Ngày nay, chúng ta nói nhiều hơn về quyền con người, chúng ta đấu tranh cho quyền bình đẳng, chúng ta chiến đấu mỗi ngày cho số phận và tương lai của bản thân. Những giá trị này, đều vô cùng cần thiết và ý nghĩa, nhưng để có được điều ấy, đã có một thế hệ bước qua địa ngục mang tên chiến tranh và chiến đấu cho duy nhất một điều mà ngày nay chúng ta nghiễm nhiên có – hòa bình.
Trao đổi với PV Người đưa tin pháp luật, nhà văn Nguyễn Văn Thọ cho biết: “Trong vòng 11 năm chiến tranh, tôi đã tham gia hơn 400 trận chiến. Mỗi lần cao xạ nổ súng, địch vào địch ra được tính là một trận. Tôi tham gia 6 chiến dịch, 2 chiến dịch chống lại đánh phá không quân Mỹ tại miền Bắc, sau đó từ năm 1969 tôi vào miền Nam, Lào và Tây Nguyên tham gia 4 chiến dịch lớn. Thời kì đó là thời khốc liệt nhất, gian khó nhất của cách mạng chống Mỹ cứu nước ở miền Nam - Việt Nam.
Có rất nhiều những trận chiến nguy hiểm, những lần địch đứng ở trên, chiến sĩ ta bị dưới tầm B52 là chuyện bình thường, kẻ địch trút bom napan và bom hóa học. Trận đánh ở đường chín nam Lào cũng vậy, địch chặn ở trên mà ngày nào cũng ba tốp B52 thả bom, máy bay F-4h và L-19 đánh triền miên ngày này qua ngày khác, tôi đã đứng trước cái chết, cái thử lửa của thời gian.
Tôi gọi đó là địa ngục vì không chỉ chết do bom đạn mà còn chết vì bệnh tật, vì đói, vì sốt rét. Những người lính ra đi bởi tinh thần bảo vệ cho một nền độc lập và sự toàn vẹn lãnh thổ của Quốc gia. Họ gắn bó với nhau bởi tình đồng đội, mang lòng yêu thương nhau ở mặt trận, đã tạo nên một sức mạnh tổng hợp, đoàn kết để trở thành một lực lượng không kẻ thù nào có thể đập vỡ.”
Nhà văn Nguyễn Văn Thọ là một hình tượng của người chiến sĩ cầm bút trên trận mạc, với một vốn sống thăng trầm, những trang viết của ông về mảng đề tài chiến tranh vẫn còn khét lẹt “mùi thuốc súng”.
Chia sẻ về tác phẩm Mùi thuốc súng, nhà văn Nguyễn Văn Thọ cho hay: “Tác phẩm Mùi thuốc súng, kể về bi kịch chiến tranh của một gia đình người lính xa nhà đi chiến đấu 12 năm. Bi kịch chiến tranh xảy ra không trừ một ai trong gia đình, từ người bố, người mẹ, người vợ và bản thân anh lính cùng những đứa con.
Truyện ngắn lột tả bi kịch qua từng chi tiết một, từng trường đoạn một, từng câu nói một. Trong đó có những câu nói bản thân tôi đọc lại cũng khóc. Khi anh lính ra đi 12 năm, gia đình nhận được tin báo tử. Những người con trai trong dòng họ cũng đã chết, người cha muốn có một người nam giới để giữ đất, giữ ruộng nên đã cố tình ngủ với người con dâu để đẻ ra một đứa con cho mình, cho dòng họ và sau đó ông đã tự tử vì biết đó là việc trái với luân thường đạo lý. Đến lúc anh lính trở về nhà, anh thấy rất đau khổ vì hằng đêm phải nằm bên cạnh đứa con gái và đứa em trai của mình. Tác phẩm mùi thuốc súng phản ánh điều đó, nó lên án những cuộc chiến tranh. Chúng ta cần phải chống lại chiến tranh và bảo vệ sự hòa bình. Sau những chiến thắng từ các cuộc kháng chiến vừa rồi, làm sao có thể giữ được hòa bình để cho các con, các cháu có điều kiện ăn học, điều kiện xây dựng đất nước không phải khổ như thế hệ của chúng ta.”
Chúng ta được sinh ra trong hòa bình, đó là một điều may mắn. Chúng ta được học tập, được theo đuổi đam mê, được sống đúng với những giá trị của bản thân đó là hạnh phúc. Nếu trong “Mùi thuốc súng” đã phản ánh những bi kịch do chiến tranh thì ngày nay chúng ta may mắn được làm chủ cuộc đời và cả bi kịch của bản thân.
Năm 2020, đánh dấu thời điểm quan trọng khi cả thế giới phải đứng trước một dịch bệnh đã cướp đi nhiều sinh mạng. Dù không có máu đổ xuống, không có tiếng súng vang lên nhưng sau cùng vẫn là những mất mát, chia ly. Qua đây giá trị của hòa bình được thể hiện rõ hơn bao giờ hết, để thấy rằng đã có một thế hệ quyết hi sinh thân mình để có được độc lập dân tộc!
Chúc mừng ngày Quốc Khánh của dân tộc mùng 2 tháng 9! Ngày của lịch sử được thiết lập! Của tiếng gọi sự may mắn, của niềm hạnh phúc, của tự do đã vang lên giữa quảng trường Ba Đình ngày hôm ấy.