Không có gì phải hồ nghi: Balzac sẽ không thể thực hiện nổi một phần mong muốn trở thành “người thư ký trung thành của thời đại”, bộ “Tấn trò đời” của ông sẽ không thể đua tranh nổi với các lưu trữ hộ tịch nếu ông không có một vốn sống thật đa dạng, một sự hiểu biết thực tế thật phong phú, đa dạng phong phú như thể ông đã sống vài cuộc đời chứ không phải một cuộc đời. Sở dĩ có điều đó là vì, muốn hay không cũng phải tính đến: Balzac đã làm đủ nghề, đi nhiều nơi, lăn lộn trong rất nhiều không gian xã hội, tiếp xúc với rất nhiều hạng người, tóm lại ông có “đầy mình” những trải nghiệm với xã hội nước Pháp thời ông sống.
Tất nhiên, không phải người viết văn nào cũng cái may mắn được sống một đời sống như Balzac từng sống, và không phải ai cũng là một tài năng cường tráng để có thể biến tất thảy những gì nhận được từ “thực tế” thành văn chương như ông. Vì thế, ở một mức phổ biến hơn, để nói tới câu chuyện “thực tế”, sự thâm nhập và hiểu biết “thực tế” đóng vai trò quan trọng đến thế nào đối với sáng tạo của nhà văn, giữ vị trí ra sao trong sự thành công của tác phẩm, người ta sẽ phải thu hẹp cái khái niệm “thực tế” ấy lại, cụ thể hóa nó bằng những khu vực nhất định.
Điều đó gần với cái gọi là “miền đất quen thuộc” hay “đề tài sở trường” của mỗi nhà văn. G.Flaubert viết tuyệt hay về cái quẩn quanh tủn mủn vừa đáng thương vừa nực cười trong cuộc đời của đám người tiểu tư sản ở tỉnh lẻ, trong khi E.Zola tỏ ra cực kỳ am tường về giai cấp công nhân, thợ thuyền, những người làm thuê - cái giai cấp làm thành cặn đáy Paris – và những vấn đề của họ. Trong văn học của nước Nga thế kỷ XIX, có thể nói F.Dostoievsky là nhà văn thông thuộc hơn ai hết về những không gian tầng hầm và tầng áp mái, không gian sinh tồn của những người cùng khổ, và đặc biệt, của những trí thức tuy nghèo về của cải nhưng không thiếu sự kiêu ngạo và luôn sục sôi lòng căm phẫn trước trật tự xã hội hiện hành. Ngược lại, I.Turgenev là nhà văn hiểu biết rất tỉ mỉ và sâu sắc về giai cấp qúy tộc Nga, về tính phô trương và thói xa hoa trong sinh hoạt thường nhật của họ, về nỗi ngậm ngùi của họ trước cái viễn cảnh của một sự sụp đổ không cách nào tránh khỏi.
Còn ở văn học Việt Nam thì sao? Không ai viết hay như Nam Cao về người nông dân và người trí thức tiểu tư sản. Không ai viết cảm động hơn Nguyên Hồng về cảnh đời của những người dân nghèo ở thành thị. Không ai qua được Vũ Trọng Phụng khi đi vào những thói tật, những tệ nạn ở cái đô thị Việt Nam đang trên đà tư sản hóa. Viết về một lớp người cựu học với sự tài hoa trong các ngón ăn ngón chơi đầy vẻ tao nhã của họ, những trang văn kiêu bạc của Nguyễn Tuân quả là một mình một chiếu. Một đề tài lớn - đề tài chiến tranh – có thể khẳng định rằng cho đến nay thành công nhất ở đề tài này vẫn là những nhà văn đã từng mặc áo lính xông pha nơi chiến trường: Nguyễn Minh Châu, Xuân Thiều, Nguyễn Ngọc Oánh, Xuân Đức, Khuất Quang Thụy, Bảo Ninh...
