Theo thống kê sơ bộ của Tổng cục Hải quan, trong tháng 6, xuất khẩu sản phẩm gốm sứ của Việt Nam đạt gần 52 triệu USD, tăng 11,2% so với tháng 5. So với tháng 6/2023, kim ngạch giảm nhẹ 0,6%.
Lũy kế từ đầu năm 2024, xuất khẩu mặt hàng này đạt 317 triệu USD, tăng 9,5% so với năm 2023. Trong năm 2023, chỉ có 28 thị trường xuất khẩu. Tuy nhiên, năm 2024 có thêm 2 thị trường mới là Áo và Irắc, qua đó giúp nâng kim ngạch xuất khẩu của mặt hàng này cao hơn.
Xét về thị trường, Mỹ là thị trường lớn nhất của đồ gốm sứ Việt Nam trong 6 tháng đầu năm với gần 81 triệu USD, tăng 56% so với cùng kỳ 2023, chiếm 25,5% thị phần. Riêng tháng 6, thị trường Mỹ nhập khẩu gần 13 triệu USD sản phẩm gốm sứ, tăng 34%.
Theo báo Công Thương, kim ngạch tăng một phần nguyên nhân do người tiêu dùng Mỹ đang dần chuyển từ gốm sứ trang trí của Trung Quốc sang các nguồn cung khác, trong đó có Việt Nam.
Tại thị trường Hoa Kỳ, Việt Nam lọt top các thị trường cung cấp lớn nhất, bên cạnh Trung Quốc, Bồ Đào Nha, Mexico, Italia và Thái Lan,
Nhật Bản là thị trường lớn xuất khẩu thứ 2 của Việt Nam với hơn 44,8 triệu USD, giảm 9,6% so với cùng kỳ, chiếm 14% thị phần. Thị trường xuất khẩu đứng thứ 3 là Đài Loan (Trung Quốc), đạt 36,4 triệu USD, tăng 18% so với cùng kỳ năm trước, chiếm 11,5% thị phần.
Theo cơ quan Thống kê châu Âu (Eurostat), Việt Nam lọt top 3 trong số các thị trường ngoại khối cung cấp gốm sứ mỹ nghệ cho thị trường châu Âu. Việc thực thi Hiệp định Thương mại tự do Việt Nam – EU (EVFTA) đang mở ra rất nhiều cơ hội xuất khẩu cho các sản phẩm thủ công nói chung và gốm sứ mỹ nghệ nói riêng.
Khi Việt Nam ngày càng tham gia sâu rộng vào kinh tế thế giới sẽ mở ra nhiều cơ hội cho các ngành kinh tế nói chung và ngành sản xuất thủ công mỹ nghệ nói riêng. Khách nước ngoài muốn tìm đến nguồn gốc Á Đông với những sản phẩm do chính bàn tay lao động thủ công của người thợ tạo nên từ những nguyên liệu tự nhiên.
Bên cạnh gốm sứ mỹ nghệ thủ công, gốm sứ cũng là một trong các loại vật liệu xây dựng có vai trò quan trọng trong mỗi công trình xây dựng, đóng góp vào sự phát triển của ngành xây dựng nói riêng và nền kinh tế nói chung. Trung bình hàng năm, công nghiệp sản xuất gốm sứ đã đóng góp hơn 3 tỷ USD/năm cho GDP của Việt Nam.
Theo Thứ trưởng Bộ Xây dựng Nguyễn Văn Sinh, với năng lực sản suất và trình độ công nghệ như hiện nay, Việt Nam là một trong 10 quốc gia sản xuất gốm sứ xây dựng lớn nhất thế giới và cũng là quốc gia có sản lượng gạch ốp lát đứng thứ 4 thế giới.
Ngoài việc cung cấp đủ nhu cầu thị trường trong nước, sản phẩm gốm sứ xây dựng của Việt Nam đã xuất khẩu sang nhiều nước trên thế giới như khu vực ASEAN, Đông Bắc Á, Mỹ, châu Âu; trong đó, doanh thu xuất khẩu năm 2022 đạt hơn 220 triệu USD.
Theo Vietnam+, những năm qua, Chính phủ và các bộ, ngành đã ban hành nhiều văn bản quy phạm pháp luật, đề án, chiến lược như Luật Xây dựng, Nghị định về quản lý phát triển vật liệu xây dựng cùng các Thông tư hướng dẫn, Chiến lược Phát triển Vật liệu Xây dựng Việt Nam thời kỳ 2021-2030, định hướng đến năm 2050… Cùng đó, nhiều chỉ đạo điều hành tạo điều kiện thuận lợi cho phát triển vật liệu xây dựng; trong đó có vật liệu gốm sứ xây dựng, Thứ trưởng Nguyễn Văn Sinh cho hay.
Đồng thời, các địa phương cũng tích cực kêu gọi thu hút đầu tư, đẩy nhanh thủ tục thẩm định, phê duyệt dự án. Các doanh nghiệp cũng tích cực đầu tư, triển khai đưa vào vận hành nhiều dự án sản xuất gạch ốp lát, sứ vệ sinh, cung cấp ra thị trường những sản phẩm chất lượng, đảm bảo nhu cầu xây dựng trong nước và xuất khẩu.
Các chuyên gia đánh giá, trong khoảng 20 năm gần đây, ngành công nghiệp gốm sứ xây dựng Việt Nam đã có bước phát triển mạnh mẽ cả về lượng và chất.
Minh Hoa (t/h)