Tiếng sét ái tình
Năm 1951, cuộc chiến tranh chống Pháp của Việt Nam đang bước vào giai đoạn khốc liệt, quân và nhân dân Việt Nam đang giành được những chiến thắng dồn dập. Vì vậy mà, đoàn đại biểu của Việt Nam nhận được sự quan tâm của nhiều người tại Liên hoan Thanh niên sinh viên thế giới Berlin 1951.
Nổi bật trong đoàn đại biểu của Việt Nam là Nguyễn Đình Thi với vóc dáng cao ráo, đẹp trai và nói tiếng Pháp lưu loát. Khi ấy, chàng trai 27 tuổi Nguyễn Đình Thi là người rất nổi tiếng. Ông chính là tác giả của 2 ca khúc rất được yêu thích Diệt phát xít, Người Hà Nội và là Tổng thư ký Hội Văn hóa cứu quốc kiêm Ủy viên Thường vụ Quốc hội.
Tại Liên hoan năm ấy cũng có một cô gái đặc biệt nổi bật chính là nữ nhà báo người Pháp Madeleine Riffaud. Bà là Nữ du kích đầu tiên hạ sát một sĩ quan Nazi giữa lòng Paris. Bà bị Gestapo bắt năm 1944 và bị kết án tử hình. Tuy nhiên, khi chỉ còn 6 ngày nữa là bị hành quyết thì bà được giải cứu thành công.
Năm 1946, Madeleine được nước Pháp phong tặng danh hiệu anh hùng và được thưởng huân chương Bắc Đẩu bội tinh, phần thưởng cao quý nhất của nước Pháp. Không chỉ là một chiến sĩ dũng cảm với nhiều thành tích nổi bật, bà còn là một nhà thơ được công chúng yêu thích. Madeleine chính là tác giả của tập thơ Con ngựa đỏ từng được trao giải văn chương Pháp.
Thời điểm tham dự hội nghị, bà là phóng viên báo Nhân Đạo. Trong đám đông, bà Madeleine luôn là một cô gái nổi bật vì gương mặt thanh tú, làn da trắng hồng, mái tóc đen dài và đôi mắt sâu hút hồn.
Ở Liên hoan ấy, Nguyễn Đình Thi và Madeleine gặp gỡ lần đầu tiên và ngay lập tức trúng tiếng sét ái tình. Tuy nhiên, vì đang mang trọng trách riêng nên họ chỉ dừng lại ở ánh mắt, nụ cười và cái bắt tay xã giao đúng kiểu quan hệ đối ngoại.
Thế nhưng, tình yêu vốn dĩ có sức hút kỳ lạ, khiến ai đã lỡ trúng mũi tên của thần tình ái dù cố gắng đến đâu cũng chẳng thể giấu được. Nguyễn Đình Thi và Madeleine cũng như vậy, dù họ cố gắng giữ khoảng cách nhưng vẫn chẳng thể giấu được những “tín hiệu bất thường” dành cho nhau. Nhiều người tại Liên hoan đã nhận ra điều này, trong đó có nhà văn người Thổ Nhĩ Kỳ Nazim Hikmet và ông chính là người đã giúp họ trở nên gần gũi, thân thiết hơn. Liên hoan kết thúc, Nguyễn Đình Thi và Madeleine chia tay trong lưu luyến.
Mối tình xuyên biên giới
Sau Liên hoan, Nguyễn Đình Thi và Madeleine duy trì tình yêu “xuyên lục địa” bằng thư tín. Họ gửi yêu thương, nỗi nhớ nhung và cả những lời động viên nhau qua những cánh thư, những tấm bưu thiếp.
Những ngôn từ lãng mạn ấy đã thổi bùng yêu thương trong họ. Thế nên, dù xa nhau cả châu lục, tình cảm của họ chẳng phai mờ mà ngày càng nồng thắm theo thời gian.
Nhà thơ Huy Cận trong bài Thương và nhớ bạn Nguyễn Đình Thi (Văn nghệ, số 17 - 18 năm 2003) đã kể rằng: "Cuối năm 1951, một hôm tôi nhận được bức thư của chị Ma-đơ-len Ri-phô gửi cho anh Thi, nhờ tôi chuyển. Ngoài phong bì có đề "Xin mở xem thư và nhớ học thuộc lòng càng tốt, để đọc lại cho anh Thi nghe, nhỡ mà thư có thể trôi mất hoặc ướt khi qua suối qua đèo".
Tôi mở thư ra đọc, bắt đầu bằng hai câu ca dao Việt Nam: "Ông tơ ghét bỏ chi nhau - Chưa vui sum họp đã sầu chia phôi" và "Đôi ta làm bạn thong dong - Như đôi đũa ngọc nằm trong mâm vàng", tiếp theo là thư bằng tiếng Pháp. Cuối tháng anh Thi mới gặp tôi, tôi đọc cả bức thư cho anh Thi nghe rồi mới giao thư...”.