Những ví dụ kể trên, dễ thấy, có cùng một điểm quy chiếu, ấy là thành công của nhà văn được/ bị điều kiện hóa bởi mức độ thâm nhập và sự hiểu biết của anh ta trong những vùng “thực tế” nhất định. Điều đó bắt nguồn từ môi trường xuất thân, môi trường sống, môi trường hoạt động và nhất là sự nhạy cảm trước “thực tế” của nhà văn. Xuất thân, sống, hoạt động trong một môi trường nào đó, đương nhiên người ta sẽ có nhiều điều kiện thuận lợi hơn những người khác trong việc hiểu biết cái “thực tế” của mình, và gắn bó với “thực tế” ấy càng lâu thì sự hiểu biết càng trở nên dày dặn, sâu sắc. Nhưng nếu chỉ là như vậy, sẽ giải thích sao đây về trường hợp của Vũ Trọng Phụng, một nhà văn xuất thân từ giới bình dân, nghèo, sinh hoạt rất điều độ mực thước nhưng khi ông viết về những chuyện cô đầu nhà thổ, bài bạc hút xách thì cứ như thể là người cực kỳ lão luyện trong chốn ăn chơi trụy lạc? Tôi nhấn mạnh vào “sự nhạy cảm trước thực tế của nhà văn” là vì thế.
Các tác giả kể trên là những nhà văn có được “sự nhạy cảm trước thực tế”, ít ra là sự nhạy cảm trong những vùng “thực tế” quen thuộc của họ. Nếu không có phẩm chất này, nhà văn có thể là người sống trong “thực tế”, là người quan sát và ghi nhận “thực tế” rất bền bỉ, rất kỹ lưỡng, nhưng cái nhìn của anh ta chỉ lướt trên bề mặt “thực tế”, nó không khoan thủng được lớp vỏ ngoài để chạm tới cái lõi của “thực tế”.
Sự quen mặt thuộc tên với “thực tế” đến mức “không gì là không biết” đôi khi cũng khiến cho nhà văn trở nên, một cách ngoài mong muốn, chai lỳ với “thực tế”, anh ta không lạ hóa được nó, anh ta không phát hiện được ở nó cái mới mẻ trong những đường nét những chuyển động. Vì vậy, thậm chí có thể khẳng định rằng, nếu thiếu đi “sự nhạy cảm trước thực tế” thì mọi yếu tố còn lại – thời gian và mức độ thâm nhập “thực tế” của nhà văn – sẽ trở thành vô nghĩa. Điều này có lẽ giải thích khá tốt cho sự thất bại trong việc “phản ảnh thực tế” của rất nhiều nhà văn, mặc cho anh ta bám trụ lâu dài với “thực tế” và cũng không thiếu tinh thần nung nấu muốn viết tác phẩm để đời. Và đương nhiên, khi đã thiếu “sự nhạy cảm trước thực tế”, lại thâm nhập “thực tế” theo kiểu phong trào, đi thành đội ngũ, đi theo chỉ thị, thì không khó để hiểu tại sao kết quả của những chuyến đi ấy đa phần chỉ là những tác phẩm thuộc loại “người tốt việc tốt”, mang phần xác (và cả phần hồn) nửa văn chương nửa báo chí, và... chết non.
Thế nhưng, khái niệm “thực tế” phải chăng chỉ để xác định một môi trường xã hội cụ thể nào đó mà nhà văn đã hoặc đang sống; môi trường xã hội ấy, với những đặc điểm về chính trị – kinh tế – văn hóa của nó, làm nền cho cuộc đời riêng của nhà văn, đập vào sự cảm nhận của anh ta và chi phối cuộc sống của anh ta? Nói cách khác, “thực tế” phải chăng chỉ bó gọn lại thành “thực tế cuộc sống”, ngoài ra không là gì khác?
