Ngay sau khi báo Người Đưa Tin đăng tải bài viết “Khóc thét, mua 10kg cua biển ‘ăn” 6kg dây buộc bằng vải xốp ngâm bùn”, nhiều độc giả của báo đã bày tỏ quan điểm chia sẻ với câu chuyện của vị khách hàng này.
Chị Nguyễn Thanh Huyền, ngõ 255 Cầu Giấy (Hà Nội) chia sẻ: “Thực tế việc dây buộc cua nặng ngang ngửa cua biển là một ví dụ điển hình cho việc buôn gián bán dối của nhiều người kinh doanh. Cua biển thì dây to bằng cua, cá thì cân cả nước, mua 1kg hoa quả về nhà cân lại chỉ còn 8 lạng, mua gà sống thì có đến 3-4 lạng diều… diễn ra rất phổ biến”.
Không chọn cách im lặng, chị Huyền thường chỉ mặt, đặt tên việc gian dối của người bán hàng nếu phát hiện ra. Nếu tiếp tục phát hiện hành vi tương tư lần sau, chị Huyền chọn cách tẩy chay sạp hàng đó. Tuy nhiên, nhiều bà nội trợ, người mua lại thường chọn cách im lặng sống chung với sự gian dối. Người tiêu dùng không sử dụng quyền tẩy chay của mình, cơ quan quản lý lại khó kiểm soát tới được từng sạp hàng, cửa tiệm…khiến những gian thương vẫn sống tốt, sống khỏe trong xã hội.
Đồng quan điểm với việc khách hàng phải tẩy chay các cơ sở kinh doanh gian dối, PGS.TS Đỗ Minh Cương, Chủ nhiệm bộ môn Văn hóa kinh doanh, ĐH Kinh tế, ĐH Quốc gia Hà Nội thẳng thắn cho rằng: “Việc tối thiểu nhất của đạo đức kinh doanh là trung thực thì chủ cơ sở kinh doanh buôn bán cua biển này cũng không làm được”.
PGS.TS Cương phân tích: “Khi nói đến đạo đức kinh doanh, văn hoá kinh doanh, văn hóa doanh nghiệp, công ty, người ta hay nói đến các tiêu chuẩn lớn như cái Tâm hay trừu tượng như cái Bản sắc... Nhưng tiêu chuẩn đầu tiên và cơ bản nhất, theo tôi, chỉ là sự trung thực, sự tôn trọng người khác của chủ thể kinh doanh, trước hết là với khách hàng. Đáng buồn, điều này lại đang thiếu trong cái tâm của nhiều người kinh doanh hiện nay. Sự gian dối, thiếu trung thực ...đang diễn ra phổ biến trong kinh doanh và mở rộng ra các lĩnh vực khác của xã hội cần được chúng ta lên án và ngăn chặn.
Chủ hàng còn công khai địa chỉ, lấy cua biển Cà Mau làm thương hiệu và quảng cáo cho cái thứ “văn hóa kinh doanh ma quỷ” của mình. Họ đang quá coi thường khách hàng và coi sự gian dối như một điều hiển nhiên mà “thượng đế” của họ phải chấp nhận. Tham vọng, khát vọng là động lực mạnh cho kinh doanh phát triển nhưng cần được thực hiện bằng phương thức không trái đạo đức, pháp luật thì mới bền lâu được”.
Theo PGS.TS Cương, những người như chủ cơ sở kinh doanh gian dối này đã làm ảnh hưởng tiêu cực tới thương mại điện tử non trẻ của nước ta và tới cả shipper (người chuyển hàng).
Có lẽ đã đến lúc, người tiêu dùng Việt Nam thể hiện quyền của mình để tẩy chay các cơ sở sản xuất, kinh doanh gian dối. Đó vừa là cách để người tiêu dùng tự giúp mình và giúp cho những người làm ăn chân chính có môi trường kinh doanh lành mạnh để tồn tại, phát triển.
Đỗ Thơm