Tiếp tục phiên hội thảo trong chuỗi diễn đàn cấp cao do Ban Kinh tế Trung ương chủ trì, hội thảo chuyên đề 8 được tổ chức với nội dung “Chuyển đổi lao động và phát triển nguồn nhân lực số trong tiến trình công nghiệp hóa, hiện đại hóa đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045”.
Tại hội thảo, Thứ trưởng Bộ GD&ĐT Hoàng Minh Sơn cho rằng, sự tiến bộ của công nghệ và sự thay đổi của thế giới trong thời gian qua đã tác động mạnh mẽ ở mức độ toàn cầu tới mọi lĩnh vực chính trị, kinh tế, văn hóa, giáo dục của các nước, trong đó có Việt Nam.
Sự tác động này ảnh hưởng rất lớn tới cơ cấu các ngành nghề trong từng lĩnh vực, yêu cầu về nguồn nhân lực, về trình độ, về cơ cấu ngành nghề, yêu cầu năng lực của người lao động cũng như phương pháp tiếp cận với giáo dục và phát triển nguồn nhân lực phải thay đổi.
Trong bối cảnh đó, chuyển đổi số cũng là một xu hướng tất yếu, đặt ra với những yêu cầu mới cho chất lượng, số lượng nguồn nhân lực, cũng như phương pháp, công cụ để phát triển nguồn nhân lực.
“Hơn bao giờ hết Việt Nam cần phải có sự thay đổi, chuyển đổi mạnh về cơ cấu số lượng, chất lượng, loại hình lao động, theo đó nguồn nhân lực số chất lượng cao, trình độ cao cần đầu tư phát triển. Nguồn nhân lực chất lượng cao, trình độ cao phải có những năng lực mới, kiến thức nền tảng vững chắc, có những năng lực cốt lõi, đặc biệt là năng lực đổi mới sáng tạo, khả năng thích ứng với những công việc mới”, Thứ trưởng Hoàng Minh Sơn nhấn mạnh.
Theo Thứ trưởng, đứng trước những sự thay đổi này, ngành giáo dục và đào tạo xác định phát triển nguồn nhân lực số trong tiến trình công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước là một nhiệm vụ trọng tâm xuyên suốt và đặc biệt quan trọng.
Ông cho biết, Bộ GD&ĐT đang xây dựng Dự thảo chiến lược phát triển giáo dục đại học 2021 – 2030, tầm nhìn 2045 để trình Chính phủ vào cuối năm nay. Bộ cũng đã trình chính phủ Đề án tăng cường ứng dụng công nghệ thông tin và chuyển đổi số trong giáo dục và đào tạo.
Trong năm 2022, Bộ GD&ĐT sẽ tiếp tục xây dựng đề án phát triển nguồn nhân lực chất lượng cao phục vụ phát triển các lĩnh vực công nghệ cao trong phát triển công nghiệp 4.0. Trong đó, đẩy mạnh đổi mới chương trình, nội dung, phương pháp dạy học, phương thức tổ chức dạy và học, ứng dụng những thành tựu mới nhất của công nghệ thông tin.
Đồng quan điểm, ông Nguyễn Hồng Nghi - Phó Giám đốc Trung tâm Giải pháp giáo dục điện tử VNPT cho rằng: “Muốn hướng đến một nguồn nhân lực số và một nền công dân số trong tương lai thì không còn con đường nào khác là phải thực hiện chuyển đổi số giáo dục. Mục tiêu cốt lõi của chuyển đổi số trong ngành giáo dục là hướng đến một nền giáo dục thông minh”.
Theo chia sẻ của ông Nghi, hiện VNPT đang áp dụng một công thức là 5 – 6 – 9, tức là 5 giới hạn – 6 mức độ trưởng thành – 9 bước để thực hiện quá trình chuyển đổi số trong giáo dục.
Với chuyển đổi số trong giáo dục, 5 giới hạn sẽ được phá bỏ gồm: giới hạn về mặt thời gian, phá bỏ giới hạn về mặt không gian; phá vỡ về mặt nội dung; phá vỡ được phương pháp giảng dạy; phá vỡ được giới hạn năng lực trong giáo dục.
“Với VNPT, chúng tôi xem cả người học lẫn nhà giáo là trung tâm, thay vì chỉ coi học sinh là trung tâm theo phương thức truyền thống để đưa ra các giải pháp hỗ trợ cho quá trình giảng dạy”, ông nói.
Dẫn chứng về việc VNPT đang kết hợp với một số trường đại học như Đại học Quốc gia Hà Nội, Học viện Công nghệ Bưu chính Viễn thông để đồng hành, xây dựng ra các kiến trúc về giáo dục thông minh, ông Nghi cho biết, VNPT quan niệm với mỗi cơ sở giáo dục thì sẽ coi đó là một doanh nghiệp.
“Chúng tôi coi các cơ sở giáo dục là một doanh nghiệp, bởi họ cũng cần các hệ thống quản trị như quản trị về nguồn nhân lực, tài chính, nội bộ. Và cũng cần hệ thống về cơ sở dữ liệu ngành như lý lịch học sinh, sinh viên...”, ông nói.
Trong chia sẻ của mình, ông Nghi cho biết, hiện nay, VNPT đã có một hệ sinh thái dữ liệu giáo dục triển khai trên 63 tỉnh thành phố, trên 30.000 điểm trường với 9 triệu học sinh và 600.000 giáo viên mỗi năm.
Bài toán đặt ra với VNPT là khi xây dựng thì luôn chú trọng đáp ứng các tiêu chuẩn thông tư, nghị định của Nhà nước cũng như ứng dụng các tiêu chuẩn của thế giới. Cùng với đó, phải hướng tới một hệ sinh thái dữ liệu đầy đủ, không rời rạc mà phải có sự liên kết với nhau….