Trong những ngày nóng bức, nhiệt độ cao, thân nhiệt thay đổi bất thường thì các bạn cần hết sức đề phòng và trang bị cách xử lý khi bị hạ đường huyết. Vì thế, chúng tôi đã có cuộc trao đổi với chuyên gia Lê Thị Mỹ Ngân, giảng viên trường cao đẳng Y Dược Pasteur để giúp các bạn biết được nguyên nhân, triệu chứng và cách phòng tránh trường hợp hạ đường huyết.
Thưa chuyên gia, có những nguyên nhân nào có thể gây ra tình trạng hạ đường huyết?
Có rất nhiều nguyên nhân gây ra tình trạng hạ đường huyết chẳng hạn như:
Đối với người bệnh tiểu đường đang điều trị bằng insulin có thể do nguyên nhân sau:
• Sai lầm trong chế độ ăn: Bỏ bữa ăn, ăn quá ít mà vẫn tiêm insulin. Ăn quá chậm sau tiêm insulin.
• Dùng Insulin loại hấp thu quá nhanh hoặc kéo dài, tình trạng loạn dưỡng mỡ dưới da xảy ra ở những vùng tiêm insulin lâu ngày, các vùng hoạt động nhiều như tay, chân, ... chườm nóng, xoa bóp vùng tiêm sau khi tiêm insulin. Bệnh nhân dùng quá liều insulin.
• Đối với người bệnh đái tháo đường đang điều trị bằng thuốc viên thì hạ đường huyết thường do các nguyên nhân sau:
• Uống quá liều, uống thuốc xa bữa ăn chính.
• Không ăn nhưng vẫn uống thuốc.
• Hoạt động thể lực quá mức
• Uống thuốc không theo chỉ định của bác sĩ.
Đối với người không bị đái tháo đường, không điều trị bằng các thuốc hạ đường huyết
Trên các đối tượng này rất hiếm khi bị hạ đường huyết. Khi bị hạ đường huyết cần xem xét các nguyên nhân sau:
• Suy gan nặng, suy gan kèm nhiễm trùng nặng.
• Nhịn ăn kéo dài sau phẫu thuật đường tiêu hóa.
• Suy thượng thận, suy tuyến giáp, ngộ độc rượu, ngộ độc thuốc hạ đường huyết.
• Bị hạ thân nhiệt, có u tiết insulin.
Thưa Dược sĩ, làm thế nào để nhận biết các triệu chứng thường gặp của hạ đường huyết?
Các triệu chứng gợi ý hạ đường huyết: Bệnh nhân cảm thấy đói cồn cào, mệt đột ngột, đau đầu, chóng mặt, lo âu, tay chân yếu, cảm giác nặng nề. Nếu nặng hơn da có thể xanh tái, vã mồ hôi, hồi hộp, đánh trống ngực, kích động, hoảng hốt hay loạn thần. Nhịp tim nhanh, tăng huyết áp tâm thu, có thể có cơn đau thắt ngực hoặc cảm giác nặng ngực.
Hôn mê hạ đường huyết: Đây là giai đoạn nặng của hạ đường huyết có thể xuất hiện đột ngột không có dấu hiệu báo trước. Hôn mê thường xuất hiện nối tiếp các triệu chứng hạ đường huyết nhưng không được điều trị kịp thời. Thường là hôn mê yên lặng và sâu.
Các triệu chứng đi kèm với tình trạng hôn mê có thể gặp như dấu hiệu thần kinh khu trú Babinski cả hai bên, hôn mê sâu có thể giảm phản xạ gân xương, một số trường hợp có thể xuất hiện co giật toàn thân hoặc co giật cục bộ, tăng trương lực cơ.
Đứng trước một bệnh nhân hôn mê chưa rõ nguyên nhân và tỉnh lại sau khi tiêm tĩnh mạch dung dịch đường ưu trương thì đầu tiên nên nghĩ đến là hôn mê do hạ đường huyết.
