Trong nỗ lực khép lại câu chuyện Thổ Nhĩ Kỳ mua hệ thống phòng thủ tên lửa S-400 của Nga dẫn đến việc Ankara bị loại khỏi chương trình F-35 của Mỹ, Washington đã đề xuất rằng họ sẽ nắm quyền kiểm soát S-400 để đổi lấy việc đưa quốc gia liên lục địa Á-Âu này quay trở lại chương trình F-35, trang Kathimerini của Hy Lạp đưa tin hôm 22/9, trích dẫn các nguồn tin độc quyền.
Mặc dù Thổ Nhĩ Kỳ đã tham gia Chương trình Máy bay chiến đấu tấn công chung F-35 (JSF) vào năm 2007 và là một trong những quốc gia đối tác của chương trình cùng với các đồng minh NATO khác, nhưng Ankara đã bị Washington loại khỏi chương trình vào năm 2019 để phản đối việc chính phủ Thổ Nhĩ Kỳ mua "Rồng lửa" S-400 của Nga, mà Washington cho rằng gây ra rủi ro cho máy bay chiến đấu thế hệ thứ 5 của nước này và các hệ thống phòng thủ rộng hơn của NATO.
Theo trang Kathimerini, để gỡ bỏ lệnh cấm bán máy bay chiến đấu F-35 cho Thổ Nhĩ Kỳ, các quan chức Mỹ đã đưa ra một đề xuất vào mùa hè này, trong đó cho phép Thổ Nhĩ Kỳ tiếp tục giữ các hệ thống S-400 trên lãnh thổ của mình nhưng về cơ bản là chuyển quyền kiểm soát chúng cho Mỹ.
Trong khuôn khổ các cuộc thảo luận, các quan chức cấp cao của Mỹ đề xuất chuyển các hệ thống vũ khí do Nga sản xuất sang phần do Mỹ kiểm soát tại Căn cứ Không quân İncirlik ở miền Nam Thổ Nhĩ Kỳ. Đề xuất này được cho là sẽ không khiến Thổ Nhĩ Kỳ rơi vào thế "lưỡng nan" vì cả các điều khoản trong hợp đồng với Nga cũng như bất kỳ điều khoản ràng buộc nào đều không bị vi phạm.
Ông Michael Rubin, một thành viên cấp cao tại Viện Doanh nghiệp Mỹ (AEI) và cựu quan chức Lầu Năm Góc, đã xác nhận với trang Kathimerini rằng các quan chức Nhà Trắng và Lầu Năm Góc đã trình đề xuất này lên các quan chức cấp cao của chính phủ Thổ Nhĩ Kỳ vào tháng 7.
"Các nguồn tin của tôi trong khu vực cho biết trong chuyến thăm Thổ Nhĩ Kỳ vào ngày 1-2/7, bà Celeste Wallander, Trợ lý Bộ trưởng Bộ Quốc phòng Mỹ về An ninh Quốc tế, và ông Michael Carpenter, Cố vấn đặc biệt của Tổng thống và Giám đốc cấp cao phụ trách châu Âu tại Hội đồng An ninh Quốc gia Nhà Trắng, gần đây đã thảo luận về việc khôi phục thỏa thuận F-35 với các đối tác Thổ Nhĩ Kỳ. Để đổi lấy việc tái gia nhập chương trình F-35, Thổ Nhĩ Kỳ được đề nghị bàn giao S-400 cho Mỹ hoặc chuyển chúng đến khu vực do Mỹ kiểm soát tại căn cứ Incirlik", ông Rubin cho biết.
İncirlik, nằm ở tỉnh Adana, là nơi đặt Căn cứ Không quân số 39 của Không quân Mỹ. Một ngày sau chuyến thăm, Đại sứ quán Mỹ tại Ankara đã báo cáo rằng bà Wallander và ông Carpenter đã thảo luận với các quan chức Thổ Nhĩ Kỳ về việc phát triển "các lĩnh vực bổ sung để tăng cường quan hệ đối tác và các mục tiêu tăng cường quan hệ quốc phòng lâu dài".
Khi được trang Kathimerini hỏi về tình hình đàm phán chính xác giữa hai bên, một phát ngôn Lầu Năm Góc cho biết: "Kể từ năm 2019, chúng tôi đã chuyển tiếp cho Thổ Nhĩ Kỳ lập trường của mình về việc họ mua hệ thống S-400 và hậu quả của việc làm như vậy, được ghi trong luật. Không có thay đổi nào trong lập trường hoặc luật pháp của Mỹ về chủ đề này".
Theo nguồn tin của Kathimerini, phản ứng của Thổ Nhĩ Kỳ ở giai đoạn này không tích cực, nhưng các cuộc thảo luận dự kiến sẽ tiếp tục trong tuần này bên lề Đại hội đồng Liên hợp quốc (UNGA) đang diễn ra tại New York, Mỹ.
"Các đối tác Thổ Nhĩ Kỳ đã từ chối và phản bác rằng họ sẽ chỉ giữ chúng (S-400) nguyên đai nguyên kiện bên trong Thổ Nhĩ Kỳ. Tuy nhiên, thỏa thuận vẫn chưa chết, vì việc khôi phục thỏa thuận F-35 sẽ nằm trong chương trình nghị sự của Mỹ và Thổ Nhĩ Kỳ khi các nhà lãnh đạo và quan chức an ninh hai bên gặp nhau vào tuần tới tại Đại hội đồng Liên hợp quốc", ông Rubin nói thêm.
Bất chấp cảnh báo từ Mỹ và các đồng minh NATO khác, Tổng thống Thổ Nhĩ Kỳ Recep Tayyip Erdoğan đã làm trung gian cho thỏa thuận trị giá 2,5 tỷ USD với Tổng thống Nga Vladimir Putin về hệ thống tên lửa S-400 vào năm 2017.
Washington cũng đã áp đặt lệnh trừng phạt vào tháng 12/2020 đối với cơ quan mua sắm quân sự của Thổ Nhĩ Kỳ như một hình phạt cho việc mua S-400 theo Đạo luật CAATSA, trong đó yêu cầu trừng phạt đối với các giao dịch được coi là có hại cho lợi ích của Mỹ.
Trong nỗ lực hiện đại hóa lực lượng không quân đang già cỗi của mình, Thổ Nhĩ Kỳ đã tập trung vào việc mua máy bay F-16 sau khi bị loại khỏi chương trình F-35. Chính phủ Mỹ đã phê duyệt thỏa thuận trị giá 23 tỷ USD về bán máy bay chiến đấu F-16 cho Thổ Nhĩ Kỳ vào đầu năm nay, sau khi Ankara phê chuẩn tư cách thành viên NATO của Thụy Điển.
Minh Đức (Theo Turkish Minute, eKathimerini)