Việc thu hút người tài làm việc trong khu vực cơ quan Nhà nước đã được nhắc đến rất nhiều. Đặc biệt, hội nghị Trung ương 6, ban Chấp hành Trung ương Đảng khoá XII vừa qua nhấn mạnh, xây dựng cơ chế cạnh tranh, công khai, minh bạch trong tuyển dụng, bổ nhiệm, đề bạt cán bộ để thu hút người thực sự có đức, có tài vào làm việc trong các tổ chức của hệ thống chính trị.
Liên quan đến vấn đề rất thời sự này, PV báo Người Đưa Tin đã nhận được những ý kiến sâu sắc từ các chuyên gia, đại biểu Quốc hội.
PGS.TS Võ Kim Sơn, nguyên Trưởng khoa Quản lý Nhà nước và nhân sự, học viện Hành chính Quốc gia nhấn mạnh: “Tôi cho rằng, muốn thu hút người tài, chúng ta phải “vẽ” được chân dung của họ là như thế nào. Qua đó, ta phải đi tìm và đưa được họ vào làm ở khu vực cơ quan Nhà nước. Dù người tài đó có ở nước ngoài hay trong nước, khu vực tư nhân, chúng ta cũng phải có chính sách hiệu quả để thu hút họ".
Cũng theo chia sẻ của ông Sơn: "Khi thu hút được người tài, phải làm sao tạo động lực cho họ cống hiến, làm việc. Lương, thu nhập là một phần nhưng còn nhiều yếu tố khác nữa. Tôi ví dụ, chúng ta có cho họ ngồi đúng vị trí xứng đáng không, chỗ ngồi đó có phát huy được hết năng lực, kiến thức, tư duy của họ không? Nếu họ là người tài mà không đặt họ vào cái ghế như Lưu Bị trọng dụng Khổng Minh thì làm sao giữ chân họ được.
Cuối cùng là tư duy, suy nghĩ, đóng góp của người tài phải được xem xét, đánh giá, ghi nhận. Nếu thấy đúng, chúng ta phải áp dụng và đấy là công lao của họ. Làm được như vậy, người tài mới có động lực đóng góp và cống hiến”.
Đồng quan điểm về việc phải thu hút được người tài làm việc trong các cơ quan Nhà nước, Đại biểu Quốc hội Ngọ Duy Hiểu, Phó Trưởng đoàn Đại biểu Quốc hội TP.Hà Nội chia sẻ: “Về cách chọn người tài, đức, tôi thấy tiền nhân đã có những cách chọn và dùng người rất hay đến nay vẫn còn nguyên giá trị, chúng ta phải học tập. Muốn chọn được người thực sự tài, đức, đòi hỏi người đứng đầu phải rất khách quan, sâu sát và có tiêu chí rõ ràng, chuẩn mực. Phải nhìn con người qua kết quả công việc, sự thẳng thắn, trung thực, thật thà, liêm khiết, cách ứng xử của họ với nhân dân, đồng nghiệp.
Tuyệt đối tránh cán bộ chạy chọt, xu nịnh, cầm ô, xách túi; trước mặt lãnh đạo cấp trên thì thể hiện là người hiểu biết, nhiệt tình, tử tế, gần dân, nhưng thực sự với cấp dưới thì họ nạt nộ, yêu sách; với nhân dân thì xa rời; vào việc thì chỉ nói mà không làm hoặc nói hay mà làm dở.
Người đứng đầu cũng cần tìm được cán bộ tham mưu về tổ chức, có tâm, có tầm, khách quan, trách nhiệm, không bị chi phối bởi lợi ích, thẳng thắn bày tỏ ý kiến, quan điểm. Người đứng đầu phải thực sự lắng nghe, không áp đặt; nhìn thấu suốt đến từng cán bộ bằng thái độ khách quan, công bằng, không bị lợi ích nào chi phối. Nếu làm được như vậy, chắc chắn chúng ta sẽ chọn được cán bộ thực sự tài, đức vào bộ máy công quyền”.
Đỗ Thơm