Vậy hạ đường huyết được phân chia thành các mức độ như thế nào?
Chẩn đoán mức độ nặng nhẹ của hạ đường huyết như sau:
Hạ đường huyết mức độ nhẹ: Mức đường huyết thường từ 3,3 - 3,6mmol/l. Bệnh nhân còn tỉnh, có các biểu hiện như run tay, cồn cào, hoa mắt, nhịp tim nhanh, trống ngực, vã mồ hôi.
Hạ đường huyết mức độ trung bình: Mức đường huyết thường từ 2,8 - 3,3mmol/l. Cơn hạ đường huyết có biểu hiện thần kinh như nhìn mờ, giảm khả năng tập trung, lơ mơ, có thể rối loạn định hướng.
Hạ đường huyết mức độ nặng: Mức đường huyết thường dưới 2,8mmol/l. Bệnh nhân có thể mất định hướng, cơn loạn thần, co giật, rối loạn ý thức, hôn mê.
Ngoài hôn mê do hạ đường huyết thì còn có các nguyên nhân nào có thể gây ra tình trạng hôn mê?
Trong một số trường hợp cần phải phân biệt với các bệnh lý gây hôn mê khác hoặc có thể phối hợp với các bệnh lí gây hôn mê khác như:
• Hôn mê sau chấn thương sọ não.
• Loạn thần cấp.
• Nhiễm trùng thần kinh.
• Tai biến mạch máu não.
• Sau co giật, sau cơn động kinh.
• Hôn mê do ngộ độc thuốc nhóm an thần gây ngủ.
• Hôn mê do các nguyên nhân chuyển hóa khác chẳng hạn như hội chứng ure máu tăng cao, bị hạ natri máu, bệnh não gan,…
Thưa Dược sĩ, Dược sĩ có thể cho biết cách xử trí khi bệnh nhân bị hạ đường huyết?
Nếu mức độ nhẹ và trung bình (bệnh nhân còn tỉnh)
Cho uống ngay nước đường hoặc các thức uống chứa đường (glucose, saccharose). Lưu ý: không dùng loại đường hóa học dành riêng cho người đái tháo đường. Sau đó, cho bệnh nhân ăn ngay (bánh ngọt, sữa, ...).
Nếu mức độ nặng (bệnh nhân hôn mê)
Tiêm chậm tĩnh mạch 50ml dung dịch glucose ưu trương 20% hoặc 30%. Tiêm lặp lại nhiều lần cho đến khi bệnh nhân tỉnh.
Truyền tĩnh mạch dung dịch glucose 5% hoặc 10%, đường máu phải được duy trì trên 5,5mmol/l tức 100mg/dl để tránh nguy cơ hạ đường huyết tái phát. Cũng có thể tiêm dưới da 1mg glucagon
Nếu bệnh nhân dùng thuốc hạ đường huyết loại tác dụng kéo dài thì tình trạng hạ đường huyết có thể kéo dài. Do đó, phải duy trì và theo dõi đường máu ít nhất 24 - 72 giờ tùy thuộc vào dược động học của thuốc.
Hạ đường huyết là một tình huống nguy hiểm có thể dẫn đến tử vong, vậy chúng ta cần làm gì để phòng bệnh?
Đối với bệnh nhân cao tuổi bị đái tháo đường hoặc có kèm theo các bệnh lý khác như suy tim, suy gan, suy thận nên chọn mức đường huyết mục tiêu hợp lý, không nên chọn mức giống các đối tượng bình thường khác. Hướng dẫn bệnh nhân và gia đình bệnh nhân cần tuân thủ chế độ điều trị theo lời khuyên bác sĩ về liều lượng, cách dùng, chế độ ăn và luyện tập thể thao.
Trên đây là cuộc trao đổi của chúng tôi với chuyên gia Lê Thị Mỹ Ngân, giảng viên Trường Cao đẳng Y Dược Pasteur về cách xử lý khi bị hạ đường huyết giúp các bạn tự bảo vệ sức khỏe của bản thân.