Nguyên nhân của những triệu chứng bất thường này đã khiến các bác sĩ kinh ngạc. Kết quả chụp cộng hưởng từ cho thấy các mô não, đầu, ngực, bụng và chân tay của bệnh nhân đều bị ký sinh bởi số lượng lớn sán dây. Nhìn vào ảnh chụp cộng hưởng của người bệnh, các bác sĩ kinh ngạc khi thấy toàn bộ cơ thể bị bao phủ bởi các dải dài màu trắng.
Theo thông tin được dịch trên Tổ Quốc, đại học Khoa học và Công nghệ Suronali và Trung tâm Nghiên cứu Ký sinh trùng (PDRC) tại Thái Lan vừa chia sẻ về trường hợp một thanh niên 18 tuổi đến bệnh viện địa phương thăm khám vì xuất hiện hiện tượng nôn mửa, co giật và biến dạng cảm giác.
Các bác sĩ nhận định, nguyên nhân dẫn đến tình trạng này là do người bệnh đã ăn thịt lợn chưa nấu chín hoặc các thực phẩm không bảo đảm vệ sinh. Ngoài ra, việc không rửa tay trước khi ăn cũng khiến cơ thể anh ta bị nhiễm ký sinh trùng. Nam thanh niên đã được điều trị bằng thuốc như steroid, thuốc chống giun, tình trạng sức khỏe của bệnh nhân đã được cải thiện, Công Luận cho hay.
Theo bác sĩ Hong Hao, chuyên gia về tiêu hóa và gan ở Hồng Kông, sán dây ký sinh trong cơ thể người có kích thước dài nhất lên tới hơn 30m. Đa phần người bị sán dây đều không có triệu chứng rõ ràng. Một số người sẽ cảm thấy đầy hơi, đau bụng, đi phân lỏng, buồn nôn hoặc bị giảm cân không rõ nguyên nhân.
Nguy cơ nhiễm sán dây đến phần lớn từ việc ăn thịt lợn, đặc biệt trong quá trình băm thịt, sán dây càng có cơ hội len lỏi vào từng vụn thịt nhỏ nhất. Do vậy mọi người nên tuân thủ quy tắc “ăn chín, uống sôi” dù với bất kỳ loại thực phẩm nào.
Riêng với thịt lơn, phần chính giữa của miếng thịt phải được chế biến ở nhiệt độ 75 độ C trở lên trong ít nhất 15 giây. Nếu thịt vẫn có nước màu hồng hoặc phần chính giữa của miếng thịt lợn có màu đỏ sau khi nấu thì cần nấu lại cho đến khi thịt chín hoàn toàn. Nếu dùng thịt để nhúng lẩu, bạn nên sử dụng hai đũa khác nhau để gắp thực phẩm sống và chín, tránh đặt quá nhiều thức ăn trên bàn dễ dẫn đến nguy cơ nhiễm chéo giữa thực phẩm sống và chín.
Minh Hoa (t/h)