Đặt ra câu hỏi này, thực chất là chúng ta đang đứng trước vấn đề muôn thuở của triết học: “thực tế” (hay “thực tại”, hay “hiện thực”) là gì? Có thể nói rằng cái quan niệm coi là tương đương hai khái niệm “thực tế” và “thực tế cuộc sống” là một quan niệm rất phổ biến. Và chính là từ quan niệm như vậy mà ở nhiều nền văn học dân tộc, trong nhiều giai đoạn, người ta luôn thủ trước tấm bảng chữ to “xa rời thực tế cuộc sống” để sẵn sàng quàng lên cổ những tác phẩm văn học nào lấy cảm hứng hoặc lấy “nguyên liệu” từ một “thực tế khác”, khác với “thực tế cuộc sống”. Cũng chẳng sao, nếu sự đánh giá này không thường xuyên là một sự đánh giá giá trị của tác phẩm: “xa rời thực tế cuộc sống” nghĩa là... chẳng có chút giá trị gì hết.
Xét đến cùng, F.Kafka phản ánh “thực tế cuộc sống” chăng khi ông kể lại (cứ như thật) câu chuyện về một người đàn ông bỗng dưng hóa thành một con côn trùng (Hóa thân), hoặc khi ông dựng lên một tòa lâu đài luôn thấp thoáng trước mắt người song không ai có thể thâm nhập được (Lâu đài)? M.Kundera lấy “thực tế cuộc sống” để viết “Cuộc sống không ở nơi đây” chăng, khi trong tác phẩm của mình ông để cho những danh nhân thuộc các thời đại khác nhau liên tục chạm mặt nhau, tranh luận với nhau nảy lửa?
Trong văn học Việt Nam đương đại cũng không có ít ví dụ tương tự. Đọc các tác phẩm của Nguyễn Bình Phương (Những đứa trẻ chết già, Người đi vắng, Trí nhớ suy tàn, Thoạt kỳ thủy...), Nguyễn Danh Lam (Bến vô thường, Giữa vòng vây trần gian), Trần Nhã Thụy (Sự trở lại của vết xước) v.v... liệu có thể xác quyết rằng những thế giới kỳ lạ trong các tác phẩm ấy là sự phản chiếu, một cách trực tiếp, những “thực tế cuộc sống” cụ thể, xác định nào đó? Có lẽ, trên phương diện nhận thức, cần phải nới rộng khái niệm “thực tế” để nó có thể bao quát đến tối đa sự trải nghiệm nhiều chiều của người sáng tác văn học. “Thực tế cuộc sống” đương nhiên là “thực tế”. Nhưng “thực tế của trí tưởng tượng”, “thực tế của những giấc mơ”, “thực tế của sự thâm nhập thư tịch”, “thực tế tâm linh”... cũng cần phải được coi là những yếu tố nằm trong khái niệm “thực tế”, cần phải được coi là “nguyên liệu” cho lao động sáng tác của nhà văn, ở chừng mực nó không hề kém quan trọng hơn so với “thực tế cuộc sống”.
Không hề có ý định cổ súy cho một thứ “chủ nghĩa hiện thực không bờ bến” (như Roger Garaudy từng quan niệm) song người viết bài này vẫn cho rằng, một nhận thức “đúng” và “mở’ về khái niệm “thực tế” là điều rất cần cho sự đánh giá, thẩm định tác phẩm văn chương hiện nay. Nếu không “đúng”, chúng ta dễ trở thành người tung hô cho những cuốn sách chỉ hớt lớp váng của “thực tế cuộc sống”. Nếu không “mở”, chúng ta dễ bỏ sót những tác phẩm có giá trị - tôi muốn nói đến những tác phẩm được dựng lên từ những “thực tế khác”, khác với “thực tế cuộc sống” mà ta hằng quan niệm – và như vậy thì văn chương sẽ trở nên đơn điệu biết bao.
*Bài viết thế hiện quan điểm riêng của tác giả.