Mới đây, bệnh viện Da liễu TP.HCM vừa tiếp nhận một trường hợp bệnh nhân bị tai biến nặng do tự ý mua thuốc trên mạng để điều trị vảy nến.
Theo đó, bệnh nhân N.V.V. (64 tuổi, ngụ tại Đắk Lắk) nhập viện tại bệnh viện Da liễu TP.HCM trong tình trạng toàn thân đau nhức, sưng phù, da đỏ, nứt, tróc vảy, đi lại rất khó khăn.
Ông V. cho biết, ông bị vảy nến đã 4 năm nay nhưng tình trạng sức khỏe vẫn tốt. Mấy ngày trước, ông nghe người thân nói có loại thuốc dân tộc “đặc biệt” có thể điều trị khỏi hẳn bệnh vảy nến.
Sau đó, ông V. tìm hiểu và đặt mua của một nhà thuốc trên mạng, tổng cộng hết 200.000 đồng/tuýp. Hậu quả, sau khi bôi da của ông V. bị khô, đóng vảy và đỏ tấy sau 2 ngày. Quá đau đớn, ông V, nhập viện khẩn cấp.
Nói về bệnh tình ông V., BSCKII Nguyễn Vũ Hoàng, Phó trưởng khoa Lâm sàng 2, bệnh viện Da liễu TP.HCM, cho biết bệnh nhân V. bị viêm da tiếp xúc trên nền bệnh vảy nến.
Hiện bệnh nhân được điều trị bằng kháng sinh, kháng viêm và chăm sóc tại chỗ.
Cũng theo BS Hoàng, hiện nay bệnh vảy nến chưa có thuốc điều trị đặc hiệu nhưng y học có nhiều loại thuốc uống, thuốc bôi, thuốc thoa. Đặc biệt, thuốc sinh học có khả năng khống chế được bệnh vảy nến gần như hoàn toàn.
Để điều trị bệnh vảy nến đúng cách và tránh tai biến xảy ra, BS Hoàng khuyến cáo bệnh nhân không được tự ý mua thuốc. Bác sĩ đưa ra lời khuyên, khi bị bệnh về da, người dân cần đến khám tại các bệnh viện có chuyên khoa da liễu và điều trị theo chỉ dẫn của bác sĩ.
Các bác sĩ cũng khuyến cáo, với người bệnh vảy nến cần duy trì chế độ ăn đủ chất dinh dưỡng đặc biệt omega 3 làm tăng sức đề kháng. Có chế độ ăn để không thừa cân béo phì vì béo phì sẽ làm cho nguy cơ nhiều bệnh khác đặc biệt là tim mạch và giảm đáp ứng điều trị.
Bệnh nhân có tổn thương khớp nên luyện tập nhẹ nhàng; nên bơi để tăng hiệu quả điều trị. Đồng thời, duy trì đời sống tinh thần nhẹ nhàng, vui vẻ. Đây là bệnh không lây qua tiếp xúc, vì vậy cộng đồng không nên kỳ thị với người bệnh để giúp người bệnh có tinh thần vui vẻ, thoải mái.
Khải Nguyên (t/h)