Nam mô xin một tấm chồng

Nam mô xin một tấm chồng

Thứ 5, 21/02/2013 14:19

Hàng nghìn người vẫn nườm nượp đến “cầu tình” nơi chùa Hà (Cầu Giấy, Hà Nội) mặc cho trời mưa, giá rét. Mỗi người một hoàn cảnh nhưng đều có chung duyên nợ với chữ “tình”.

Đi chùa xin chồng

Chiều 11 tháng Giêng, đường phố Hà Nội vắng vẻ hơn thường ngày bởi làn gió rét trong cơn mưa nặng hạt. Bốn mẹ con nhà chị Thu Hạnh cùng bà ngoại (ở Cầu Giấy, Hà Nội) nhanh chân rảo bước vào trong sân chùa Hà. Đưa đứa bé trên tay cho bà ngoại tìm nơi tránh rét, chị Hạnh khẩn trương bước vào bên trong làm lễ.

Ôm hai đứa cháu gái nhỏ trên tay, bà Phúc (mẹ chị Hạnh) buồn bã nói: “Bố chúng nó đi theo gái từ tết tới giờ không về. Mấy mẹ con kéo nhau lên chùa làm lễ, cầu mong cho chồng nghĩ tới các con mà biết đường quay về”.

Xã hội -  Nam mô xin một tấm chồng

Hoa hồng, biểu tượng tình yêu luôn được các cô gái chọn làm lễ vật cầu duyên ở chùa Hà

Ông Nguyễn Minh Kham, trưởng ban quản lý chùa Hà cho biết, từ đầu xuân đến nay, mỗi ngày có hàng nghìn lượt khách đến thắp hương. Đến lễ chùa Hà, ngoài việc cầu đức, cầu tài, chùa còn linh thiêng trong cầu nguyện tình duyên. Người cô đơn mong sớm có chồng có vợ, đôi lứa trắc trở mong sớm đến với nhau, người đang yêu mong tình yêu đẹp mãi... Nhiều người đến lễ, thấy linh ứng nên rỉ tai nhau. Vì thế, chùa Hà có lượng khách trẻ tuổi đến rất đông.

Chẳng ai biết, chùa có thiêng như lời đồn không, nhưng dòng người đủ các lứa tuổi vẫn nườm nượp đổ về chùa Hà để “cầu tình”. Cô Thu Thúy (Bắc Ninh) sau khi thay chồng (mất sớm) lo đứa con trai trưởng thành, cũng là lúc cô muốn tìm hạnh phúc riêng. Trên khuôn mặt hằn lên những vất vả, sương gió thành tâm khấn Phật, cầu mong một người chồng cùng hoàn cảnh sẽ đến với mình. Cô Thúy tâm sự: “Con cái trưởng thành cũng là lúc mình có tuổi. Con chăm sóc mẹ cha không bằng ông bà chăm nhau, mình không thể trông chờ toàn bộ vào con cháu. Có nhiều người đến với tôi, nhưng tôi muốn tìm người cùng hoàn cảnh, dễ hiểu và thông cảm cho nhau. Cầu trời Phật linh ứng, ban phúc cho con toại nguyện”.

Xã hội -  Nam mô xin một tấm chồng (Hình 2).

Chùa Hà ngày đầu năm luôn đông người đến cầu may mắn, nhân duyên

Chị Nguyễn Thị Nhung (Cầu Giấy, Hà Nội), gần 40 tuổi, trải qua nhiều mối tình nhưng chưa bao giờ có người nào đề cập đến hôn nhân. Đặt mâm lễ vật trên bàn thờ, cô lặng người khấn vái, thành tâm mong Phật ban duyên. Trong lúc chờ đợi hết cây nhang để hạ lễ vật, cô tâm sự: “Đàn ông bây giờ khó tin lắm, chẳng được mấy người đến với nhau vì tình yêu thực sự. Xem ra, muốn tìm tấm chồng tốt, làm chỗ dựa cũng chẳng dễ dàng gì”.

Xã hội -  Nam mô xin một tấm chồng (Hình 3).

Có người cầu duyên cho mình, có người cầu duyên cho con cháu

Một nhóm ba cô gái Nhung, Thanh, Phương hiện đang làm việc cho một công ty viễn thông ở Hà Nội tranh thủ giờ làm đến chùa cầu duyên. Cô gái tên Phương nhanh nhảu lên tiếng: “Đây là ba cô gái già nhất công ty đấy. Các em trẻ chồng con đầy đủ, chỉ có ba chị “đã toan về già” này vẫn chưa một mảnh tình vắt vai. Các anh có ai làm mối cho chúng em, kẻo mang danh “gái ế” buồn lắm”, nói xong các cô quay mặt vào nhau khúc khích cười.

