“Mức sống tối thiểu không còn là ngày 3 bữa cơm, mỗi năm 2 bộ quần áo”

Nguyễn Thu Huyền

Nguyễn Thu Huyền

Thứ 6, 28/10/2022 11:06

Theo đại biểu Trương Trọng Nghĩa, để nguồn lực không bị quá tải, các đối tượng thu nhập thấp nhất cần được tăng lương ngay lập tức từ 1/1/2023.

Nguy cơ sa vào bẫy thu nhập trung bình

Sáng 28/10, Quốc hội tiếp tục thảo luận tại hội trường về phát triển kinh tế - xã hội. Đại biểu Trương Trọng Nghĩa (đoàn Tp.HCM) đánh giá cao điều hành của Chính phủ đã vượt qua cơn bão kinh tế - xã hội cấp độ mạnh trong năm đầu tiên của nhiệm kỳ.

Tuy nhiên, ông cũng cho rằng “phải trả dứt điểm một số món nợ tồn đọng của nhiệm kỳ trước”. Cụ thể, món nợ chuyển đổi cơ cấu kinh tế và nội hàm tăng trưởng, phát triển bền vững dựa trên kinh tế số, kinh tế tuần hoàn, kinh tế xanh với khoa học công nghệ và đổi mới sáng tạo..., cần chi phối trong phân bổ mọi nguồn lực và thành tích đánh giá của cán bộ công chức, viên chức. Phân bổ nguồn lực kém hiệu quả là lãng phí nguồn đầu tư.

Món nợ thứ 2 là giải quyết các dự án đầu tư thua lỗ, ngân hàng yếu kém đang để lại những gánh nặng kinh tế cực lớn và ngân sách Nhà nước, đè nặng lên đôi cánh phát triển kinh tế.

Tiêu điểm - “Mức sống tối thiểu không còn là ngày 3 bữa cơm, mỗi năm 2 bộ quần áo”

Đại biểu Trương Trọng Nghĩa kiến nghị phải tăng lương ngay từ 1/1/2023 (Ảnh: Quochoi.vn).

Đặc biệt, ông Nghĩa cho biết, đại đa số cử tri mong muốn Chính phủ và Quốc hội có giải pháp tháo gỡ ngay là giải quyết khó khăn cấp bách cho ngành y tế, từ đấu thầu thuốc, vật tư y tế đến đãi ngộ cán bộ y tế trong chính sách công.

Khẩn trương hoàn thành giải ngân đầu tư công, có ngay nghị quyết cải cách tiền lương của cán bộ công chức, viên chức với nguyên tắc thu nhập phải đủ để người lao động tái sản xuất, mở rộng sức lao động và chăm lo cho gia đình.

“Xin lưu ý mức sống tối thiểu hiện nay không chỉ là ngày 3 bữa cơm, năm 2 bộ quần áo như thời bao cấp. Trước mắt, để nguồn lực không bị quá tải, các đối tượng thu nhập thấp nhất cần được tăng lương ngay lập tức từ 1/1/2023, cần quan tâm đến các đối tượng y tế, giáo dục, người hưởng lương hưu và hưởng trợ cấp”, ông Nghĩa nhấn mạnh.

Với người thu nhập cao hơn thì tăng chậm và ít hơn để chia sẻ khó khăn chung. Tiến tới ban hành luật về lương tối thiểu. “Nếu không có biện pháp này thì việc vượt thu ngân sách hay tăng GDP từ 3.900 lên 4.700 USD/người cũng như các thành tích khác của 2022 không có nhiều ý nghĩa với người dân”, đại biểu nêu.

Bên cạnh đó, ông cho rằng cần đẩy mạnh kiềm chế lạm phát, kiên quyết xử lý đầu cơ thị trường; có chính sách cho thuê mua nhà cho người lao động thấp. Xử lý vấn nạn ngập lụt đô thị, đây đang là vấn nạn lớn gây cản trở đời sống hàng chục triệu người dân, có cả bộ phận lao động cấp cao đóng góp nguồn thu lớn.

Đặc biệt lại tập trung vào các đô thị lớn và du lịch như Phú Quốc, Đà Nẵng..., gây khó khăn cho việc phục hồi du lịch cũng như hoàn thành mục tiêu thu hút 8 triệu khách quốc tế năm 2023.

