Tổng sản phẩm quốc nội (GDP) là một trong những chỉ số chính thể hiện sức khỏe của nền kinh tế.
Chỉ số này tại các nước thành viên của Tổ chức Hợp tác và Phát triển Kinh tế (OECD) đã sụt giảm trong quý I/2022, (OECD cho biết hôm 23/5.
Cụ thể, tại các nước OECD, theo ước tính tạm thời, GDP quý I/2022 chỉ tăng 0,1% so với cùng kỳ năm ngoái, thấp hơn nhiều so với mức tăng 1,2% trong quý IV/2021.
Hầu hết các quốc gia trong nhóm các nền kinh tế phát triển G7 cũng có GDP sụt giảm ở mức 0,1% trong quý I/2022, trong khi tăng 1,2% trong quý IV/2021.
G7 bao gồm Mỹ, Canada, Nhật Bản, Đức, Anh, Pháp và Ý.
Vương quốc Anh và Canada đã cố gắng duy trì đà tăng trưởng trong quý I/2022, lần lượt là 0,8% và 1,4%, nhưng vẫn yếu hơn so với quý trước đó.
Có 3 nước G7 ghi nhận mức tăng trưởng âm trong quý I/2022, gồm Mỹ (-0,4%), Ý (-0,2%) và Nhật Bản (-0,2%). Trong khi đó, Pháp ghi nhận mức tăng trưởng bằng 0.
Đức là quốc gia G7 duy nhất ghi nhận sự gia tăng trong tăng trưởng GDP, ở mức 0,2% trong quý I/2022, so với -0,3% trong quý trước đó.
Nền kinh tế Đức đang trên đà phục hồi, nhưng đang nghiêng về rủi ro giảm. Theo khuyến nghị của Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF), Berlin nên tập trung vào việc giảm bớt tác động của cuộc xung đột Nga-Ukraine đối với nền kinh tế Đức trong khi đảm bảo nguồn cung khí đốt.
Chính sách tài khóa của nền kinh tế lớn nhất châu Âu nên linh hoạt trong môi trường không chắc chắn do xung đột vũ trang gây ra và thoát khỏi các hạn chế liên quan đến Covid, IMF cho biết hôm 23/5.
IMF cho biết họ dự báo tăng trưởng trong nền kinh tế Đức sẽ chậm lại và ở mức khoảng 2% vào năm 2022, và sẽ tăng lên vào năm 2023.
Trong số các nước OECD khác, Bồ Đào Nha và Áo ghi nhận mức tăng GDP trong quý I/2022 cao nhất so với cùng kỳ năm trước, lần lượt là 2,6% và 2,5%.
Mức giảm được ghi nhận ở Na Uy, với -1,0%; Chile, -0,8%; Costa Rica, -0,5%; Israel và Thụy Điển, -0,4%; và Đan Mạch, -0,1%.
Tổ chức Hợp tác và Phát triển Kinh tế (Organization for Economic Cooperation and Development - OECD), có trụ sở tại Paris, Pháp, được thành lập nhằm mục đích tìm ra các chính sách phát triển kinh tế cùng phúc lợi của người dân. Hiện OECD có 38 thành viên, bao gồm các nước G7.
Minh Đức (Theo The National News)