Với nhà thơ Nguyễn Đình Thi, tình yêu dành cho Madeleine không chỉ nồng nàn qua những cánh thư gửi nàng mà còn được ông gửi vào những câu thơ bất hủ. Trong suốt những năm tháng chiến tranh, ông đã viết nhiều bài thơ tình tặng bà, nhưng người ta nói đến nhiều nhất là bài Nhờ.
Ông đã sáng tác bài thơ này trong chiến dịch Điện Biên Phủ. Trong một lần nghỉ chân khi vượt lên đỉnh đèo Pha Đin, Nguyễn Đình Thi đã viết những ca từ tha thiết để tặng người con gái mình yêu. Anh yêu em như anh yêu đất nước/ Vất vả đau thương tươi thắm vô ngần/ Anh nhớ em mỗi bước đường anh bước/ Mỗi tối anh nằm mỗi miếng anh ăn/ Ngôi sao trong đêm không bao giờ tắt/ Chúng ta yêu nhau chiến đấu suốt đời/ Ngọn lửa trong rừng bập bùng đỏ rực/ Chúng ta yêu nhau kiêu hãnh làm người... là những câu thơ đong đầy yêu thương Nguyễn Đình Thi dành “Tặng M.” (tức Madeleine).
Bài thơ Nhớ của Nguyễn Đình Thi được đánh giá là một trong những bài thơ tình hay nhất thời kỳ kháng chiến chống Pháp. Bài thơ không nhắc đến một người cụ thể mà sử dụng đại từ nhân xưng, em. Vì vậy mà, Nhờ là tâm trạng chung của mỗi chiến sĩ trên bước đường chiến đấu. Nhưng, với những ai biết được hoàn cảnh ra đời của bài thơ thì sẽ thấy sự tinh tế của tác giả khi “mượn cái chung để thổ lộ tình riêng”.
Năm 1955, 1956, Madeleine Riffaud thường xuyên qua Việt Nam và đây là quãng thời gian hai người gặp nhau. Thế nhưng, vì hoàn cảnh mà họ lại chẳng thể cùng nhau dưới một mái nhà. Trong hoàn cảnh chiến tranh ấy, dù đồng điệu và cùng chung chí hướng nhưng không phải muốn đến với nhau là có thể được. Họ được khuyên “tốt nhất cứ mãi là bạn!” và cả hai đành phải chấp nhận lời khuyên ấy dù con tim đau đến quặn thắt.
Nói là xa, nhưng với nhớ nhung cháy bỏng của một người đàn bà yêu, cộng với niềm trắc ẩn của một nữ nhà báo cách mạng, Madeleine vẫn thường qua lại Việt Nam để gặp Nguyễn Đình Thi và để viết lên những tiếng nói phản ánh cuộc kháng chiến vệ quốc của dân tộc Việt Nam đến bạn bè quốc tế. Bản thân Nguyễn Đình Thi cũng cần mẫn gửi yêu thương cho bà Madeleine bằng những cánh thư.
Mặc dù họ không nên duyên vợ chồng nhưng sự thủy chung mà Madeleine dành cho Nguyễn Đình Thi khiến nhiều người ngưỡng mộ. Madeleine, dù là người phụ nữ xinh đẹp nhưng đã lựa chọn cuộc sống một mình.
Trong căn hộ của mình, bà dành hẳn một căn phòng để trưng bày các kỷ vật liên quan đến Nguyễn Đình Thi. Choán hết bức tường là ảnh chân dung Nguyễn Đình Thi được phóng to bằng cỡ người thật, la liệt dưới tấm chân dung ấy là những kỷ vật của một thời yêu nhau trong xót xa... Bà cũng chính là người đưa các tiểu thuyết của Nguyễn Đình Thi ra khỏi biên giới Việt Nam.
Ở Việt Nam, Nguyễn Đình Thi cũng trân trọng những kỷ vật của Madeleine như báu vật. Chuyện kể rằng, khi thấy sức khỏe của mình ngày một yếu đi, Nguyễn Đình Thi đã trao cho con trai thứ một chiếc cặp cũ và căng phồng với lời dặn: “Sau khi bố mất mới được mở ra. Tùy con định liệu...”.
Ngày ông mất (18/4/2003), chiếc cặp cũ được mở và trong đó có gần 1.000 bức thư, bưu thiếp, những lời yêu thương cháy bỏng Nguyễn Đình Thi và Madeleine trao nhau trong suốt cuộc yêu thương gần nửa đời người. Đến nay, câu chuyện của họ vẫn được người ta nhắc nhớ với sự ngưỡng mộ dành cho mối tình đẹp hiếm có.
Nguồn: Tổng hợp