Tình vợ chồng gắn kết đam mê
Nghe tiếng đào nương Vân Mai đã lâu nhưng cứ nhì nhằng mãi, tôi vẫn không có dịp gặp chị. Những năm gần đây, ca trù đã được công nhận là di sản phi vật thể, người ta nhắc nhiều đến danh xưng "đào nương" khi gắn những con người sống chết với bộ môn nghệ thuật dân tộc này.
Tuy nhiên, để thực sự xứng đáng với danh xưng này thì không nhiều, ngoài tên tuổi các nghệ nhân cao tuổi, số còn lại đếm trên đầu ngón tay. Nhất là khi Vân Mai lại ít khi xuất hiện ở những nơi đại chúng. Lâu lâu mới thấy chị lên hình trong một chương trình phát sóng văn hoá của đài truyền hình hoặc của một vài tổ chức nào đó. Chị kiệm lời, kiệm trong cả đời sống. Chỉ đơn giản là niềm đam mê, là sở thích và hơn cả: Đó là con đường chị đã chọn trong suốt nhiều năm trước cho đến nay.
Đào nương Vân Mai.
Tìm đến địa chỉ cửa hàng vật liệu xây dựng của chị ở phố Bích Câu, quận Đống Đa thì Vân Mai lại đang hối hả trên đường xuống Hải Dương để đứng lớp. Anh Trúc, chồng chị đang trông cửa hàng. Có nghe nói trước về anh nên tôi không mấy ngạc nhiên khi thấy ông chủ cửa hàng lại trông có vẻ lành đến vậy.
Xuất thân trong quân ngũ, suốt bao năm, cái chất lính trong anh vẫn còn nguyên vẹn. Cây đàn đáy, bộ phách, trống được đặt ở vị trí trang trọng. Nghe anh nói, thời gian rảnh, hai vợ chồng vẫn thường luyện tập với nhau. Chồng đàn, vợ hát, nhiều khi đang vắng khách, hai vợ chồng cũng không để ý, cứ say sưa tập, đến lúc giật mình nhìn ra ngoài mới thấy mọi người đang chăm chú nhìn, cái nhìn vừa thích thú vừa kì lạ.
Thời gian này, Vân Mai đang nhận đứng một lớp nâng cao về ca trù cho các nghệ sĩ ở dưới Hải Dương nên cứ cuối tuần chị lại bắt xe xuống dạy rồi lại bắt xe về. Đi vì yêu nghề, vì đam mê chứ tính ra số tiền thù lao được trả cũng không đủ cho việc đi lại. Nhận đứng lớp nhiều, ở nhiều nơi nhưng thực sự, bản thân chị cũng nghĩ: Để truyền đạt được cái hồn của ca trù thì thật khó, có khi phải mất cả chục năm vẫn chưa thành được huống hồ chỉ một vài tháng, có chăng cũng chỉ là góp phần vào việc phổ biến, đem lại một cách nhìn mới cho những người có cái tâm với nghệ thuật truyền thống này.
Ngồi nghe cả hai vợ chồng kể chuyện, thấy anh Trúc nhắc lại câu nói trước kia của mình: "Nếu em không hát hay thì anh cũng không đi học đàn đâu", chị chỉ cười. Ấy là nói về thời điểm anh bị chị "dụ dỗ" đi học đàn. Ca trù không giống như những bộ môn nghệ thuật khác, người hát và người đàn phải đạt đến độ thực sự hiểu nhau thì mới tạo nên được sự dung hoà.
Trước kia, mỗi một cô đào đều có một kép riêng, là chồng hoặc anh trai, vừa là người tháp tùng, vừa là bạn diễn. Thêm phần không phải lúc nào cũng có thể nhờ được người đàn cho mình ở những canh hát khác nhau, chị bèn thuyết phục anh đi học. Một thầy một trò, anh đăng kí học ở Câu lạc bộ Nguyễn Văn Khuê ở Thái Hà, cần mẫn bấm từng phím đàn, lẩy từng phách một. Bàn tay vốn không quen, cứng còng, nhiều lúc nghĩ cũng cảm thấy bất lực nhưng vì thích, vì vợ anh lại kiên nhẫn từng bước một. Nhoằng cái cũng đã mười mấy năm, kể từ ngày vợ chồng anh chị gắn với cái nghiệp ca trù.
