Rau mầm
Rau mầm được nhiều người yêu thích vì giàu dinh dưỡng, dễ ăn, có tác dụng chống ngấy và giảm cân hiệu quả. Tuy nhiên, điều kiện để rau mầm phát triển là môi trường ấm và ẩm nên rau mầm rất dễ bị nhiễm các loại vi khuẩn như E.coli, Salmonella hay Listeria. Ngay cả khi rau được trồng trong điều kiện vệ sinh cũng vẫn có thể tạo ra vi khuẩn có hại. Vì thế hãy cân nhắc xào hoặc hấp sơ rau mầm trước khi chế biến để loại bỏ vi khuẩn độc hại. Ngoài ra lưu ý khi mua về nên dùng rau trong ngày hoặc bảo quản ở nhiệt độ 5 độ C tối đa trong vòng 4 - 5 ngày.
Hàu
Các chuyên gia cảnh báo hàu sống có thể bị nhiễm khuẩn Vibrio parahaemolyticus và Vibrio vulnificus. Cả hai loại vi khuẩn này đều gây tiêu chảy, nôn mửa và đau bụng. Đối với bệnh nhân bị bệnh gan, tiểu đường, ung thư, rối loạn dạ dày, hoặc bất kỳ bệnh nào khác ảnh hưởng đến hệ miễn dịch, vi khuẩn Vibrio vulnificus cực kỳ nguy hiểm. Nó có thể xâm nhập vào máu, gây nguy hiểm đến tính mạng. Không ít trường hợp bị nhiễm khuẩn máu do ngộ độc Vibrio vunlnificus đã tử vong. Tốt nhất nên ăn hàu chín để đảm bảo an toàn vệ sinh thực phẩm.
Thịt gà
Thịt gà cũng là một trong những thực phẩm dễ hỏng trong những ngày nóng bức, nhất là phần ức. Theo một báo cáo vào năm 2014, tốc độ nhân lên của vi khuẩn nhanh tới mức cứ sau mỗi 20 phút thì lượng vi khuẩn sẽ bị nhân đôi lên. Nếu như bạn để thịt gà ở nhiệt độ phòng trên 2 giờ thì tốt nhất hãy vứt bỏ để tránh nguy cơ ngộ độc.
Thịt xay
Trong quá trình xay, các phân tử thịt đã tiếp xúc rất nhiều với không khí, nếu như không bảo quản đúng cách sẽ rất dễ bị ngộ độc. Tại Hoa Kỳ từng bùng phát ngộ độc thực phẩm cho 12 người ở 4 bang với nguyên nhân liên quan tới thịt bò xay mà các gia đình tiêu thụ bị nhiễm khuẩn E.coli.
Cũng không loại trừ khả năng các loại máy, dụng cụ xay thịt được sử dụng ngày này qua ngày khác và trở thành nơi tích tụ vi khuẩn. Vì thế thịt xay là phần thịt có nguy cơ ôi thiu, hỏng mốc cao hơn hẳn so với các loại thịt khác. Để hạn chế tối đa việc thịt xay bị biến đổi chất lượng thì đối với thịt sống, nên bảo quản ở ngăn đá nhiệt độ từ -17 độ C tới -18 độ C; để ngăn mát nên duy trì ở nhiệt độ từ 1 độ C tới 3 độ C. Khi chế biến, thịt xay cần phải được nấu chín ở nhiệt độ từ 71 độ C trở lên.
Sữa tươi
Trong sữa có chứa một loại vi khuẩn gọi là Lactobacillus. Nhóm vi khuẩn này sinh sôi và phát triển nhanh hơn khi vào hè. Lời khuyên của các chuyên gia là nên bảo quản sữa trong tủ lạnh ở nhiệt độ từ 4 độ C - 6 độ C. Nhớ vặn chặt nắp hộp sữa để tránh bị nhiễm khuẩn chéo từ các thực phẩm khác.
Nói chung, các bà nội trợ cần tìm mua thực phẩm tươi ngon ở những địa chỉ uy tín, có chứng nhận chất lượng đồng thời nắm được cách bảo quản các thực phẩm dễ bị hỏng để tránh nguy cơ ngộ độc thực phẩm trong ngày hè.
Minh Hoa (t/h)