Nhiều trường đại học dự kiến tăng học phí từ 5-10 triệu đồng
Dự kiến, Học viện Công nghệ Bưu chính viễn thông áp dụng mức học phí sinh viên từ 27 - 55,5 triệu đồng/năm học. Với các chương trình đại trà có mức học phí từ 27 - 34 triệu đồng/năm học (tăng 2,5 - 6,2 triệu đồng/năm học so với năm 2023) tùy theo từng ngành học. Với chương trình chất lượng cao, học phí từ 39 - 55 triệu đồng/năm học (năm 2023, ngành Công nghệ thông tin 42 triệu đồng/năm học) tùy theo từng ngành học. Chương trình liên kết quốc tế từ 49 - 55,5 triệu đồng/năm học tùy theo từng chương trình. Chương trình Cử nhân Công nghệ thông tin định hướng ứng dụng trung bình từ 35 - 37 triệu đồng/năm học (tăng 4,5 - 6,5 triệu đồng/năm học so với năm 2023).
Theo Tiền Phong năm học 2024 - 2025, trường Đại học Xây dựng Hà Nội áp dụng học phí 263.000 - 868.500 đồng/tín chỉ (16,4 triệu đồng/năm học, tăng 4,7 triệu đồng so với năm trước). Đặc biệt, với chương trình kỹ sư chính quy, bằng 2, liên thông, song bằng khóa 64 trở về trước học phí ở mức 455.500 đồng/tín chỉ.
Năm học mới này, học phí chương trình kỹ sư, kiến trúc sư đào tạo theo tiếp cận CDIO khóa 64 là 509.000 đồng/tín chỉ. Với chương trình Kỹ sư chất lượng cao khóa 66 học phí mức 263.500 đồng/tín chỉ, khóa 67 trở đi 418.000 đồng/tín chỉ. Với chương trình tích hợp cử nhân KS/KTS bậc 7, liên thông, song bằng khóa 65 là 465.000 đồng/tín chỉ. Chương trình Anh ngữ (XE, CDE, KTE, MNE, HKEC) với khóa 62, 63, 64 học phí 863.000 đồng/tín chỉ, khóa 65 trở đi thu 868.500 đồng/tín chỉ. Chương trình Pháp ngữ XF khóa 62 có mức học phí 863.000 đồng/tín chỉ.
Cuối cùng là chương trình kiến trúc Anh ngữ (KDE), Pháp ngữ (KDF) với khóa 62, 63, 64 học phí mức 863.000 đồng/tín chỉ, khóa 65, 66, 67 mức 767.000 đồng/tín chỉ và khóa 68, 69 mức 868.000 đồng/tín chỉ.
Năm nay Học viện Ngân hàng, mức học phí áp dụng với sinh viên khoá mới ở chương trình đào tạo chuẩn từ 25 đến 26,5 triệu đồng/năm, tăng hơn 10 triệu so với năm ngoái. Theo công bố của Học viện Ngân hàng mức học phí khối ngành III (Kinh doanh quản lý và pháp luật) là 25 triệu đồng/năm học (năm ngoái 14,1 triệu đồng/năm học). Khối ngành V (Công nghệ thông tin) trường đưa ra mức học phí 26,5 triệu đồng (năm ngoái 16,4 triệu đồng). Còn khối ngành VII (Nhân văn, khoa học xã hội và hành vi) học phí 26 triệu đồng (năm ngoái 15 triệu đồng).
Mức 37 triệu đồng áp dụng với các chương trình chất lượng cao. Với chương trình liên kết quốc tế, học phí dao động 340 - 380 triệu đồng cho cả khóa 4 năm, có thể cao hơn nếu sinh viên chọn học năm cuối ở trường liên kết.
Trường Đại học Y Hà Nội năm học 2024 - 2025, với các ngành Y học Cổ truyền, Răng - Hàm - Mặt, Y khoa học phí cao nhất 55,2 triệu đồng/năm học/sinh viên; một số ngành khác có học phí là 41,8 triệu đồng/năm học/sinh viên. Các ngành khác mức học phí như sau: ngành Y học dự phòng 27,6 triệu đồng/năm học/sinh viên, ngành Y tế Công cộng, Dinh dưỡng có học phí là 20,9 triệu đồng/năm học/sinh viên. Ngành Tâm lí học thu học phí thấp nhất, 15 triệu đồng/năm học/sinh viên.
Trường Đại học Luật Tp.HCM năm học 2024-2025 thông báo, mức học phí phải đóng cao hơn năm trước từ 4 triệu đến 16,5 triệu đồng/năm tùy chương trình.
Với ngành luật, luật thương mại quốc tế, quản trị kinh doanh năm 2024 là 35.250.000 đồng/năm, tăng 4 triệu đồng so với năm 2023, chương trình chính quy chất lượng cao ngành luật giảng dạy bằng tiếng Anh năm 2024 là 181.500.000 đồng/năm, tăng 16.500.000 đồng so với năm 2023.
