Vừa qua, Thành uỷ Hà Nội đã có Chỉ thỉ đề xuất nghiên cứu đưa môn “Hà Nội học” vào giảng dạy trong hệ thống các trường ở Thủ đô.
Đề xuất này nhằm hướng tới mục tiêu xây dựng môi trường giáo dục lành mạnh, đưa nhà trường thực sự trở thành cái nôi nuôi dưỡng, bồi đắp nhân cách, đạo đức, lối sống… cho thế hệ trẻ Thủ đô, hướng tới hệ giá trị văn hóa và chuẩn mực con người Việt Nam trong thời kỳ mới.
Trước nội dung này Người Đưa Tin (NĐT) đã có cuộc trao đổi với TS. Lê Thị Thu Hương - Trưởng Khoa Văn hoá &Du lịch, Trường Đại học Thủ đô Hà Nội, cũng là là chủ nhiệm Đề án “Bồi dưỡng kiến thức Hà Nội học cho giáo viên phổ thông trên địa bàn Thành phố Hà Nội giai đoạn 2021 - 2025, định hướng đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045
Môn “Hà Nội học” là gì?
NĐT: Thưa bà, sự cần thiết của việc đưa việc đưa “Hà Nội học” trở thành một môn học chính thức trong các trường của thành phố có ý nghĩa như thế nào đối với học sinh?
TS. Lê Thị Thu Hương: Thành ủy Hà Hội vừa ra Chỉ thị số 30-CT/TU "Tăng cường sự lãnh đạo của cấp ủy Đảng về xây dựng người Hà Nội thanh lịch, văn minh", trong đó có nội dung: "Nghiên cứu đưa môn “Hà Nội học” vào giảng dạy trong hệ thống các trường ở Thủ đô".
Việc đưa môn Hà Nội học vào dạy tại các trường ở Thủ đô giúp cho học sinh hiểu hơn về vùng đất, con người Hà Nội, phát huy các giá trị vốn có của mảnh đất ngàn năm văn hiến, từ đó tăng thêm lòng tự hào, khát vọng vươn lên của thế hệ trẻ để xây dựng Thủ đô tương xứng với vị thế vốn có của nó.
NĐT: Môn “Hà Nội học” sẽ có sự giống và khác đối với những tài liệu môn Giáo dục địa phương hiện hành như thế nào?
TS. Lê Thị Thu Hương: Hiện nay Trường Đại học Thủ đô Hà Nội đang chủ trì và kết hợp với Sở Giáo dục & Đào tạo Hà Nội triển khai Đề án: “Bồi dưỡng kiến thức Hà Nội học cho giáo viên phổ thông trên địa bàn Thành phố Hà Nội giai đoạn 2021 - 2025, định hướng đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045”. Kiến thức Hà Nội học ở đây chính là những kiến thức về địa phương Hà Nội.
Mục đích của Đề án là bồi dưỡng, trang bị thêm cho giáo viên kiến thức về Hà Nội trên các lĩnh vực: Địa lý, dân cư, tính cách người Hà Nội; Lịch sử hình thành và phát triển của vùng đất ngàn năm văn hiến; Các giá trị văn hóa của Hà Nội... để giáo viên có thêm kiến thức, tự tin hơn khi giảng dạy môn Giáo dục địa phương (một môn học bắt buộc trong Chương trình GDPT 2018, khi mà môn học này chưa có giáo viên được đào tạo như các môn học khác).
Như vậy nội dung kiến thức Hà Nội học mà Đề án đang triển khai chính là kiến thức nền tảng để giúp giáo viên tùy vào đối tượng học sinh của mình mà cung cấp kiến thức về Hà Nội (địa phương) cho phù hợp.
NĐT: Câu hỏi đặt ra ở đây là nội dung của môn “Hà Nội học” có thiên về góc nhìn nghiên cứu gây thêm “gánh nặng” cho học sinh?
TS. Lê Thị Thu Hương: Thực tế Hà Nội học là môn học nghiên cứu và phổ biến những tri thức về Hà Nội, về mối quan hệ tổng hòa giữa con người với thiên nhiên, con người với con người trên một địa bàn có lịch sử văn hiến ngàn năm.
