Nâng tầm giá trị, thương hiệu thanh long Bình Thuận

Nâng tầm giá trị, thương hiệu thanh long Bình Thuận

Nguyễn Đắc Phú

Nguyễn Đắc Phú

Thứ 4, 30/10/2024 14:56

Thanh long là cây trồng lợi thế của tỉnh Bình Thuận. Những năm qua, rất nhiều hộ gia đình cải thiện đời sống và vươn lên khá giả nhờ cây thanh long.

Ngày 30/10, Bí thư Tỉnh uỷ Bình Thuận Nguyễn Hoài Anh chủ trì họp nghe Ban cán sự đảng UBND tỉnh báo cáo kết quả thực hiện đề án phát triển bền vững cây thanh long đến năm 2030.

Kết quả thực hiện Đề án phát triển bền vững cây thanh long đến năm 2030

Tại cuộc họp, ông Phan Văn Tấn, Phó Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Bình Thuận cho biết, diện tích cây thanh long toàn tỉnh đến nay khoảng 26.900ha, sản lượng đạt 460.000 tấn.

Tỉ lệ giá trị sản phẩm được sản xuất dưới các hình thức hợp tác, liên kết đạt khoảng 90.775 tấn sản phẩm/năm, đạt tỉ lệ khoảng 16,5 % sản lượng.

Trong đó, có 9 chuỗi thanh long tươi với sản lượng 90.610 tấn/năm và 3 chuỗi sản phẩm thanh long chế biến với sản lượng 165 tấn/năm.

Diện tích cây thanh long áp dụng quy trình thực hành sản xuất nông nghiệp tốt VietGAP đạt khoảng 8.559,2ha, đạt tỉ lệ 31,81 % so với tổng diện tích. Áp dụng quy trình thực hành sản xuất nông nghiệp hướng hữu cơ (Organnic) đạt khoảng 120ha, đạt tỉ lệ 0,46% so với tổng diện tích.

Giá trị kim ngạch xuất khẩu thanh long chính ngạch ước đạt 6.400.000 USD, tăng 2,31% so với cùng kỳ năm trước, sản lượng thanh long xuất khẩu 9 tháng đầu năm 2024 ước đạt 5.340 tấn, so với cùng kỳ năm trước tăng 9,4%.

Toàn tỉnh có 11 cơ sở chế biến sản phẩm từ trái thanh long, trong đó có một số doanh nghiệp đầu tư máy móc nhà xưởng chế biến, công nghệ chế biến tiên tiến.

Nâng tầm giá trị, thương hiệu thanh long Bình Thuận- Ảnh 2.

Quang cảnh cuộc họp sáng ngày 30/10.

Căn cứ mục tiêu của đề án, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đã phối hợp với các địa phương rà soát vùng quy hoạch sản xuất tập trung làm cơ sở cho việc cấp, quản lý mã số vùng trồng, cũng như đầu tư hạ tầng phục vụ canh tác, sản xuất thanh long.

Theo đó, lộ trình đến năm 2030 ổn định diện tích thanh long toàn tỉnh khoảng 25.000ha (Hàm Thuận Nam 12.600ha, Hàm Thuận Bắc 5.000ha, Bắc Bình 3.000ha và Hàm Tân 2.000ha), hình thành vùng sản xuất hàng hóa tập trung, quy mô lớn đảm bảo an toàn dịch bệnh, sản xuất áp dụng theo quy trình thực hành nông nghiệp tốt và theo yêu cầu của nước nhập khẩu.

Bên cạnh đó, tiếp tục khuyến khích, hỗ trợ người sản xuất thanh long thực hiện quy trình sản xuất tiên tiến (VietGAP, GlobalGAP, hữu cơ,...); ứng dụng kỹ thuật trồng thanh long theo dàn chữ T, tưới nước tiết kiệm, sử dụng bóng đèn tiết kiệm điện để xử lý thanh long ra hoa trái vụ. Đẩy mạnh việc thực hiện quy trình sản xuất thanh long theo tiêu chuẩn VietGAP, áp dụng ghi chép nhật ký điện tử.

Nâng tầm giá trị, thương hiệu thanh long Bình Thuận- Ảnh 3.

Phó Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Bình Thuận Phan Văn Tấn thông tin về kết quả thực hiện đề án phát triển bền vững cây thanh long đến năm 2030.

Đối với công tác phòng trừ dịch bệnh, năm nay do tình hình thời tiết bất lợi (nắng nóng đầu vụ, mưa tập trung cuối vụ) nên tình hình sâu bệnh hại có cao hơn so với năm trước, cụ thể: Diện tích nhiễm bệnh vàng cành là 2.123ha, tăng 81ha so với cùng kỳ; diện tích nhiễm bệnh thối rễ teo tóp cành là 1.408ha, tăng 49ha so năm 2023; diện tích nhiễm ốc sên là 1.114ha, tăng 196 ha so với cùng kỳ năm trước; bọ trĩ, bọ xít và bọ xòe gây hại với diện tích là 66ha, giảm 51ha so với năm 2023.

Theo ông Phan Văn Tấn, Phó Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Bình Thuận, toàn tỉnh hiện có 502 tổ hợp tác, với khoảng 9.797 hộ; 35 hợp tác xã và 1 Liên hiệp hợp tác xã sản xuất thanh long với diện tích 1.384ha, với 673 thành viên (trong đó có 20 hợp tác xã thanh long được cấp giấy chứng nhận VietGAP đạt 730ha, 218ha và 1 hợp tác xã được cấp giấy chứng nhận sản xuất thanh long an toàn theo tiêu chuẩn GlobalGAP); 7 hợp tác xã đã có cơ sở sơ chế, đóng gói thanh long và đã thực hiện thu mua trái thanh long từ thành viên.