Có lẽ phải nói là "nghiệp" thì đúng hơn với Vân Mai, bởi chị cũng từng thử qua nhiều bộ môn, từ hát chèo, cải lương, hát chầu văn,... nhưng phải đến ca trù thì mới thực sự trở thành niềm đam mê và thực sự gắn bó.
Tiếng hát phải cất lên từ trong lòng mà ra
Sinh ra ở vùng đất của múa rối nước, của chèo nên từ nhỏ, Vân Mai đã mê mẩn trước những lời ca tiếng hát của ông cha. Lớn lên, không đi theo con đường âm nhạc chuyên nghiệp, Vân Mai vào bộ đội. Trở thành công nhân quốc phòng trong tổng cục Hậu cần khi chưa đầy 17 tuổi, rồi nhanh chóng tham gia vào đội văn công của đơn vị.
Cô gái Vân Mai xinh đẹp đã khiến bao chàng trai phải thương thầm trộm nhớ. Âëy vậy mà cô gái ấy chỉ để ý tới anh chàng đồng niên nhập ngũ Trần Văn Trúc hiền lành, có phần thật thà, nhút nhát. Nhưng đã là cái duyên thì không tránh được, dù lời tỏ tình chẳng giống ai, nơi tỏ tình cũng chẳng có chút thi vị nào, chỉ là bờ ruộng rau muống, thêm mấy lời ấp úng ngại ngùng... thế rồi nên vợ nên chồng.
Vợ chồng đào nương Vân Mai vẫn miệt mài với niềm đam mê ca trù trong suốt nhiều năm.
Hai đứa con, một gái, một trai lần lượt ra đời là kết quả mối tình của họ. Có con, giữa buổi khó khăn của thời bao cấp cuộc sống của hai vợ chồng càng chật vật. Ngoài công việc ở đơn vị, cả hai vợ chồng cũng phải tất tả xoay ra làm thêm để có đồng ra đồng vào, thành thử chẳng mấy khi anh còn được nghe vợ hát trọn câu, trọn bài. Nhiều lúc vô tình thấy vợ vừa tất tả việc nhà, vừa ngâm nga hát thầm, anh nghĩ càng thấy thương. Rồi Vân Mai xin nghỉ làm để tiện cho việc chăm sóc gia đình. Cuộc sống bớt khó khăn đi khi con cái dần trưởng thành.
Đến năm 2001, vô tình nghe thấy tiếng hát của cụ Quách Thị Hồ trên đài, từ đó chị đâm mê. Vân Mai lọ mọ đi tìm những đĩa hát của cụ Hồ về nghe, càng nghe càng mê mẩn. Nghe, ngấm rồi tự học hát một mình. Chỉ là thấy thích thú mà học chứ chị tuyệt nhiên chưa nghĩ đến việc theo đuổi. Lúc đó, ca trù trong suy nghĩ của chị có lẽ cũng chỉ là một sở thích nhất thời khi cuộc sống đang dần trở nên bằng phẳng giữa mối lo cơm áo gạo tiền và công việc kinh doanh vốn nhiều khắc nghiệt.
Mặt khác, ở thời điểm cuối những năm 90, đầu những năm 2000, ca trù vẫn chưa được nhìn nhận một cách đúng đắn, vẫn còn bị đánh đồng tiếng xấu của những cô đầu hầu rượu ở phố Khâm Thiên, Ngã Tư Sở... nghĩ đến điều này, bản thân chị cũng không ít lần thấy "chùn", "chùn" nhưng không dứt được.
