MobiFone ‘hành’ khách hàng qua nhiều lần tăng cước

MobiFone ‘hành’ khách hàng qua nhiều lần tăng cước

Thứ 5, 04/04/2013 15:06

Việc MobiFone tăng cước roaming một cách đột biến đang là đề tài gây sự quan tâm của nhiều khách hàng trong những ngày qua. Không ít chuyên gia cho rằng, việc làm này của MobiFone không khác gì kiểu “ngược đãi khách hàng”.

Trước đó, nhiều khách hàng của nhà mạng MobiFone đã tỏ ra bất bình trước việc nhà mạng này tăng cước dịch vụ 3G một cách “không rõ ràng”.

Theo đó, theo quyết định của nhà mạng MobiFone, từ tháng 4/2013, giá cước dịch vụ 3G trọn gói dành cho thuê bao Internet di động của nhà mạng này sẽ tăng thêm 10.000 đồng/tháng. Cụ thể, khách hàng sử dụng gói cước Internet không giới hạn MIU của MobiFone và MAX của Vinaphone sẽ phải trả 50.000 đồng/tháng (trước đây chỉ 40.000 đồng).

Công nghệ - MobiFone ‘hành’ khách hàng qua nhiều lần tăng cước Ảnh minh họa

Giải thích nguyên nhân tăng giá cước 3G, MobiFone cho biết, việc tăng giá cước là để đối phó với tình trạng thất thu cước do các ứng dụng gọi điện, nhắn tin miễn phí. Theo đó MobiFone đã tăng giá cước dịch vụ 3G thêm 25%.

Số tiền cước tăng lên tưởng chừng như không lớn chỉ 10.000 đồng/tháng, tuy nhiên theo các chuyên gia, nhà mạng sẽ bỏ túi khoảng 100 tỉ đồng/tháng từ số tiền tăng cước này.

Trước những thái độ bất bình của đông đảo khách hàng về việc MobiFone tăng giá cước 3G một cách đột biến, luật sư Nguyễn Văn Hậu - phó chủ tịch Hội Luật gia TP.HCM cho rằng: “Theo Luật bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng, khi bên cung cấp dịch vụ đưa vào hợp đồng những điều khoản bất lợi cho người tiêu dùng thì tổ chức, cá nhân có thẩm quyền giải quyết tranh chấp phải giải thích theo hướng có lợi cho người tiêu dùng.

Hợp đồng ở đây chính là thỏa thuận khi người dùng chấp nhận sử dụng gói cước 3G không giới hạn với giá 40.000 đồng/tháng. Các nhà mạng phải tham khảo ý kiến của người tiêu dùng về việc tăng giá cước trước khi quyết định có tăng giá hay không. Việc các nhà mạng tăng cước 3G ở đây hoàn toàn độc quyền bởi người tiêu dùng nếu không muốn sử dụng dịch vụ của họ nữa thì cũng không còn lựa chọn nào khác”.

Trên thực tế, nguyên nhân sâu xa của sự việc này được các nhà phân tích đánh giá là xuất phát từ việc các ứng dụng như Viber, Wala, Zalo, Line, WeChat, WhatsApp... trên smartphone đã khiến người dùng giảm bớt việc sử dụng các dịch vụ gọi điện, SMS cơ bản của các nhà mạng khiến nhà mạng mất đi một khoản thu lớn. Đáng quan tâm là nhà mạng “thất thu” nhưng hậu quả lại đổ lên đầu khách hàng?

Khách hàng chưa hết “sốc” vì cước 3G tăng đột biến, nhà mạng MobiFone lại “bồi” thêm “đòn” mới gây choáng váng cho khách hàng mà nhiều chuyên gia gọi đó là kiểu “ngược đãi khách hàng”.

Theo đó, MobiFone đã điều chỉnh  giá cước một số vùng quốc tế lên mức cao ngất ngưởng, thậm chí gần 7 lần so với mạng Viettell.

Cụ thể, tại Thụy Điển, Anh... cước gọi về Việt Nam của MobiFone cao gấp 3 lần, cước nhận cuộc gọi cao gấp gần 4 lần, cước gửi SMS cao gấp 1,8 lần, cước Data cao gấp 2,5 lần so với mạng Viettel.

Nói về việc khách hàng kêu ca về các dịch vụ, giá cước của MobiFone thì đây lại không phải là lần đầu tiên nhà mạng này mắc phải.

Trước đó nhiều khách hàng MobiFone đã phản ánh tình trạng nhà mạng này tận thu tài khoản của họ qua các chương trình khuyến mãi.

Một số khách hàng MobiFone phản ánh, ngay từ khi đăng ký kích hoạt sim MobiFone, nếu không để ý, khách hàng sẽ được "ưu ái" mở mặc định nhiều dịch vụ và phải trả phí cho những dịch vụ này dù có muốn hay không.

Nói về sự việc này, một đại diện MobiFone từng phát biểu trên báo chí: “Khách hàng là thuê bao trả trước thì một số dịch vụ được mặc định ngay từ đầu, khi mua sim có tờ rơi hướng dẫn đi kèm. Nếu khách hàng từ chối ngay từ khi nhập mạng thì không sao nhưng sau này mới nhắn tin từ chối thì tính một tin nhắn giá 200 đồng”.

Theo cách làm này, người tham gia ngày đầu không tốn tiền nhưng sẽ bị trừ tiền những ngày tiếp theo mà không hề hay biết. Khách hàng vì cho rằng mình không tham gia nữa nên sẽ không bị trừ tiền, trong khi thực tế phải nhắn tin TC gửi 9999 mới chấm dứt tham gia và không bị trừ tiền cước hằng ngày. Chính sự “lập lờ” này đã khiến nhiều khách hàng mất tiền mà không hề hay biết.

Xin được lấy ý kiến ông Nguyễn Mạnh Hùng - phó chủ tịch kiêm tổng thư ký Hội Tiêu chuẩn và Bảo vệ người tiêu dùng Việt Nam phát biểu trên báo Giáo dục Việt Nam thay cho lời kết.

“Người tiêu dùng nên sử dụng quyền lựa chọn của mình đã được quy định trong Luật Bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng để tìm đến nhà dịch vụ nào có giá cước cạnh tranh nhất. Việc làm này nhằm bảo đảm quyền lợi cho mình cũng như để thể hiện thái độ ứng xử đối với những tổ chức kinh doanh chưa coi lợi ích của người tiêu dùng là lợi ích của chính mình”.

P.V

Cảm ơn bạn đã quan tâm đến nội dung trên. Hãy tặng sao để tiếp thêm động lực cho tác giả có những bài viết hay hơn nữa.
Đã tặng: 0 star
Tặng sao cho tác giả
Hữu ích
5 star
Hấp dẫn
10 star
Đặc sắc
15 star
Tuyệt vời
20 star

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bình luận không đăng nhập

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.