Ngoài ra, nợ tư nhân phi tài chính lên tới khoảng 140% GDP, tỉ lệ không nhỏ là trái phiếu do doanh nghiệp bất động sản phát hành, rủi ro cao, nguy cơ tác động dây chuyền khi có biến động thị trường...

“Nếu không vượt qua những thách thức này có nguy cơ sa vào bẫy thu nhập trung bình, tức là phải tạm biệt khát vọng trở thành nước thu nhập trung bình cao vào năm 2030 và phát triển thu nhập cao vào năm 2045”, ông Nghĩa cảnh báo.

Quy trình thủ tục mất rất nhiều thời gian

Đề cập đến chủ trương phòng, chống tham nhũng, tiêu cực của Trung ương, đại biểu Đỗ Thị Lan (đoàn Quảng Ninh) ghi nhận việc này được thực hiện quyết liệt, 12 dự án chậm tiến độ kém hiệu quả nhiều năm cũng đã được khảo sát thực tế, đề xuất phương án.

Tiêu điểm - “Mức sống tối thiểu không còn là ngày 3 bữa cơm, mỗi năm 2 bộ quần áo” (Hình 2).

Đại biểu Đỗ Thị Lan (Ảnh: Quochoi.vn).

Phản ánh một số bất cập về tài chính ngân sách, nữ đại biểu cho biết vẫn còn một số lĩnh vực chưa đạt mục tiêu, tỉ lệ giải ngân vốn đầu tư công mới đạt 46,7%, vốn đầu tư phát triển của ba chương trình mục tiêu quốc gia đạt 3,68%, các chính sách tài khóa tiền tệ thực hiện Nghị quyết 43 của Quốc hội mới đạt 20%.

"Các tỉ lệ này là rất chậm, ảnh hưởng tới mục tiêu phát triển, phục hồi kinh tế - xã hội năm 2022 và có thể ảnh hưởng đến mục tiêu của các nhiệm vụ 2021-2025", bà Lan nói.

Vị đại biểu lý giải nguyên nhân giải ngân chậm chủ yếu là do việc ban hành các văn bản hướng dẫn triển khai thực hiện còn chậm, còn vướng mắc, một số cơ chế chính sách phân cấp cho các địa phương khó cụ thể, phải trải qua quy trình mất rất nhiều thời gian.

Bên cạnh đó, công tác phân bổ vốn, giao vốn còn chậm, hết tháng 9/2022, mới hoàn thành giao vốn cho các địa phương. Do đó, đại biểu tỉnh Quảng Ninh đề nghị Chính phủ có giải pháp khắc phục những hạn chế trên, đẩy nhanh tiến độ ban hành các văn bản hướng dẫn, thực hiện các chương trình mục tiêu, rút ngắn thời gian phân bổ vốn, giao vốn các chương trình.

Tiêu điểm - “Mức sống tối thiểu không còn là ngày 3 bữa cơm, mỗi năm 2 bộ quần áo” (Hình 3).

Đại biểu Phạm Văn Hoà (Ảnh: Quochoi.vn).

Cũng nhận xét về giải ngân đầu tư công, đại biểu Phạm Văn Hoà (đoàn Đồng Tháp) đề nghị Chính phủ lưu ý các bộ, ngành, địa phương giải ngân thấp.

“Một trong những nguyên nhân theo báo cáo thẩm tra là tình trạng vốn chờ dự án, dự kiến vốn trước rồi mới làm các bước hồ sơ sau, trong đó có vốn ODA. Nên có tình trạng bộ, ngành xin trả lại vốn vì hồ sơ chưa đầy đủ, gây áp lực lớn cho ngân sách phải trả lãi, trần nợ công cao mà chưa giải ngân được”, ông Hoà nêu.

Đại biểu Hòa đề nghị Chính phủ chỉ đạo quyết liệt các nơi giải ngân chậm, kiên quyết điều chuyển vốn những nơi giải ngân chậm sang các nơi giải ngân tốt thiếu vốn, để kích thích cho các địa phương, bộ, ngành làm tốt công tác giải ngân.

Cảm ơn bạn đã quan tâm đến nội dung trên. Hãy tặng sao để tiếp thêm động lực cho tác giả có những bài viết hay hơn nữa.
Đã tặng: 0 star
Tặng sao cho tác giả
Hữu ích
5 star
Hấp dẫn
10 star
Đặc sắc
15 star
Tuyệt vời
20 star

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bình luận không đăng nhập

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.