Người cựu chiến binh và bài học "xương máu"
Những ngày cuối tháng 7, chúng tôi đến thăm trang trại kinh tế của cựu chiến binh Nguyễn Trường Giang, SN 1966, ở xã Tây Trạch, huyện Bố Trạch, tỉnh Quảng Bình. Đứng giữa trang trại xanh bạt ngàn của cây trái, ông Giang nói đó là thành quả sau nhiều bài học "xương máu" trên mặt trận kinh tế, ông mới có được như hôm nay.
Ông Giang kể, năm 19 tuổi ông lên đường nhập ngũ và phục vụ trong Cục vũ khí-đạn (Tổng cục Kỹ thuật). Đến cuối năm 1988, sau khi hoàn thành nhiệm vụ, ông được đơn vị cho xuất ngũ trở về địa phương.
"Lúc ấy gia đình tôi nghèo, tìm việc làm rất khó khăn nên tôi tìm cách sang Lào mưu sinh. Được một thời gian, tôi nhận thấy không đâu bằng quê hương mình nên lại quyết định trở về quê lập nghiệp.
Ban đầu, tôi mượn anh em họ hàng, rồi vay ngân hàng để mua 5ha đất đồi. Trên địa bàn có Nhà máy đường Quảng Bình nên khai hoang được chừng nào tôi lấy phần đất đó trồng mía bán cho nhà máy. Kinh tế từ đó cũng dần ổn định", ông Giang nhớ lại.
Trời như thử lòng người, năm 2002 khó khăn một lần nữa lại ập đến với ông Giang khi nhà máy thu mua mía dừng hoạt động. Giữa lúc khó khăn trăm bề, trong đầu ông Giang nảy sinh ra ý định mới, thay đổi hoàn toàn mô hình canh tác. Ông quyết định chặt bỏ toàn bộ mía để trồng cây cao su. Có thể nói đây là bước đi vô cùng táo bạo, thậm chí mang tính đánh đổi may rủi rất cao.
Diện tích cao su của ông Giang lớn nhất nhì trong vùng thời điểm đó, sau 5 năm chăm sóc, cây cao su bắt đầu thu hoạch. Ước tính một ngày, gia đình ông thu hơn 3 triệu đồng từ "vàng trắng". Không những thu hoạch mủ cao su của gia đình, ông mua thêm của người dân trong vùng để bán lại cho đầu mối. Nhờ đó, cuộc sống dần trở nên khấm khá, gia đình ông Giang xóa được nợ.
Nhưng khó khăn chưa dừng lại ở đó, cơn bão lịch sử năm 2013 làm gãy đổ toàn bộ 5ha cao su của gia đình ông. "Bất ngờ thiên tai ập đến, gia đình tôi lâm vào cảnh trắng tay, khó khăn trăm bề. Nghĩ lại, tôi thầm cảm ơn thời gian trong quân ngũ đã rèn tôi tính kiên cường, không khuất phục trước khó khăn", cựu chiến binh Nguyễn Trường Giang chia sẻ.
Cựu chiến binh tâm niệm rằng, đã là người lính bộ đội Cụ Hồ thì không khó khăn nào có thể làm ông chùn bước. Năm 2017, ông Giang quyết định mở trang trại nuôi lợn kết hợp trồng cây ăn quả ngay trên phần đất đã mua trước đó.
Gặt hái trái ngọt từ mô hình trang trại
Hiện tại, trang trại của ông Giang áp dụng mô hình nuôi lợn trong chuồng lạnh khép kín kết hợp vườn cây ăn trái nhiều loại như vải thiều, cam vinh, ổi… cho thu nhập lên đến 700-800 triệu mỗi năm.
Trang trại tạo công ăn việc làm và nguồn thu nhập ổn định cho 5-7 lao động. Trái ngọt mà cựu chiến binh có được hôm nay là nhờ sự cần cù, chịu khó học hỏi, áp dụng khoa học vào chăn nuôi, trồng trọt.
"Làm giàu từ chăn nuôi và trồng trọt không dễ, nhất là trên địa bàn tỉnh Quảng Bình. Thiên tai, dịch bệnh ảnh hưởng nhiều tới năng suất sản phẩm đầu ra nhưng không ai có thể kiểm soát được chúng. Nói như vậy cũng không phải mình thấy khó mà chùn bước, không dám dấn thân", ông Giang nói.
Cùng với việc gương mẫu phấn đấu thoát nghèo và làm giàu trong phát triển kinh tế, ông Giang còn là thành viên tích cực của Hội Cựu chiến binh huyện Bố Trạch, là thành viên gương mẫu của Câu lạc bộ sản xuất kinh doanh giỏi của huyện.
Cựu chiến binh Giang vận động các thành viên trong câu lạc bộ, hội viên cựu chiến binh và người dân trên địa bàn thi đua lao động sản xuất, không vi phạm pháp luật trong sản xuất, kinh doanh. Đồng thời chủ động tổ chức các hoạt động giao lưu, học hỏi kinh nghiệm, giúp đỡ vốn, giống, kỹ thuật, vật tư... cho những người thực sự có nhu cầu.
Ông Đỗ Như Tất, Phó Chủ tịch Hội cựu chiến binh huyện Bố Trạch chia sẻ: "Cựu chiến binh Nguyễn Trường Giang là tấm gương điển hình làm kinh tế giỏi ở địa phương. Bên cạnh đó, ông cũng có những đóng góp tới sự phát triển của hội, tận tình giúp đỡ những thành viên khó khăn. Cá nhân tôi thấy ông Giang xứng đáng là tấm gương sáng để các cựu chiến binh khác noi theo".