Tại thời điểm trên, có nhiều người dân Nam Định đã có mặt tại khu vực cầu Thịnh Long (huyện Nghĩa Hưng) để chứng kiến thời khắc thông xe sau khi khánh thành cầu.
Dự án cầu Thịnh Long được khởi công từ tháng 1/2018. Sau 27 tháng thi công, với sự chỉ đạo của bộ GTVT, nỗ lực của Ban Quản lý dự án (QLDA) Thăng Long và các đơn vị tư vấn, nhà thầu thi công cầu Thịnh Lonh đã hoàn thành bảo đảm tiến độ, chất lượng.
Phát biểu tại buổi lễ, Thứ trưởng bộ GTVT Nguyễn Ngọc Đông nhấn mạnh, việc hoàn thành cầu Thịnh Long không chỉ niềm vui của chính quyền, nhân dân tỉnh Nam Định mà còn là niềm tự hào của ngành GTVT; mang ý nghĩa to lớn để chào mừng Đại hội toàn quốc lần thứ XIII của Đảng.
Công trình này cũng như minh chứng cho sự hợp tác hiệu quả, toàn diện trong lĩnh vực GTVT và tình hữu nghị sâu sắc giữa chính phủ và nhân dân hai nước Việt Nam và Hàn Quốc.
Để công trình cầu Thịnh Long đưa vào khai thác hiệu quả, bộ GTVT yêu cầu các cơ quan quản lý, khai thác và các đơn vị liên quan phối hợp chặt chẽ với chính quyền địa phương, cơ quan chức năng để thực hiện tốt công tác tổ chức giao thông, quản lý duy tu, sửa chữa thường xuyên, khai thác hiệu quả công trình, bảo đảm an toàn giao thông và vệ sinh môi trường.
Theo ông Dương Viết Roãn - Giám đốc Ban QLDA Thăng Long (bộ GTVT) cho biết, cầu Thịnh Long bắc qua sông Ninh Cơ, kết nối Quốc lộ 21 với Tỉnh lộ 490C, rút ngắn thời gian, chi phí đi lại; kết nối các khu công nghiệp trong vùng; hoàn thiện mạng lưới giao thông đường bộ, đặc biệt mạng lưới đường bộ ven biển.
Đồng thời, góp phần hoàn thiện hệ thống giao thông khu vực kinh tế trọng điểm của miền Bắc, tạo động lực phát triển cho khu vực theo quy hoạch phát triển giao thông quốc gia.
Phần cầu chính của dự án cầu Thịnh Long được bố trí 19 nhịp, dài hơn 988m, bề rộng 12m gồm 2 làn xe cơ giới, 2 làn xe thô sơ. Đường dẫn dài 1,37km, đạt tiêu chuẩn đường cấp III đồng bằng, vận tốc thiết kế 80km/giờ.
Tổng mức đầu tư của dự án là hơn 1.158 tỷ đồng, sử dụng nguồn vốn ngân sách Nhà nước cấp từ vốn vay của Quỹ Hợp tác phát triển kinh tế Hàn Quốc (EDCF) và vốn đối ứng trong nước. Chi phí giải phóng mặt bằng được thực hiện bằng nguồn ngân sách địa phương.
Không dấu nổi cảm xúc vỡ oà của mình trong buổi khánh thành, chia sẻ với PV Người Đưa Tin Pháp luật ông Nguyễn Bạch Mộc – 80 tuổi (Hải Hậu, Nam Định) không giấu nổi xúc động, ông nói: “Sau bao năm chờ đợi thì niềm mơ ước của của bao người dân hai huyện Nghĩa Hưng và Hải Hậu đã thành hiện thực.
Cả đêm qua tôi vì vui mà tôi quên luôn cả ngủ. Trước đây, tôi thấy bất ngờ khi người dân ở Thái Bình bật khóc trong buổi khánh thành cầu Bo mới. Hôm nay khi tận mắt chứng kiến lễ cắt băng khánh thành cầu Thịnh Long tôi cũng đã khóc vì hạnh phúc”.
Nguyễn Lâm