Tìm hiểu, chị biết nhiều hơn về ca trù, muốn tầm sư học đạo nhưng tiếc thay, chưa kịp làm gì thì đến năm 2001, cụ Quách Thị Hồ đã qua đời, cụ Châu Doanh Đinh Thị Hảo thì đã quá già, không muốn nhận học trò nữa. Vân Mai đành phải tự mày mò học qua băng đĩa.
Lại nói về chất giọng, Vân Mai thấy mình may mắn vì được trời phú cho một chất giọng đẹp, phù hợp. Lại thêm những kinh nghiệm tích cóp được trong thời gian đi lưu diễn nhiều nơi ở đoàn văn công đơn vị. Đi đến đâu, chị cũng tranh thủ học cách nhấn nhá, luyến láy, giữ hơi, giữ giọng của các nghệ nhân cao tuổi. Cái duyên với nghiệp có lẽ phải kể từ lúc ấy mới nên. Vân Mai khao khát có thể hát được đúng với chất giọng truyền thống của lối hát cổ như các cụ.
"Nảy hột" là một trong những điểm đặc trưng nhất của ca trù, thậm chí nhiều nghệ nhân cao tuổi cũng không thể hát được bởi vì khó. Khi luyện hơi hát ca trù thì "nảy hột" phải tự nhiên, bằng chính giọng thật của mình. Chỉ nghe "ứ...hự..." là đủ biết nội lực phát ra từ đâu, không phải "rặn" mà phải để tiếng hát thoát, bật ra từ trong lòng. Khi hát, phải hát từ bụng, lấy hơi thật căng sau đó đẩy mạnh, ém hơi chắc lên mũi, hát bằng giọng của mình một cách tự nhiên nhất. "Non mai hồng hạnh" được xem là bài hát cổ, hát thờ tổ nghề, rất khó hát vì có những quãng rất thấp song song bên những quãng cao.
Cách đây 10 năm, nhà nghiên cứu Nguyễn Xuân Diện đã từng đưa cho đào nương Thuý Hoà hát nhưng không thực sự thoả mãn. Cụ Châu Doanh Đinh Thị Hảo sau đó có thu băng lại, nhờ đó mà ca khúc thuộc hàng khó nhất của ca trù này vẫn còn lại cho đến nay. Cái khó của ca khúc này khiến nhiều người phải chấp nhận thất bại cũng chính là ở chỗ nảy hột. Năm 2006, nhạc sĩ Đặng Hoành Loan lúc ấy đương là viện phó viện Âm nhạc quốc gia Việt Nam vô tình nghe thấy tiếng hát Vân Mai.
Nghe chị hát "Non mai hồng hạnh", ông thực sự ngạc nhiên và thấy vui mừng vì đã tìm ra được một giọng ca quý. Theo sự gợi ý của nhạc sĩ Đặng Hoành Loan, vợ chồng chị tham gia vào đêm ca trù 2006, được tổ chức một cách quy củ, do Nhà nước đứng ra làm. Lần đó, hai vợ chồng "ẵm" về 2 bằng khen. Đến năm 2007, anh chị lại tham gia thi các câu lạc bộ ca trù toàn quốc ở Hải Dương, 2008 chị nhận lời dạy cho nhà văn hoá tỉnh Thái Bình,... tiếng tăm Vân Mai dần được biết tới nhiều hơn trong giới những người đam mê lối hát cổ này.
Cho tới nay, đào nương Vân Mai vẫn miệt mài với con đường ca trù mà mình lựa chọn. Với tâm nguyện muốn truyền lại tiếng hát truyền thống một cách chuẩn xác nhất cho lớp trẻ, chị càng nỗ lực hơn để hoàn thiện tiếng hát của mình. Mùa xuân này, những "hồng hồng, tuyết tuyết, mai mai" lại ngân nga giữa cái lạnh se se của gió xuân, trên cái ửng hồng của những đôi má đào thiếu nữ. Tiếng ca bắt nguồn từ trái tim đến tâm hồn, thiết tha với văn hoá cổ truyền dân tộc...
Đỗ Huệ