Muốn cấm ăn thịt chó thì phải được quy định trong văn bản luật

Muốn cấm ăn thịt chó thì phải được quy định trong văn bản luật

Trịnh Công Đức

Trịnh Công Đức

Thứ 6, 14/09/2018 08:00

Tại Việt Nam muốn cấm ăn thịt chó thì phải được quy định trong văn bản luật. Những văn bản dưới luật không được phép ban hành lệnh cấm khi mà lĩnh vực đó luật không cấm.

Liên quan đến việc UBND TP.Hà Nội vừa có văn bản đẩy mạnh phòng bệnh dại, khuyến cáo người dân nên từ bỏ thói quen ăn thịt chó, mèo đang khiến dư luận vô cùng xôn xao.

Nhìn nhận dưới góc độ pháp lý về việc này, ngày 13/9, trao đổi với PV báo Người Đưa Tin, Thạc sĩ, luật sư Đặng Văn Cường - Trưởng văn phòng Luật sư Chính Pháp, đoàn luật sư TP.Hà Nội cho biết: “Có thể nói ăn thịt chó là một thói quen từ lâu của nhiều người Việt Nam và có thể được nhìn nhận là một nét văn hóa ẩm thực.

Việc ăn thịt chó đôi khi là do văn hóa, tín ngưỡng của từng quốc gia, dân tộc chứ không phải là “văn minh” hay không, như Hàn Quốc cũng là một quốc gia có văn hóa ăn thịt chó”.

Góc nhìn luật gia - Muốn cấm ăn thịt chó thì phải được quy định trong văn bản luật
Luật sư Đặng Văn Cường.

Theo luật sư Cường, mỗi nơi có một nét văn hóa, phong tục khác nhau và ở Việt Nam thì ăn thịt chó là một nét văn hóa. Xét về ẩm thực thì thịt chó là một món ăn giàu chất dinh dưỡng, là món khoái khẩu của nhiều người.

Tuy nhiên, có thể do hiện nay phát sinh nạn trộm chó, những vấn đề về tình cảm, tâm linh dẫn đến một bộ phận người dân phản đối việc ăn thịt chó. Thậm chí có nhiều ý kiến cho rằng, Việt Nam nên có lệnh cấm buôn bán, tiêu thụ, giết mổ chó, mèo để người dân từ bỏ thói quen ăn thịt chó, mèo. Song cho đến nay đây vẫn chỉ là quan điểm của một bộ phận người dân còn chính quyền vẫn chưa có chủ trương trong vấn đề này.

“Việc vận động giảm dần việc ăn thịt chó, khuyến cáo người dân, cơ sở kinh doanh không giết thịt chó, mèo một cách dã man, tàn bạo,... xử lý nghiêm minh nạn trộm chó,… sẽ khả thi hơn là cấm giết mổ, tiêu thụ, ăn thịt chó. Bởi lẽ, hiện tại chưa có cơ sở pháp lý cho việc cấm này.

Chó không nằm trong danh mục các loại động vật nguy cấp, quý, hiếm thuộc nhóm IB (nhóm các loài động vật nghiêm cấm khai thác vì mục đích thương mại) cũng như nhóm IIB (nhóm các loài động vật hạn chế khai thác vì mục đích thương mại) quy định tại Nghị định số 32/2006/NĐ-CP ngày 30/3/2006 của Chính phủ về quản lý thực vật rừng, động vật rừng nguy cấp, quý, hiếm”, luật sư Cường nêu quan điểm.

Góc nhìn luật gia - Muốn cấm ăn thịt chó thì phải được quy định trong văn bản luật (Hình 2).
Hà Nội liệu có thể cấm bán thịt chó từ năm 2021 (Ảnh minh họa).

Theo Nghị định 32/2006/NĐ-CP của Chính phủ thì: “Nghiêm cấm chế biến, kinh doanh động vật rừng nguy cấp, quý, hiếm nhóm IB và sản phẩm từ chúng vì mục đích thương mại” và “Hạn chế chế biến, kinh doanh động vật rừng nguy cấp, quý, hiếm nhóm IIB và sản phẩm từ chúng vì mục đích thương mại”. Như vậy chó không phải là động vật bị hạn chế hay cấm chế biến, kinh doanh. Bên cạnh đó luật Doanh nghiệp cũng không cấm, hạn chế kinh doanh thịt chó.

Do đó, nếu muốn ra lệnh cấm bán, ăn thịt chó thì chưa đủ cơ sở pháp lý và không phù hợp với các quy định của pháp luật hiện hành.

Tại Việt Nam, muốn cấm ăn thịt chó thì phải được quy định trong văn bản luật và chỉ có Quốc hội mới có quyền quyết định. Những văn bản dưới luật không được phép ban hành lệnh cấm khi mà lĩnh vực đó luật không cấm.

Ngoài ra, luật sư Cường còn cho hay, trên thế giới cũng chỉ có ít quốc gia cấm buôn bán, tiêu thụ, giết mổ kinh doanh, ăn thịt chó và đa phần các quốc gia không ăn thịt chó là do văn hóa, tín ngưỡng, phong tục chứ không phải do lệnh cấm từ chính quyền.

Cần phân biệt tình cảm giữa chó nuôi ở nhà làm bạn và chó nuôi để lấy thịt. Trong một xã hội văn minh nên hạn chế tối thiểu lệnh cấm, các quy định cấm đoán đối với người dân.

Trước đó, ngày 10/9, UBND TP.Hà Nội có văn bản khuyến cáo người dân nên từ bỏ thói quen ăn thịt chó, mèo.

UBND TP.Hà Nội cho rằng, bên cạnh việc quản lý chặt các cơ sở giết, mổ, kinh doanh thịt chó, mèo đồng thời còn yêu cầu chính quyền cấp dưới tuyên truyền về nguy cơ, tác hại mắc các bệnh truyền nhiễm như: bệnh dại, bệnh xoắn khuẩn, bệnh tả... khi sử dụng thịt chó, mèo.

Việc kinh doanh, giết mổ, sử dụng thịt chó, mèo gây ra những hình ảnh phản cảm đối với du khách quốc tế và người nước ngoài đến làm việc, sinh sống tại Hà Nội, làm ảnh hưởng đến hình ảnh thủ đô văn minh hiện đại.

Công Đức

Cảm ơn bạn đã quan tâm đến nội dung trên. Hãy tặng sao để tiếp thêm động lực cho tác giả có những bài viết hay hơn nữa.
Đã tặng: 0 star
Tặng sao cho tác giả
Hữu ích
5 star
Hấp dẫn
10 star
Đặc sắc
15 star
Tuyệt vời
20 star

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bình luận không đăng nhập

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.