kịp thời, viêm dạ dày có thể phát triển thành ung thư chỉ trong thời gian ngắn. Do đó, nếu thấy miệng có 4 điều bất thường này thì dạ dày có thể đã bị tổn thương, bạn nên đi khám ngay để thay đổi lối sống và tự cứu lấy bản thân.
Hôi miệng
Hôi miệng là một trong triệu chứng phổ biến của bệnh trào ngược dạ dày - thực quản bên cạnh các triệu chứng như ợ hơi, ợ nóng, ợ chua, đau tức ngực, nóng dạ dày, ho, khàn giọng. Bệnh nếu không được điều trị kịp thời có thể để lại biến chứng nguy hiểm như viêm thực quản, hẹp thực quản, ung thư biểu mô tuyến thực quản,...
Nguyên nhân dẫn đến tình trạng này là do dạ dày vốn là nơi trú ngụ của nhiều loại vi khuẩn. Khi mắc bệnh trào ngược dạ dày, thức ăn tiêu hóa dở trong dạ dày và acid dịch vị sẽ bị trào ngược lên thực quản, vòm họng và cả miệng khiến bệnh nhân bị hôi miệng. Ngoài ra, acid dịch vị trào ngược lên sẽ bào mòn lớp niêm mạc miệng và họng, vi khuẩn sinh mùi càng có điều kiện phát triển. Khi xuất hiện tình trạng hôi miệng có thể bệnh trào ngược dạ dày đã ở mức độ nghiêm trọng.
Răng trở nên ố vàng
Hàm răng cũng phần nào phản ánh tình trạng sức khỏe của một người. Nếu phát hiện răng trở nên ố vàng trong khi bạn không có thói quen hút thuốc, uống trà, cà phê, nước ngọt, luôn vệ sinh răng sạch sẽ thì hãy cẩn thận. Đó có thể là do acid trong dạ dày bị trào ngược làm xỉn màu răng.
Bên cạnh đó, dạ dày nhiệt nóng thường là nguyên nhân gây ra đau sưng răng kèm tình trạng miệng khô, táo bón, buồn nôn, trướng bụng… Nếu bị nặng sẽ khiến răng sưng tấy nghiêm trọng, dẫn đến xói mòn nướu, loét nướu.
Nấc thường xuyên
Nấc là những cơn co thắt lặp đi lặp lại không kiểm soát được của cơ hoành, cơ hoành co thắt theo nhịp gây ra tiếng nấc. Thỉnh thoảng bị nấc không có gì nguy hiểm nhưng nếu bị nấc liên tục thì có thể là dấu hiệu cảnh báo nhiều bệnh về tiêu hóa như: Viêm dạ dày, ruột, rối loạn tiêu hóa...
Khi bị viêm dạ dày, dây thần kinh trong dạ dày bị kích thích nhiều lần dẫn đến xuất hiện những cơn nấc cụt. Người bị trào ngược acid cũng sẽ có dấu hiệu nấc cụt liên tục, đầy hơi, ợ nóng... nhưng trong trường hợp này còn kèm tình trạng đau dạ dày hoặc tức ngực.
Xuất hiện "lưỡi bản đồ"
Lưỡi bản đồ là tình trạng viêm nhưng không ảnh hưởng đến bề mặt lưỡi của người bệnh. Lưỡi vốn được bao phủ bởi những nhú lưỡi nhỏ li ti, màu trắng hồng; ngắn, mịn. Với lưỡi bản đồ, những vết trên bề mặt lưỡi không có nhú lưỡi và là một khoảng đỏ, nhăn, thường có viền bao quanh.Những vết này khiến bề mặt lưỡi có hình dạng giống như bản đồ, thường lành lại ở một khu vực và sau đó lại lan sang phần khác của lưỡi.
Thông thường lưỡi bản đồ không gây ra vấn đề sức khỏe hay liên quan đến nhiễm trùng, ung thư mà chỉ gây khó chịu cho lưỡi và tăng độ nhạy cảm với một số chất như gia vị, muối, đồ ngọt. Tuy nhiên trong một số trường hợp nó có thể phản ánh việc chức năng của dạ dày bị suy giảm. Nếu mắc các bệnh lý liên quan đến tiêu hóa như hội chứng kém hấp thu, bệnh dạ dày tá tràng, viêm loét dạ dày,… cũng có thể hình thành nên viêm lưỡi bản đồ.
Phòng bệnh luôn tốt hơn chữa bệnh, do đó hãy duy trì các thói quen ăn uống lành mạnh để phòng tránh ung thư dạ dày như: Ăn chậm nhai kỹ; không lạm dụng trà, cà phê, đồ uống kích thích hay ăn các chất cay nóng; đặc biệt không tự ý sử dụng thuốc mà không có đơn của bác sĩ. Nếu bạn sử dụng các loại thuốc kháng sinh mù quáng mà không có chỉ định của bác sĩ chưa chắc bệnh đã thuyên giảm mà còn làm tổn thương nghiêm trọng đến dạ dày.
Minh Hoa (t/h)