Trong tiểu thuyết Tây du ký, Tôn Ngộ Không là một con khỉ được sinh ra từ một hòn đá, sau đó Ngộ Không theo Bồ Đề Tổ Sư học phép thuật, được truyền 72 phép biến hóa và Cân đẩu vân nên đã đạt những quyền năng phép thuật siêu nhiên.
Ở thời kỳ đỉnh cao, Tôn Ngộ Không từng đại náo Long cung, sửa sổ sinh tử - đại náo Địa phủ và đỉnh điểm là đại náo Thiên đình. Trong cuộc đại náo Thiên đình Ngộ Không đã liên tiếp đánh lui 10 vạn thiên binh, tứ đại thiên vương, Na Tra khi đó Tôn Ngộ Không đã ngông cuồng muốn thay thế Ngọc Hoàng làm chủ tam giới nếu không có Phật Tổ Như Lai can thiệp suýt nữa Tôn Ngộ Không đã phá nát Thiên Cung. Ngộ Không đã bị Như Lai dùng một chưởng giam dưới Ngũ Hành Sơn.
Dù bị giam giữ 500 năm, nhưng bản tính ngông cuồng và kiêu ngạo của Ngộ Không không hề thay đổi, khi đó Ngộ Không nhận lời với Quán Thế Âm Bồ Tát phò tá người đi lấy kinh, đó chỉ là quyết định có phần miễn cưỡng, cốt để thoát cái nạn núi đè mà.
Chính vì thế Tôn Ngộ Không vừa mới phò giá Đường Tăng đã đánh chết 6 người trần là cường đạo quấy rồi ông lão và cậu bé trong căn nhà sườn núi.
Việc làm của Tôn Ngộ Không khiến Đường Tăng tức giận mà rằng: "Đã nghe ta, làm đồ đệ của ta thì không được sát sinh. Ngươi làm như vậy làm sao đến được đất Tây Thiên bái Phật".
Tôn Ngộ Không quá tức giận nói: "Ta hết lòng phụng sự cho thầy, ấy vậy mà giờ gánh thêm tội sát sinh. Không đến đất Phật, Lão Tôn ta cũng không cần".
Tức thời Tôn Ngộ Không nhún người cưỡi mây bỏ mặc Đường Tăng. Điều này cho thấy tâm của Ngộ Không vẫn chưa hoàn toàn hướng Phật, hướng về sư phụ.
Khi đó Tôn Ngộ Không đến thẳng Đông Dương đại hải, than thở với Long Vương một cách đầy bất mãn về sư phụ, cho rằng "Đường Tăng không biết tính ta, có mấy thằng giặc cỏ chặn đường bị ta giết chết, mà Đường Tăng cứ càu nhàu mãi, nói ta như vậy là sai". Cho tới lúc này, Ngộ Không vẫn nghĩ giết người là mình đúng.
Lúc uống trà với Long Vương, Tôn Ngộ Không quay đầu ngắm nghía bức tranh “Cầu Dĩ dâng giày” hay “Ba lần dâng giày ở Cầu Dĩ” treo phía sau, liền hỏi ý nghĩa của bức tranh, Long Vương bèn chỉ vào bức tranh đáp: “Đại thánh sinh đời trước, việc này thuộc đời sau, ngài không biết. Bức tranh này gọi là “Ba lần dâng giày ở Cầu Dĩ”. Vị tiên này là Hoàng Thạch Công. Còn người kia là Trương Lương nhà Hán. Thạch Công ngồi trên Cầu Dĩ, bỗng bị rơi giày xuống chân cầu, bèn gọi Trương Lương nhặt hộ. Trương Lương nhanh nhẹn đi nhặt mang lên, quỳ dâng trước mặt. Ba lần như vậy, Trương Lương không chút tỏ ra lười biếng kiêu căng. Thạch Công quý mến Trương Lương cần cù lễ độ, nên đến đêm trao cho Trương Lương một cuốn thiên thư, và bảo giúp cho nhà Hán. Về sau, quả nhiên Trương Lương mưu tính trong màn trướng mà quyết đoán được sự thắng bại ở nơi nghìn dặm. Sau khi thái bình rồi, ông ta từ quan vào núi, theo Xích Tùng Tử học được đạo tiên. Đại thánh ạ, ngài không theo Đường Tăng, không chịu khó nhọc, không nghe dạy bảo, cuối cùng vẫn chỉ là một con yêu quái mà thôi, thành chính quả sao được!”.
Ngộ Không nghe nói, ngẫm nghĩ hồi lâu, chẳng nói năng gì. Long vương nói: “Đại thánh nên xét kỹ, đừng thích phóng khoáng mà để lỡ các công việc về sau nữa”.
Ngộ Không nói: “Thôi ngài đừng nói nữa, ta đi hộ vệ Đường Tăng đây”.
Long vương mừng lắm, nói: “Nếu như thế tôi cũng không dám giữ Đại thánh lâu. Mong ngài mở lòng từ bi ngay cho, đừng để sư phụ đợi lâu”.
Đây cũng chính là bước ngoặt trong quá trình phát triển tâm lý của Ngộ Không, miệng không nói gì nhưng trong lòng đã ngộ ra chân lý, chân chính quay đầu, quy y cửa Phật. Lời khuyên của Long Vương quả chí phải, nếu không phò tá Đường Tăng, Tôn Ngộ Không có tu nữa, tu mãi cũng chỉ là một con yêu quái trong Tam Giới, bị Thiên Đình ghét bỏ.
Có thể nói nếu không tình cờ thấy được bức tranh ấy, Ngộ Không đã chẳng ngộ ra chân lý rồi chân chính, dù về sau còn gặp nhiều sóng gió và có đôi lần nản lòng, nhưng đây chính là bước đầu Ngộ Không tự nguyện tìm đến con đường tu luyện chân chính.
Quốc Tiệp (t/h)