Đồng thời Hà Nội học là một môn liên ngành nên rất cần sự nghiên cứu sâu và có sự tổng hợp. Khi đưa môn Hà Nội học vào dạy ở các nhà trường thì bên cạnh dựa vào kết quả nghiên cứu cơ bản đã có sẵn thì cũng rất cần người dạy cần có sự nghiên cứu ứng dụng để tùy vào đối tượng học sinh mà giảng dạy với các phương pháp, cách thức phù hợp.
Đối với học sinh, môn Hà Nội học sẽ trang bị kiến thức cơ bản về địa phương Hà Nội cho các em nhưng đồng thời còn định hướng để giúp học sinh tự nghiên cứu, tìm hiểu thêm về địa phương của mình. Việc nghiên cứu của học sinh xuất phát từ tình yêu Hà Nội, từ tính chủ động thì không thể coi là "gánh nặng"
Làm tốt việc dạy Hà Nội học ở các nhà trường sẽ tạo ra sức mạnh mềm để thế hệ trẻ thủ đô, nguồn nhân lực trẻ xây dựng Thủ đô Văn hiến - Văn minh - Hiện đại.
Cần có đội ngũ giáo viên được đào tạo bài bản
NĐT: Thưa bà, khi môn học này trở thành chính thức, việc trang bị kiến thức cho giáo viên, kỹ năng giảng dạy cần phải có lưu ý gì không?
TS. Lê Thị Thu Hương: Cần có sự chuẩn bị tốt về đội ngũ giáo viên giảng dạy Hà Nội học trong các nhà trường. Do đặc thù Hà Nội học là môn học liên ngành trong khi giáo viên ở các nhà trường đã được đào tạo là theo hướng chuyên ngành (Văn, Sử, Địa....) vì vậy cần phải xây dựng chương trình đào tạo, xây dựng mã ngành Hà Nội học đào tạo giáo viên. Việc đào tạo về lâu dài là phải đào tạo chính quy, có đủ thời gian như đào tạo các ngành học khác.
Hiện nay môn Giáo dục địa phương đã trở thành môn học bắt buộc trong Chương trình GDPT 2018 tuy nhiên Hà Nội cũng như cả nước giáo viên chưa được đào tạo chính quy như các môn học khác.
Thành ủy Hà Nội đã sớm nhận ra điều này nên trong Kế hoạch số 176, trong đó được cụ thể hóa ở Đề án "Xây dựng và phát triển đề án đào tạo giáo viên môn học Hà Nội học trong hệ thống giáo dục phổ thông trên địa bàn Thành phố Hà Nội".
Trước mắt trong bối cảnh chưa đào tạo được giáo viên chính quy thì việc bồi dưỡng kiến thức Hà Nội học cho đội ngũ giáo viên ở các chuyên ngành khác nhau tại các nhà trường để giải quyết khó khăn là hết sức cần thiết nên Thành phố đã giao cho Đại học Thủ đô chủ trì và thực hiện Đề án.
Đề án đang thực hiên các nhiệm vụ mà thành phố giao, trong quá trình bồi dưỡng về kiến thức Hà Nội học cho giáo viên thì vẫn có cả định hướng về phương pháp giảng dạy cho phù hợp với từng đối tượng học sinh.
Giáo viên dạy môn Hà Nội học cần có tình yêu Hà Nội thực sự, phải chủ động nghiên cứu tìm hiểu kiến thức về Hà Nội và có phương pháp sư phạm phù hợp với từng đối tượng học sinh. Giáo viên phải là người truyền cảm hứng cho học sinh, dẫn dắt học sinh, tạo ra niềm đam mê, cảm hứng cho học sinh khi học môn Hà Nội học.
NĐT: Đối với vấn đề biên soạn nội dung, biên soạn nội dung sách giáo khoa của môn “Hà Nội học” sẽ cần có những lưu ý và thách thức như thế nào, thưa bà?
TS. Lê Thị Thu Hương: Khi thiết kế đưa môn Hà Nội học vào giảng dạy ở các nhà trường sẽ căn cứ vào đối tượng học sinh và căn cứ vào quy định viết tài liệu địa phương của Bộ Giáo dục và Đào tạo. Do Hà Nội học là môn học tổng hợp, liên ngành, cần có sự tham gia của các chuyên gia, các nhà khoa học, các nhà sư phạm có những nghiên cứu sâu về các lĩnh vực của Hà Nội (lịch sử, địa lý, văn hóa,...) để xây dựng tài liệu, chương trình, bài dạy, phương pháp giảng dạy cho phù hợp từng đối tượng ở các cấp học khác nhau.
