Một năm đã trôi qua kể từ khi Taliban áp đặt lệnh cấm phụ nữ làm việc trong các tổ chức phi chính phủ (NGO). Các biện pháp hạn chế đã khiến hàng chục nghìn phụ nữ Afghanistan không có cơ hội việc làm.
Lệnh cấm, được công bố lần đầu vào ngày 24/12/2022, cùng với các lệnh cấm khác, bao gồm cả lệnh cấm giáo dục cho phụ nữ tại các trường đại học, vẫn tồn tại, bên cạnh các lệnh mới hạn chế hơn nữa vai trò của phụ nữ Afghanistan trong lực lượng lao động. Những hạn chế mới nhất bao gồm cấm phụ nữ làm việc cho các cơ quan của Liên Hợp Quốc và đóng cửa tất cả các thẩm mỹ viện.
Tình hình ngày càng xấu đi
Trái ngược với những tuyên bố ban đầu cho thấy lệnh cấm chỉ là tạm thời, một năm sau, Taliban vẫn chưa dỡ bỏ các hạn chế đối với cơ hội việc làm của phụ nữ, dẫn đến hậu quả nghiêm trọng, bao gồm cả những thách thức kinh tế đáng kể đối với những phụ nữ trước đây từng làm việc ở nhiều vị trí khác nhau.
Bà Mariam, cựu đầu bếp của một tổ chức tư nhân, từng kiếm được 13.000 Afghani (tiền Afghanistan, = 4,5 triệu Đồng) để chu cấp cho gia đình. Giờ đây, bà chuyển sang dệt vải để phụ giúp gia đình vì trách nhiệm hoàn toàn đè nặng lên vai bà. Chồng của bà Maryam bị bệnh và bà là trụ cột duy nhất trong gia đình gồm 9 miệng ăn.
Bà Rozita, trụ cột duy nhất trong gia đình 6 thành viên, từng làm việc trong các tổ chức phi chính phủ và hiện thất nghiệp, đang bận rộn chuẩn bị đồ ăn ở Kabul. Bà kêu gọi Taliban cung cấp cho phụ nữ cơ hội làm việc trong nước. Bà nói: “Tôi là trụ cột trong chính ngôi nhà của mình. Gia đình chúng tôi có 6 người. Tôi đến đây vì kinh tế khó khăn nên chúng tôi mở một nhà hàng ở đây”.
Các tổ chức quốc tế, bao gồm cả Liên Hợp Quốc, đã nêu lên mối lo ngại về tác động của những hạn chế này, với một đánh giá chỉ ra rằng 86% hoạt động của các tổ chức phi chính phủ (NGO) ở Afghanistan đã bị dừng lại.
Tổ chức Lao động Quốc tế (ILO) báo cáo tỉ lệ việc làm của phụ nữ Afghanistan đã giảm 25% trong quý IV/2022. Con số này có thể đã tăng lên do các hạn chế bổ sung do Taliban áp đặt.
Một cuộc khảo sát của Liên Hợp Quốc vào tháng 6/2023 cho thấy 85% phụ nữ ghi nhận sự sụt giảm trong các hoạt động tạo thu nhập, trong đó 41% cho biết không có hoạt động tạo thu nhập nào cả. Các lệnh cấm giáo dục và lao động được coi là yếu tố góp phần tạo ra các cơ chế ứng phó tiêu cực, bao gồm cả lao động trẻ em và tảo hôn.
Với việc lệnh cấm phụ nữ làm việc trong các tổ chức phi chính phủ (NGO) đã bước sang năm thứ hai, Văn phòng Điều phối các vấn đề nhân đạo (OCHA) của Liên Hợp Quốc cho biết trong một báo cáo rằng lệnh cấm này đã có tác động lớn đối với nền kinh tế Afghanistan vốn dựa vào viện trợ nhân đạo, khiến tình hình ngày càng xấu đi.
Tác động tổng thể gây lo ngại
“Trong tương lai, chúng ta phải xây dựng một nền kinh tế tốt với sự hợp tác của phụ nữ và Tiểu vương quốc Hồi giáo phải xây dựng cơ chế phù hợp và cung cấp công việc cho phụ nữ trong các cơ quan chính phủ để phụ nữ có thể phục vụ cho xã hội”, ông Mohammad Nabi, một chuyên gia kinh tế người Afghanistan, cho biết.
Bà Shukria Barakzai, cựu Đại sứ Afghanistan tại Na Uy, cho biết nếu Taliban không dỡ bỏ những hạn chế này, họ sẽ không thể nhận được sự công nhận chính thức của quốc tế, ngược lại, các biện pháp trừng phạt bổ sung sẽ được áp đặt lên họ”.
Việc Taliban tiếp tục thực thi các hạn chế về làm việc, bao gồm cả lệnh cấm phụ nữ làm việc cho các tổ chức của Liên Hợp Quốc và tại các thẩm mỹ viện từ hồi tháng 4/2023, đã thu hút sự lên án toàn cầu. Cộng đồng quốc tế nhấn mạnh tầm quan trọng của việc dỡ bỏ những hạn chế này để bình thường hóa quan hệ với Taliban. Tuy nhiên, Taliban vẫn không đáp ứng những yêu cầu này.
“Ngay cả khi những chính sách này bị đảo ngược, khoảng thời gian đã mất này cũng không thể lấy lại được và không quốc gia nào có thể hoạt động, thịnh vượng và phát triển nếu không có sự tham gia của tất cả người dân và cơ hội cho tất cả mọi công dân nước đó”, chuyên gia về nhân quyền cho phụ nữ Heather Barr cho biết.
Mặc dù một số phụ nữ Afghanistan bị hạn chế tham gia vào các lĩnh vực cụ thể, nhưng tác động tổng thể của lệnh cấm làm việc vẫn là mối lo ngại lớn. Taliban tuyên bố rằng khoảng 150.000 phụ nữ đang làm việc trong lĩnh vực y tế và 200.000 người khác trong lĩnh vực giáo dục. Thực tế, chính những người này cho biết rằng họ nhận được mức lương ít ỏi và không được đóng vai trò tích cực.
Báo cáo từ các tổ chức liên kết với Liên Hợp Quốc nhấn mạnh rằng các hạn chế của Taliban đã làm trầm trọng thêm các cuộc khủng hoảng kinh tế và nhân đạo ở quốc gia Nam Á, nơi có khoảng 28 triệu người đang rất cần hỗ trợ nhân đạo, nhấn mạnh tầm quan trọng của sự tham gia của phụ nữ trong quá trình phục hồi.
Mặc dù phải đối mặt với những thách thức đang diễn ra, phụ nữ ở Afghanistan đã thể hiện sự kiên cường và tiếp tục đấu tranh cho các quyền cơ bản, thể hiện các khẩu hiệu như “bánh mì, công việc, tự do” – một năm kể từ khi có lệnh cấm việc làm cho phụ nữ.
Minh Đức (Theo Amu TV, TOLO News)