Theo nhóm nghiên cứu dẫn đầu bởi nhà virus học David Muller từ đại học Queensland (Úc), kết quả thử nghiệm trên chuột cho thấy, miếng dán vắc-xin ngừa Covid-19 mang lại khả năng bảo vệ miễn dịch tốt hơn so với cách tiêm truyền thống.
Phát minh này hứa hẹn giải quyết nhiều vấn đề. Trước tiên vì miếng dán chỉ cần bảo quản ở nhiệt độ phòng nên rất thích hợp với những khu vực thiếu kho lạnh.
Thứ hai, việc dán miếng dán rất đơn giản nên sẽ không cần thao tác chuyên nghiệp của nhân viên y tế. Nếu mọi người có thể dùng miếng dán tự "tiêm chủng" tại nhà thì sẽ không cần tốn công sức cho những buổi tiêm chủng tập trung, hạn chế nguy cơ lây nhiễm. Ngoài ra, miếng dán cũng sẽ giải quyết nỗi sợ kim tiêm ám ảnh nhiều người, đồng thời giúp việc tiêm vắc-xin cho trẻ nhỏ được dễ dàng hơn.
“Chúng tôi muốn đưa ra một giải pháp để vắc-xin có thể vận chuyển dễ dàng, đặc biệt là tới những nơi hạn chế cơ sở vật chất và nhân lực”, nhà virus học David Muller cho biết.
Muller và đồng nghiệp đã dành nhiều năm để phát triển miếng dán da phòng ngừa cúm, bại liệt, sốt xuất huyết và một số loại bệnh khác mà không cần kim tiêm hoặc bảo quản lạnh. Họ đã đặt ra câu hỏi liệu công nghệ tương tự có áp dụng cho vắc-xin ngừa Covid-19 được hay không.
Miếng dán kích thước chỉ vài cm có 5.000 gai nhỏ bằng nhựa, mỗi gai dài 0,25mm và được phủ một lớp vắc- xin khô, ổn định hơn so với dạng lỏng. Miếng dán có chất dính giúp ép vắc-xin vào da không gây đau đớn. Vắc-xin Covid-19 dạng dán giữ được chất lượng ổn định trong 1 tháng khi bảo quản ở 25 độ C và trong một tuần ở 40 độ C.
Theo nhà virus học Muller, vắc-xin dạng này tạo ra các phản ứng miễn dịch mạnh hơn. Khi họ sử dụng vắc-xin cúm dạng miếng dán, chỉ cần 1/6 liều lượng so với vắc-xin tiêm.
Vắc-xin ngừa Covid-19 loại dán vẫn đang được thử nghiệm lâm sàng. Những con chuột sử dụng miếng dán vắc xin đã phát triển nhiều kháng thể hơn những con được tiêm. Chúng hoàn toàn không nhiễm bệnh, chống lại được biến thể, ngay cả khi chỉ dùng vắc-xin một lần.
Cuộc thử nghiệm loại vắc-xin ngừa Covid-19 này trên người sẽ bắt đầu vào năm tới. Nếu được chấp thuận, vắc xin dán có thể được sử dụng làm liều tăng cường.
Minh Hoa (t/h theo VietNamNet, Người Lao Động)