Vừa qua, Ngân hàng Thế giới (WB), Quỹ Nhi đồng Liên Hợp Quốc (UNICEF) và Tổ chức Giáo dục, Khoa học và Văn hóa Liên Hợp Quốc (UNESCO) đã đồng xuất bản báo cáo “Tình trạng Khủng hoảng Giáo dục Toàn cầu: Con đường Phục hồi”. Báo cáo này đã trình bày chi tiết tác động của đại dịch Covid-19 đến với hệ thống giáo dục và học sinh trên toàn thế giới, và vạch ra một số giải pháp chính sách nhằm hồi phục và chuyển đổi hệ thống giáo dục để thích ứng với tình hình mới.
Theo dữ liệu và phân tích của báo cáo này, đại dịch Covid-19 đã gây nên một cuộc khủng hoảng chưa từng có tiền lệ cho nền giáo dục thế giới. Ở thời điểm đỉnh dịch, 1,6 tỷ học sinh tại 188 quốc gia đã phải nghỉ học, 1 tỷ học sinh trong số đó sống tại các quốc gia thu nhập thấp và trung bình. Tính trên toàn thế giới, từ cuối tháng 2/2020 đến đầu tháng 8/2021, các cơ sở giáo dục đã phải đóng cửa hoàn toàn trung bình 121 ngày học và đóng cửa một phần trung bình 103 ngày học.
Việc trường học phải đóng cửa đã gây nhiều tổn thất nặng nề đến khả năng học của học sinh. Ví dụ, học sinh tại bang São Paulo (Brazil) trung bình chỉ học được 28% khối lượng kiến thức khi học từ xa so với khi học ở trường; tỉ lệ bỏ học cũng tăng gấp 3 lần trong thời gian trường học đóng cửa. Kết quả học tập của các em cũng bị thụt lùi nặng nề trong năm 2021, với một số môn học cho thấy trình độ học sinh đã quay trở về mức 10-14 năm trước.
Còn tại Nga, việc trường học bị đóng cửa tại một khu vực đã dẫn đến việc học sinh lớp 6 và lớp 10 lần lượt mất lượng kiến thức tương đương 3-4 tháng cho đến hơn 1 năm thời gian học tập.
Khả năng học tập bị gián đoạn và giảm sút còn có thể dẫn đến thiệt hại lớn lao về thu nhập trong tương lai của thế hệ học sinh phải sống trong đại dịch. Mô hình mô phỏng của WB cho thấy với việc trường học đóng cửa kéo dài, toàn bộ học sinh bị ảnh hưởng trên thế giới có thể mất tới 16-17 nghìn tỷ USD thu nhập trọn đời, tương đương 14% GDP toàn cầu hiện tại và vượt xa mức 10 nghìn tỷ USD ước tính năm 2020.
Việc đại dịch khiến trường học phải đóng cửa cũng làm gia tăng bất bình đẳng về giáo dục, chủ yếu do khoảng cách kỹ thuật số. Trên toàn thế giới, ít nhất 463 triệu trẻ em trong tuổi đến trường không thể học từ xa qua Internet hay TV và radio. Một nghịch lý xảy ra ở đây là tuy học online là giải pháp thường được sử dụng nhất, có tới 1,3 tỷ trẻ em trong tuổi đến trường không tiếp cận được Internet tại nhà, chủ yếu ở các vùng nông thôn.
Các quốc gia có mức thu nhập khác nhau sử dụng các phương thức học từ xa chủ chốt khác nhau, với hiệu quả học tập chênh lệch. Trong một quốc gia, khoảng cách kỹ thuật số giữa thành thị và nông thôn cũng khiến việc thực hiện dạy và học từ xa qua phương thức trực tuyến khó có hiệu quả như mong muốn tại một số khu vực và đối tượng nhất định. Khoảng cách này là rõ ràng nhất tại Mỹ Latinh và Caribe và Đông Á - Thái Bình Dương.
Bên cạnh ảnh hưởng về học tập, việc đóng cửa trường học dài hạn còn dẫn đến nhiều hậu quả về sức khỏe và xã hội. Hàng triệu trẻ em đã mất khi khả năng có bữa ăn tại trường học - vốn có thể là nguồn dinh dưỡng chủ yếu và có lợi cho các em. Thêm vào đó, việc không thể đến trường gia tăng nguy cơ trẻ em phải lao động quá mức, bị ngược đãi, lạm dụng và rơi vào đói nghèo. Khủng hoảng sức khỏe tâm lý của trẻ em và thanh thiếu niên cũng phải được tính đến, khi trường học và bạn bè vốn là môi trường xây dựng kỹ năng xã hội và bảo đảm tâm lý cho các em.
Để đối phó với cuộc khủng hoảng giáo dục này, báo cáo cho rằng mở cửa lại trường học và đưa học sinh trở lại trường phải là ưu tiên hàng đầu cho các quốc gia, nhằm đảo ngược lại thiệt hại đã bị gây ra do đại dịch. Tuy nhiên, mỗi quốc gia sẽ cần lịch trình và chiến lược mở cửa lại trường học phù hợp với hoàn cảnh nhằm giảm thiểu rủi ro lây nhiễm trong khi vẫn đảm bảo một môi trường học phù hợp. Một mô hình chung bao gồm 3 “đòn bẩy”, bao gồm điều chỉnh giáo trình, kéo dài thời gian học và nâng cao hiệu quả dạy - học, kết hợp với việc duy trì hỗ trợ toàn bộ giáo viên và nhân viên sẽ giúp tăng tốc quá trình phục hồi giáo dục.