Thông tin trên Thanh Niên, Trường Đại học FPT đã có thông báo các mức học phí áp dụng cho sinh viên nhập học mới năm 2024 hệ Đại học chính quy tại Hà Nội và Tp.HCM, với mức tăng học phí từ 1,8-2 triệu đồng/học kỳ ngay trong khóa học.
Cụ thể, chương trình chính khóa gồm 9 học kỳ (bao gồm cả giai đoạn thực tập tại doanh nghiệp), mỗi học kỳ 4 tháng, học phí chuyên ngành được chia làm 3 mức: từ học kỳ 1 đến học kỳ 3: 28,7 triệu đồng/học kỳ; từ học kỳ 4 đến học kỳ 6: 30,5 triệu đồng/học kỳ và từ học kỳ 7 đến học kỳ 9: 32,5 triệu đồng/học kỳ. Như vậy, sinh viên phải đóng 3 mức học phí khác nhau trong một khóa học, mức sau cao hơn mức trước từ 1,8-2 triệu đồng/học kỳ. Trước đó năm học 2023-2024, tại cơ sở đào tạo Hà Nội và Tp.HCM, học phí chuyên ngành (từ năm 2 tới năm 4) chỉ có một mức là 28,7 triệu đồng/học kỳ.
Bộ GD&ĐT thông tin về việc tăng học phí đại học năm 2024
Liên quan đến chỉ đạo về công tác thu - chi đầu năm học, Bộ Giáo dục và Đào tạo (GD&ĐT) thông tin, thực hiện nhiệm vụ được giao, thời gian qua, Bộ đã tham mưu cho Chính phủ ban hành quy định về mức thu học phí, quản lý học phí; hướng dẫn thực hiện chính sách xã hội hóa trong lĩnh vực giáo dục và thực hiện thanh tra, kiểm tra theo quy định.
Bộ GD&ĐT thông tin về việc tăng học phí đại học năm 2024
Học phí của cơ sở giáo dục nghề nghiệp và giáo dục đại học công lập năm học 2024 - 2025 được điều chỉnh tăng so với năm trước
Cụ thể, đối với học phí từ năm học 2023 - 2024 và tiếp đến là năm học 2024 - 2025, Chính phủ đã ban hành Nghị định số 97/2023/NĐ-CP ngày 31/12/2023 sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 81/2021/NĐ-CP. Trong đó quy định: Tiếp tục giữ ổn định học phí của cơ sở giáo dục mầm non, giáo dục phổ thông công lập từ năm học 2023 - 2024 bằng học phí năm học 2021 - 2022.
Đối với học phí của cơ sở giáo dục nghề nghiệp và giáo dục đại học công lập: Mức học phí các trường thực hiện theo mức trần học phí năm học 2023 - 2024 quy định tại Nghị định số 97/2023/NĐ-CP (lùi lộ trình học phí 1 năm so với quy định tại Nghị định số 81/2021/NĐ-CP); tương tự mức trần học phí năm học 2024 - 2025 có điều chỉnh tăng so với mức trần học phí năm học 2023 - 2024 do lộ trình học phí đã lùi lại quá dài, các cơ sở giáo dục đại học đang gặp nhiều khó khăn trong cân đối thu - chi.
"Việc tăng học phí theo lộ trình đã được điều chỉnh phù hợp tình hình thực tiễn, xin ý kiến các địa phương và các bộ ngành và đánh giá kỹ lưỡng tác động CPI hằng năm nhằm thực hiện tự chủ đại học và lộ trình tính giá dịch vụ trong lĩnh vực giáo dục theo tinh thần của Nghị quyết 19/NQ-TW", Bộ GD&ĐT khẳng định.
Thông tin trên Công Thương để hướng dẫn các khoản thu trong lĩnh vực giáo dục đào tạo và chấn chỉnh, tăng cường công tác quản lý thu - chi tại các cơ sở giáo dục, hằng năm, Bộ GD&ĐT đều ban hành văn bản gửi các bộ, cơ quan trung ương, địa phương và các cơ sở giáo dục, trong đó, đã nêu rõ trách nhiệm của các bộ, cơ quan trung ương và địa phương cần phải thực hiện theo đúng chức năng, nhiệm vụ được giao.
Bên cạnh đó Bộ GD&ĐT cũng tiếp tục tăng cường công tác thông tin, tuyên truyền, quán triệt, phổ biến rộng rãi các văn bản chỉ đạo chấn chỉnh thực hiện các khoản thu, chi đến các cơ sở giáo dục và cơ quan quản lý giáo dục; yêu cầu các cơ sở giáo dục phổ biến, tuyên truyền cho cha mẹ học sinh, ban đại diện cha mẹ học sinh, giáo viên hiểu rõ quy định, từ đó thực hiện quyên góp, ủng hộ trên cơ sở tự nguyện, công khai minh bạch giữa phụ huynh và cơ sở giáo dục theo đúng quy định.
Trúc Chi (t/h)