Các hợp tác xã thanh long từng bước trở thành mắt xích quan trọng trong phát triển chuỗi giá trị liên kết sản xuất, chế biến, tiêu thụ nông sản.

Nâng tầm giá trị, thương hiệu thanh long Bình Thuận- Ảnh 4.

Vườn thanh long tại Bình Thuận.

Trên cơ sở các hợp tác xã hiện có, đến nay đã tổ chức xây dựng và kết nối 12 chuỗi cung ứng thanh long an toàn, với sản lượng 90.775 tấn/năm (trong đó có 9 chuỗi thanh long tươi với sản lượng 90.610 tấn/năm và 2 chuỗi sản phẩm thanh long chế biến với sản lượng 165 tấn/năm).

Vừa qua, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đã làm việc với Viện Cây ăn quả miền Nam để bàn mua bản quyền giống thanh long ruột trắng LĐ-18 (Long Định 18)(5).

Tuy nhiên, giống LĐ-18 thuộc dự án "Sản xuất thử nghiệm giống thanh long ruột trắng LĐ-18 tại các tỉnh phía Nam" (thời gian thực hiện từ năm 2021-2025) và là tài sản hình thành từ nhiệm vụ khoa học và công nghệ, sử dụng ngân sách Nhà nước.

Do đó, sau khi dự án kết thúc (dự kiến tháng 12/2025) thì mới có thể thực hiện các thủ tục để chuyển giao quyền đối với giống thanh long này.

Nâng tầm giá trị, thương hiệu thanh long Bình Thuận- Ảnh 5.

Phó Chủ tịch UBND tỉnh Bình Thuận Nguyễn Hồng Hải phát biểu tại cuộc họp sáng ngày 30/10.

Chiến lược phát triển cây thanh long Bình Thuận

Phát biểu kết luận tại cuộc họp, Bí thư Tỉnh uỷ Bình Thuận Nguyễn Hoài Anh cho rằng, thanh long là cây trồng lợi thế của tỉnh, nhiều năm qua rất nhiều hộ gia đình cải thiện được đời sống và vươn lên khá giả. Nhiều doanh nghiệp, hợp tác xã, sản xuất, chế biến thanh long hoạt động khá tốt.

Tuy nhiên, trong vài năm gần đây việc sản xuất, chế biến, tiêu thụ thanh long gặp không ít khó khăn, ảnh hưởng đến đời sống, thu nhập của các hộ trồng thanh long và các doanh nghiệp, hợp tác xã, sản xuất, chế biến, tiêu thụ thanh long.

Nâng tầm giá trị, thương hiệu thanh long Bình Thuận- Ảnh 6.

Bí thư Tỉnh uỷ Bình Thuận Nguyễn Hoài Anh kết luận cuộc họp vào sáng ngày 30/10.

Bí thư Tỉnh uỷ Bình Thuận Nguyễn Hoài Anh đề nghị Ban cán sự đảng UBND tỉnh bám sát kết luận số 977-KL/TU ngày 01/02/2024 của Ban Thường vụ Tỉnh uỷ (khoá XIV) lãnh đạo triển khai thực hiện hiệu quả việc phát triển cây thanh long bền vững, có giá trị cao.

Đồng thời, tập trung nâng cao hiệu quả công tác nghiên cứu, phân tích, dự báo thị trường, tiềm năng, lợi thế của thanh long Bình Thuận.

Qua đó, đề ra chiến lược phát triển, định vị, nâng tầm giá trị, thương hiệu thanh long Bình Thuận. Cùng với tăng cường các hình thức hợp tác, liên kết theo chuỗi giá trị, nhất là liên kết giữa người dân với doanh nghiệp, hợp tác xã, tổ hợp tác trong sản xuất, chế biến, tiêu thụ sản phẩm thanh long.

Bên cạnh đó, đổi mới phương thức xúc tiến thương mại, đẩy mạnh việc tiêu thụ sản phẩm ở thị trường trong nước, đồng thời đa dạng hoá thị trường xuất khẩu, chuyển mạnh xuất khẩu tiểu ngạch sang xuất khẩu chính ngạch.

Ngoài ra, đẩy mạnh ứng dụng khoa học – công nghệ, chuyển đổi số, chuyển đổi xanh, hỗ trợ doanh nghiệp, hợp tác xã, người dân nâng cao năng lực tiếp nhận, ứng dụng khoa học công nghệ, nhất là công nghệ cao, công nghệ sinh học, công nghệ thân thiện với môi trường, các quy trình sản xuất tiên tiến (VietGAP, GlobalGAP, hữu cơ,…), thích ứng với biến đổi khí hậu. Đồng thời, đẩy mạnh việc lựa chọn các giống mới có năng suất chất lượng cao.

Cảm ơn bạn đã quan tâm đến nội dung trên. Hãy tặng sao để tiếp thêm động lực cho tác giả có những bài viết hay hơn nữa.
Đã tặng: 0 star
Tặng sao cho tác giả
Hữu ích
5 star
Hấp dẫn
10 star
Đặc sắc
15 star
Tuyệt vời
20 star

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bình luận không đăng nhập

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.