Nhiều người tin rằng chùa Hà rất thiêng về đường tình duyên, ước người nào được người nấy. Anh Nguyễn Văn H. (Hòa Bình) trong trạng thái thất tình, buồn bã đến chùa cầu duyên cũ trở lại bởi mối tình đầu sâu đậm của anh và cô bạn gái cùng lớp thuở cấp 3 vừa tan vỡ. Anh cầu mong trời phật “ban” bạn gái anh từ bỏ chàng trai kia, trở lại với mình. Anh H. bày biện mâm lễ rất cẩn thận, xôi, oản, lá sớ... xếp gọn gàng. Anh H. tin rằng, chỉ cần thành tâm làm lễ như thế này, bạn gái sẽ từ từ về lại với mình.

Gái đẹp đi cắt tiền duyên

Điều dễ nhận thấy khi đến chùa Hà, các cô gái đến cầu duyên phần đông có nhan sắc khoảng cỡ trung bình hoặc quá lứa, lỡ thì. Nhưng cũng có nhiều cô gái mặt đẹp, dáng cao ráo, nước da trắng ngần... cũng đến cầu duyên. Cô Nguyễn Thị Hà (Sóc Sơn, Hà Nội) có hai cô con gái, cô nào cũng đẹp nhưng “mãi không ai yêu”.

Xã hội -  Nam mô xin một tấm chồng (Hình 4).

Nhiều cô gái còn khá trẻ đến chùa Hà

Cô Hà cho biết, hai cô con gái được nhiều người khen đẹp nết đẹp người. Bản thân cô cũng không phải là người không biết dạy con, đứa nào cũng ngoan hiền, giỏi nữ công gia chánh, những mãi không ai yêu. “Đi xem” thầy phán có “duyên âm” theo nên không có người trần nào đến được quá 3 ngày. Mặc dù đã mời thầy về nhà cắt duyên nhưng chưa có tác dụng. Nghe nói chùa Hà linh thiêng, nên đến làm lễ cắt duyên, mong hai cô con gái tìm được tấm chồng tốt làm chỗ dựa.

Theo ông Nguyễn Minh Kham, trưởng ban quản lý chùa Hà, người đến chùa không chỉ cầu duyên mà còn cắt duyên. Các cụ ở chùa giải thích, cắt tiền duyên là khi bị một người âm đi theo, cản trở việc lập gia đình, hoặc có gia đình rồi nhưng không hạnh phúc. Cắt duyên âm đi sẽ giúp người trần tìm được tình duyên.

Xã hội -  Nam mô xin một tấm chồng (Hình 5).

Thành tâm lễ Phật

Tuy nhiên, có những người đến chùa khăng khăng đòi bằng được phải cắt tiền duyên bởi đi “xem” thầy bảo thế. Ấy vậy, cắt xong vài hôm lại đến đòi nối... bởi thầy khác “xem” nói không có duyên âm đi cùng.

Xã hội -  Nam mô xin một tấm chồng (Hình 6).

Cũng có những đôi lứa cũng đến chùa cầu duyên

Cô Trần Thị Phú (Hà Nội) năm nào cũng đưa con gái đến chùa cầu duyên. Trong lúc chờ cô con gái xinh đẹp 25 tuổi vào trong làm lễ, cô Phú tâm sự: “Năm ngoái, tôi đưa cháu đi cắt duyên, năm nay vẫn chưa thấy có gì mới. Nhưng tôi vẫn dặn con, năn nào cũng phải đến đây cầu duyên, Phật chưa ban duyên cứ tiếp tục cầu... Người ta có câu: Đức Ông chùa Hà/Đức bà chùa Hương, ở đây cầu tình duyên là linh lắm, cứ phải cố mà kiên trì”.

Theo Khám phá

Cảm ơn bạn đã quan tâm đến nội dung trên. Hãy tặng sao để tiếp thêm động lực cho tác giả có những bài viết hay hơn nữa.
Đã tặng: 0 star
Tặng sao cho tác giả
Hữu ích
5 star
Hấp dẫn
10 star
Đặc sắc
15 star
Tuyệt vời
20 star

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bình luận không đăng nhập

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.