NĐT: Việc dạy môn học này sẽ được triển khai về nội dung đến các cấp học như thế nào, thưa bà?
TS. Lê Thị Thu Hương: Hiện nay tôi được biết Sở Giáo dục và Đào tạo Hà Nội vẫn đang triển khai viết tài liệu sách Giáo dục địa phương thành phố Hà Nội và giảng dạy ở các cấp học theo quy định của Bộ giáo dục và Đào tạo về viết tài liệu địa phương nói chung.
Nội dung của tài liệu này về cơ bản đã tiếp cận với Hà Nội học. Khi Hà Nội học có quyết định trở thành môn học thay thế tên gọi môn Giáo dục địa phương thành phố Hà Nội thì cần có sự thống nhất về tên tài liệu giảng dạy. Cần có sự chuẩn bị tốt về đội ngũ giảng dạy, cơ sở vật chất, phương tiện dạy học và quan trong nhất là tâm thế đón nhận của giáo viên và học sinh trong các nhà trường.
Theo Đề án “Bồi dưỡng kiến thức Hà Nội học cho giáo viên phổ thông trên địa bàn Thành phố Hà Nội giai đoạn 2021 - 2025, định hướng đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045”.
Hà Nội học là nghiên cứu tìm hiểu về Hà Nội và mối quan hệ tổng hòa giữa con người với con người, con người với thiên nhiên. Yếu tố cốt lõi của Hà Nội học là nghiên cứu chủ yếu về lịch sử và văn hóa Thủ đô nhưng cũng thông qua các dữ liệu về điều kiện tự nhiên, chính trị, hành chính, các hoạt động kinh tế, xã hội...
Nội dung bồi dưỡng kiến thức Hà Nội học sẽ bám sát vào môn học Giáo dục địa phương thành phố Hà Nội để cung cấp kiến thức tổng hợp và chuyên sâu về Hà Nội nhằm giúp đội ngũ giáo viên vững vàng về kiến thức để giảng dạy môn Giáo dục địa phương thành phố Hà Nội ở các cấp học.
Kiến thức Hà Nội học rất phong phú vì vậy sẽ lựa chọn những vấn đề cơ bản nhằm bồi dưỡng cho giáo viên phổ thông Hà Nội, giảng dạy cho sinh viên sư phạm đáp ứng được việc dạy môn Giáo dục địa phương. Cụ thể là:
- Đối với giáo viên phổ thông cấp Tiểu học: Biên soạn nội dung tập trung giới thiệu những vấn đề cơ bản về: Lịch sử hình thành và phát triển, truyền thống quê hương; địa lí, dân cư, cảnh quan thiên nhiên, môi trường tự nhiên; một số nội dung về kinh tế, xã hội, giáo dục đạo đức, lối sống liên quan đến bảo vệ môi trường tự nhiên tại địa phương. Thông qua nội dung này giúp giáo viên Tiểu học có kiến thức nền tảng khi tiến hành dạy cho học sinh, giúp học sinh bậc học này hiểu, biết và thực hành để thiết kế các bài học trải nghiệm cụ thể, tùy theo đối tượng học sinh, theo trục từ gia đình – nhà trường – xã hội trong bối cảnh và điều kiện thực tế của địa phương.
- Đối với giáo viên cấp THCS: Biên soạn các chuyên đề tập trung vào các nội dung giới thiệu về: Văn hoá, lịch sử, truyền thống; địa lý, kinh tế, hướng nghiệp; chính trị - xã hội, môi trường của địa phương trong bối cảnh hiện nay. Giúp giáo viên có kiến thức chuyên sâu và phương pháp để dạy môn Giáo dục địa phương thành phố Hà Nội ở cấp THCS.
- Đối với cấp THPT: Biên soạn các chuyên đề với các nội dung giới thiệu địa lý, kinh tế, xã hội, môi trường, hướng nghiệp,… những lĩnh vực ngành, nghề thế mạnh của địa phương hiện tại và tương lai. Nội dung này giúp giáo viên khi dạy môn Giáo dục địa phương thành phố Hà Nội truyền tải cho học sinh THPT, giúp học sinh định hướng được nghề nghiệp ngay khi còn ngồi trên ghế nhà trường, đáp ứng được nhu cầu phát triển nguồn nhân lực trên địa bàn Thành phố trong xu thế phát triển như hiện nay.